Du lịch

Rùng mình với những món ăn từ… mối

Ai từng ghé thăm đồng bào Cơ Tu trên đỉnh Trường Sơn miền Đông Giang, Nam Giang và Tây Giang tỉnh Quảng Nam vào mùa hè, chắc hẳn sẽ không quên được món đặc sản vô cùng độc đáo: mối cánh.

Sinh sống giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, người Cơ-tu ở Tây Giang nói riêng và ở các huyện miền núi trong tỉnh nói chung có rất nhiều món ăn tuy đơn giản về cách chế biến nhưng rất đậm đà, ngon miệng. Nhiều món ăn đã trở thành nét độc đáo trong nghệ thuật ẩm thực của đồng bào. Con mối chính là một trong những nguồn nguyên liệu dùng để chế biến các món ăn, được nhân dân sử dụng nhiều trong đời sống hằng ngày cũng như trong các bữa tiệc đãi khách, liên hoan...

Mối đất là một loài côn trùng, sống theo đàn, cánh mỏng, thân dài khoảng hơn 1 cm, bụng lớn bằng sợi bún, có viền đen quanh thân màu vàng nâu.

Mùa bắt mối diễn ra từ tháng 3 đến tháng 8 Âm lịch nhưng bắt mối nhiều nhất là vào tháng 4, khi những cơn mưa giông đầu mùa đổ về. Hằng năm, khi cơn mưa đầu hạ vừa trút xuống, mối từ những ụ đất bay ra, mối đực tìm mối cái giao phối sau đó chui vào tổ sinh nở. Đây là thời điểm thích hợp để bắt mối đất.

Bắt mối vào mùa mưa.


Khi phát hiện có mối, người ta lập tức tắt bớt điện trong nhà, chỉ để lại một bóng đèn để mối tập trung vào một chỗ, sau đó đặt thau nước ở dưới ánh đèn. Mối thấy ánh sáng cùng nhau bay đến, sà xuống gặp nước, ướt cánh không bay lên được nên phải nằm lại trong thau. Thỉnh thoảng, người ta lấy tay khuấy nước trong thau. Nếu thấy trong thau nhiều mối thì lấy ra bỏ vào bao nilon.

Một số bà con ở miền núi dù có bận đến mấy thì cũng tranh thủ bắt vài bát mối, thành thử có câu ca: “Con ơi bắt mối đem rang / Nhanh tay không kẻo, mối sang nhà người”.

Công đoạn bắt mối chỉ diễn ta khoảng nửa tiếng là kết thúc. Lúc này mối đã ít dần, chúng bị rụng cánh và rơi dần ở chung quanh khu vực. Sau khi kết thúc bắt mối, người ta dùng nước sạch rửa nhẹ nhàng mối nhiều lần cho sạch và vớt ra một cái rá nhựa để cho ráo nước…

Chắc hẳn nhiều người sẽ bất ngờ khi biết, mối có thể chế biến thành nhiều món khác nhau như: mối hấp, mối nấu với lá bép, cà đắng, thậm chí bà con còn giã nhuyễn để nấu với bí ngô và bí đao.

Mối đất chiên giòn là món ăn ngon miệng, hấp dẫn đối với đồng bào Cờtu. Người ta bắc chảo, phi dầu cùng hành tỏi thơm phức rồi trút mối vào. Vài phút sau, nêm một ít nước mắm, tiêu bột, chút đường, tạo thành một mùi thơm nức mũi. Nếu muốn cầu kỳ hơn chút xíu, thì pha một tô bột, nhúng từng con mối rồi thả vào chảo dầu đang sôi, chờ bột vàng rụm là vớt ra.

Mối chiên giòn là món ăn được nhiều người ưa chuộng.


Ăn mối đất chiên giòn mà có các loại rau húng, quế, ngò tàu hay bánh tráng để xúc thì sẽ rất hợp. Mối đất chiên giòn nhai kỹ có vị ngọt bùi, béo đậm đà vì chúng có nhiều chất đạm, ăn mãi không chán. Không gì thú vị bằng khi được thưởng thức hương vị thơm lừng, beo béo và ngọt bùi của món mối rang, có thêm vài ly rượu đế, rôm rả trò chuyện cùng với người dân tộc mến khách.

Một cách khác để chế biến mối thành món ăn hấp dẫn là nấu cháo. Mối cánh sau khi làm sạch thì đảo với dầu ăn và gia vị cho thơm. Gạo đem nấu chín nhừ thành cháo, sau đó cho mối đã rang vào, nêm gia vị rồi nhấc xuống. Múc cháo ra bát cho khói tỏa nghi ngút, lan tỏa mùi thơm kích thích vị giác.

Cháo mối nhìn khá lạ mắt, hấp dẫn.


Thực khách có thể thêm rau thơm như ngò tàu, nêm nếm vừa ăn. Bát cháo mối với màu nâu của mối, màu trắng của cháo, ăn có mùi thơm đặc trưng, bổ dưỡng. Thưởng thức cháo mối với vị ngọt bùi, thơm béo hòa lẫn với nhau giữa ngày mưa rét thì chẳng có cái thú nào bằng. Du khách qua đây trong mùa mối cánh, nếu đã một lần thưởng thức hương vị thơm ngon của món cháo mối ở Trường Sơn thì không thể nào quên được.

Dù chưa có tài liệu khoa học nào xác định giá trị dinh dưỡng của loài mối cánh này nhưng đồng bào Cơ-tu từ xa xưa đã xem đây là một nguồn thức ăn giá trị, giàu chất đạm, được nhiều người ưa thích.

Tác giả bài viết: Hoàng Ngọc (Tổng hợp)

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok