Cuộc sống

Rối loạn cương - chớ xem thường!

Theo số liệu thống kê, có 13-28% số nam giới lứa tuổi 40-80 có vấn đề về rối loạn cương (RLC). Tại Việt Nam, độ tuổi nam giới có vấn đề RLC trẻ hơn từ 31-49% tuổi.

Theo số liệu thống kê, có 13-28% số nam giới lứa tuổi 40-80 có vấn đề về rối loạn cương (RLC). Tại Việt Nam, độ tuổi nam giới có vấn đề RLC trẻ hơn từ 31-49% tuổi. Ths.BS. Mai Bá Tiến Dũng – Quyền Trưởng khoa Nam học, BV. Bình Dân cho biết, bị bệnh RLC nếu không biết cách nhận biết để điều trị sớm sẽ không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống mà còn dễ mắc các bệnh mạn tính như bệnh gan, đái tháo đường, huyết áp, béo phì và đột quỵ.

Tỷ lệ người mắc bệnh rất cao

Lập gia đình được 6 năm nhưng khoảng gần 1 năm nay, anh C.T.A. gần như không “quan hệ” với vợ. Không phải do vợ chồng anh “cơm không lành canh không ngọt” mà vấn đề là ở “cậu nhỏ” của anh. Mỗi lần vợ chồng “gần gũi” nhau, lúc đầu thì “cu cậu” cương cứng nhưng rất nhanh sau đó cứ xìu dần và anh không thể xuất tinh. Tìm hiểu thông tin trên internet anh biết mình bị RLC. Nghĩ mình bị bệnh “thầm kín” nên anh không dám đi khám. Chỉ đến khi anh cảm thấy buồn chán, mệt mỏi ảnh hưởng tới công việc và cuộc sống gia đình anh mới tìm tới khoa Nam học, BV. Bình Dân. Sau khi thăm khám cho anh, bác sĩ kết luận anh bị RLC do bị stress. Anh cũng thừa nhận, so với trước đây, hiện tại anh gặp rất nhiều áp lực trong công việc.

Ảnh minh họa


Ngập ngừng một lúc rồi P.V.B vẫn phải thú nhận với bác sĩ năm nay anh 25 tuổi, đã thủ dâm và quan hệ tình dục từ lúc 16 tuổi. B. thủ dâm khoảng 3 lần một tuần còn quan hệ thì mỗi tháng từ 4 - 5 lần. Hiện giờ mỗi lần B. quan hệ thì dương vật rất khó cương cứng và duy trì độ cứng lâu. Rất nhiều khi B. không thể đưa dương vật vào âm đạo được.

Tại hội nghị khoa học “Quan niệm về tình dục ở châu Á” do Hội Thận - tiết niệu VN tổ chức, Ths.BS.Mai Bá Tiến Dũng cho biết, hiện nay tỷ lệ người mắc bệnh RLC rất cao có 13 - 28% nam giới lứa tuổi 40 - 80 có vấn đề về RLC. Tại Việt Nam, độ tuổi nam giới có vấn đề RLC trẻ hơn (31 - 49 tuổi). Nam giới gặp vấn đề về RLC có tỷ lệ cao hơn về các bệnh mãn tính như đái tháo đường, bệnh gan, béo phì, huyết áp và đột quỵ.

Ngược lại, những nam giới có quan hệ tình dục lý tưởng thì tự tin hơn và ít bị bệnh mãn tính. Cũng tại hội nghị, bác sĩ Rosie King - Đại học New South Wales (Úc) đã công bố kết quả khảo sát của bà và cộng sự thực hiện trong năm 2010 trên 3.282 người là nam và nữ trong độ tuổi 31 - 74 ở 10 nước châu Á về tình dục lý tưởng. Kết quả khảo sát cho thấy, 80% số người được hỏi đồng ý trong quan hệ tình dục lý tưởng thì chất lượng quan trọng hơn số lượng. 75% số nam giới có vấn đề về RLC cho rằng việc cải thiện tình dục rất quan trọng; 90% số nam giới thường bắt đầu câu chuyện với bác sĩ chuyên khoa về vấn đề RLC.

Thay đổi lối sống

Theo Ths.BS.Mai Bá Tiến Dũng, RLC là duy trì sự cương của nam giới đủ cho sự gia hợp bình thường và tình trạng này kéo dài, xảy ra nhiều lần trong ít nhất là 3 tháng.

Nếu tình trạng rối loạn chỉ xảy ra đôi ba lần, trong thời gian ngắn (ít hơn 3 tháng), do tác động của những tình huống bất thường (như phiền muộn, trầm cảm, do tác động của rượu) thì đó chưa phải là bệnh mà là rối loạn tạm thời, sự ổn định tâm lý sẽ giúp khắc phục rối loạn. Còn tình trạng rối loạn kéo dài hơn 3 tháng, người bệnh cần đến bác sĩ khám để được chẩn đoán và nếu cần, sẽ được điều trị. Cũng theo BS.Tiến Dũng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh RLC như huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid…Trong đó, tâm lý được coi là nguyên nhân phổ biến. Đa số người bệnh đều phải chịu những căng thẳng trong cuộc sống như chuyện gia đình, áp lực công việc, vấn đề tài chính… nhưng không có chế độ nghỉ ngơi, tập luyện thể thao hợp lý.

Phụ thuộc vào thời gian, biểu hiện bệnh, RLC có nhiều phương pháp chữa trị khác nhau. Bệnh nhân có thể sử dụng thuốc uống, thuốc tiêm… Nếu không đáp ứng tốt các biện pháp trên người bệnh phải phẫu thuật. Điều đặc biệt cần lưu ý, khi bắt đầu chữa trị RLC bằng phương thức điều trị nào đó, bác sĩ thường khuyên người bệnh thực hiện các biện pháp thay đổi lối sống và hạn chế các yếu tố rủi ro hàng đầu của RLC. Cụ thể, bệnh nhân cần tập thể dục để có thể trọng hợp lý.

Bỏ hút thuốc lá, giảm uống rượu. Ăn chế độ dinh dưỡng làm giảm mỡ trong máu (giảm lipid nói chung, trong đó có cholesterol “xấu”). Chữa trị tốt các bệnh: trầm cảm, đái tháo đường, tim mạch… Không dùng thuốc bừa bãi vì một số thuốc có tác dụng phụ gây RLC. Các biện pháp trên được gọi là hỗ trợ nhưng cũng có thể gọi là phòng ngừa nếu áp dụng thường xuyên trong cuộc sống ngay trước khi bị RLC để tránh rối loạn này.

Bác sĩ Rosie King khuyến cáo, nam giới gặp vấn đề về RLC nên tìm sự trợ giúp y tế để có thể sinh hoạt tình dục bình thường và giúp cải thiện các mối quan hệ với bạn tình. Đàn ông thường coi RLC là một vấn đề tâm lý hoặc một hệ quả tự nhiên của tuổi già. Tuy nhiên, RLC cũng là dấu hiệu cảnh báo cho những vấn đề liên quan đến sức khỏe, và nếu tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Bác sĩ Rosie King chia sẻ thêm: “Tôi kêu gọi các bác sĩ chuyên khoa hãy thảo luận với nam giới có nguy cơ và giúp họ hiểu rằng việc cải thiện độ chứng RLC sẽ cải thiện trải nghiệm tình dục của họ và giúp họ lấy lại sự tự tin và lòng tự trọng. Mặc dù, nhiều người có thể e ngại khi nói chuyện với bác sĩ về vấn đề tình dục nhưng việc điều trị RLC là rất cần thiết và phải được khuyến khích. Tôi cũng tin rằng phụ nữ đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ đối tác của mình để ‘mở khóa cửa và tìm kiếm sự trợ giúp y tế. Tình dục đã không còn là điều cấm kỵ ở châu Á, người ta đã nhận thức nó đã trở thành một vấn đề của sức khỏe và có tác động rất lớn đến cuộc sống chung giữa nam giới và phụ nữ”.

Tác giả bài viết: PHƯỚC ĐẠT

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok