Kinh tế

"Rau nhà nghèo" phủ sóng khắp Thủ đô, "thượng đế" tranh nhau mua tới tấp

Những loại "rau nhà nghèo" như củ niễng, rau sắn, bò khai, nụ hoa gừng vốn là món ăn bình dân ở nhiều làng quê, giờ bỗng trở thành sản vật nơi phố thị, khiến "thượng đế" săn lùng.

Củ niễng

Vừa ngồi thái củ niễng để xào với thịt bò, chị Hoài Trang (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) khoe, chị vừa mới mua 5 bó củ niễng với giá 40.000 đồng ở chợ. Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10, đầu tháng 11, chị lại săn lùng khắp nơi loại "vua rau" khiến nhà chị mê mẩn.

Chị cho biết, năm nay, giá củ niễng tăng cao hơn so với mọi năm 5.000 - 7.000 đồng/bó. Thông thường, củ niễng sẽ được dân buôn cắt bỏ phần lá thừa, xếp thành từng bó, cứ 10 củ là 1 bó.

"Ngày trước, củ niễng là loại cây dại mọc bờ ao, đến mùa người dân thường bẻ về ăn thay rau. Nhìn xa, chúng khá giống với cây sả. Nhưng vài năm gần đây, củ niễng bỗng trở thành đặc sản trên phố khiến người người, nhà nhà đổ xô đi kiếm tìm" - chị kể.

Niễng đầu mùa thường có giá 35.000 - 40.000 đồng/bó/10 củ

Anh Nguyễn Quý, một tiểu thương ở chợ Cầu Giấy (Hà Nội) cho hay, trung bình mỗi ngày, anh bán ra thị trường hơn 100 bó niễng. Tính sơ sơ, mỗi bó niễng anh lãi hơn 2.000 đồng, chưa kể vào thời gian cao điểm, anh còn lãi tới 3.000 đồng/bó.

"Niễng đầu mùa thường có giá 35.000 - 40.000 đồng/bó/10 củ, cuối vụ thì đắt hơn một chút do khan hiếm hàng. Đa phần, niễng ở Hà Nội đều nhập từ Nam Định bởi củ ở đây to, chắc, giòn hơn ở các vùng khác" - anh thông tin.

Nụ hoa gừng

Gần đây, nụ hoa gừng đang rất thịnh hành và được quảng cáo là món ăn giòn, thơm, có công dụng giải cảm. Nụ hoa gừng nhìn qua rất giống măng tây hoặc tre và được quảng cáo là có mùi thư thái, dễ chịu. Khi bóc tách lớp vỏ xơ bên ngoài, hương gừng thơm dịu còn lưu mãi.

Nụ hoa gừng trở thành món ăn được nhiều người săn lùng trong thời gian gần đây

Theo một người bán, nụ hoa gừng hay còn gọi là hoa gừng rừng được người vùng cao hái về. Vì thế, nhiều người trồng gừng ở dưới xuôi có thể sẽ không thấy bao giờ. “Phần cọng không cần tách vỏ, chỉ cần rút vỏ của bông hoa. Nụ hoa gừng xào với thịt bò, mực, măng tươi có tác dụng giải cảm rất tốt".

Cũng theo người bán, nụ hoa gừng thường chỉ nở vào tháng 7 - 9 âm lịch hàng năm. Nên món ăn này mới “hot” ở thời điểm này. Đầu mùa, nụ hoa gừng có giá khoảng 45.000 đồng/kg. Nhưng hiện tại, giá đã lên tới 60.000 - 65.000 đồng/kg.

Rau bò khai

Rau bò khai hay còn gọi là rau ngót leo, rau nghiến, khau hương. Một loại rau mọc nhiều ở các tỉnh vùng núi phía Bắc.

Như một thói quen vào 3h sáng mỗi ngày, anh Nguyễn Minh (Hà Nội) đánh chiếc ô tô tải ra các bến xe Nước Ngầm, Mỹ Đình, Giáp Bát nhận rau bò khai từ các mối buôn. Gần 10 năm nay, 2 vợ chồng anh chuyển sang kinh doanh các mặt hàng đặc sản từ núi như ốc hương, tầm bóp, rau sắn, rau dớn và chủ yếu là rau bò khai.

"Rau bò khai không những là một đặc sản mà còn là vị thuốc quý nên mọi người rất ưa chuộng. Điểm đặc biệt của rau là có mùi khai nhẹ nên khi chế biến phải vò và rửa thật kỹ" - anh Minh cho biết.

Rau bò khai hay còn gọi là rau ngót leo, rau nghiến, khau hương

Trung bình mỗi ngày, anh Minh đổ buôn 300 - 500kg rau bò khai trên khắp địa bàn Hà Nội. Nhẩm tính, nhà anh hiện bao thầu khoảng 25 - 28 nhà hàng, 10 điểm chợ và 4 kiot lớn ở Thủ đô chuyên bán rau bò khai.

Giá bán lẻ đặc sản hiện nay là 40.000 đồng/kg. Trước Tết Nguyên đán, mỗi cân bò khai có thể chạm mốc 90.000 - 120.000 đồng/kg.

Để có đủ nguồn hàng anh Minh phải đặt rau từ các tỉnh như Lạng Sơn, Phú Thọ, Hòa Bình, đặc biệt là 2 vùng cung cấp chính ở Thái Nguyên và Tuyên Quang. Vào vụ cao điểm, mỗi ngày, lượng rau bò khai nhà anh cung cấp cho Hà Nội có thể lên tới 800 - 900kg/ngày.

Rau sắn

Rau sắn muối chua hay còn gọi là dưa lá sắn, vốn là món ăn dân dã, khoái khẩu của nhiều người. Trung bình mỗi ngày, cô Nguyễn Quy (Phú Thọ) bán ra thị trường hơn 30kg đặc sản, thu về cả triệu đồng.

Ngoài muối rau bán ở chợ, cô Quy còng cung cấp online. Nhờ muối khéo tay, rau sắn nhà cô bán rất chạy, đặc biệt ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Giá cho mỗi cân dưa lá sắn là 75.000 đồng.

Cô cho biết:"Rau sắn ngon nhất là được muối theo phương pháp truyền thống và được đặt để trong loại chum sành Hương Canh. Lá sắn sau khi được hái về sẽ bỏ đi phần cậng và lá già. Sau đó đem vò cho vào vại, đổ nước ngập, nén lại và phơi nắng 2 - 3 ngày".

Rau sắn muối chua hay còn gọi là dưa lá sắn, vốn là món ăn dân dã, khoái khẩu của nhiều người

Để đảm bảo hàng cho khách, ngoài dùng lá sắn trồng ở vườn nhà, cô Quy còn mua thêm của hàng xóm. Giá cho mỗi cân lá sắn tươi là 15.000 đồng. Thông thường, cứ 7 ngày là lá sắn sẽ cho thu hoạch đợt mới. Do đó mà cô thường phải phân bố đều thời gian để xoay vòng nguồn cung nguyên vật liệu.

"Cứ 30kg rau sắn muối sẽ thu về 2,2 - 2,5 triệu đồng, trừ hết chi phí còn khoảng 800.000 - 1.200.000 triệu đồng tiền lãi. Nếu không phải mua rau mà mình tự chủ được thì phần lãi sẽ còn nhiều hơn nữa" - cô Quy kể.

Tác giả: An Chi (tổng hợp)

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok