Kinh tế

Rau màu Nghệ An rớt giá thê thảm, nông dân điêu đứng

Trước và sau Tết Nguyên Đán Đinh Dậu, giá một số mặt hàng rau màu tại Nghệ An xuống thấp, có thời điểm chỉ bằng 1/10 cùng kỳ năm trước. Bà con nông dân đang điêu đứng vì “bỏ thì thương, vương thì tội”.

Quỳnh Bảng là xã có diện tích sản xuất rau lớn của huyện Quỳnh Lưu với hơn 200 ha. Thời điểm này, giá rau xuống quá thấp, bà con không tiêu thụ được. Năm nay, ông Hồ Văn Luật, xóm 6, xã Quỳnh Liên (thị xã Hoàng Mai) trồng 0,5 ha su su. Với diện tích trên, cùng thời điểm này năm trước, ông đã thu về trên 100 triệu đồng. Năm nay, thời tiết nắng ấm, su su vào vụ thu hoạch sớm, năng suất cao hơn năm trước nhưng ông mới chỉ thu về được 20 triệu đồng...
Su su Quỳnh Liên rớt giá thê thảm.
“Năm trước, tính ra, mỗi sào su su (500 m2-PV) gia đình tôi thu về 20 triệu đồng. Nhưng năm nay, giá su su thảm quá, trước tết chỉ bán được 4-5 nghìn đồng/kg, chỉ bằng 1/2 giá so với cùng thời điểm năm trước. Đến nay thì chỉ còn 400 đồng/kg, tức là chỉ bằng 1/10 so với cùng thời điểm năm trước nhưng cũng không có người đến thu mua. Nhà tôi còn 2/3 lượng quả đang treo lủng lẳng trên cây chưa hái do không bán được. Giờ thì quả to quá rồi, tư thương chê ỏng chê eo. Không biết rồi sẽ bán cho ai? Mà có bán được với giá này cũng không đủ tiền công thu hoạch chứ chưa nói đến lời lãi bao nhiêu” – ông Luật than thở...
Nông dân đóng bao nhưng không có người hỏi mua.
Quỳnh Liên là một trong những xã trồng su su nhiều nhất và năng suất cao nhất tại Nghệ An với diện tích khoảng 80 ha. Cùng thời điểm này năm trước, lượng quả su su trên cây đã được thu hoạch gần hết nhưng năm nay, giá thấp, khó bán, nhiều hộ bỏ mặc không chăm sóc, không tỉa lá. Một số hộ xót của, cắt đóng túi bóng xếp đầy vườn, chở đi “trưng” tại các ngã ba, ngã tư nhưng vẫn không có người hỏi mua.
Vườn su su của ông Luật ế ẩm.
Ông Hồ Ngọc Tăng, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Liên cho biết: “Diện tích su su ở Quỳnh Liên năm nay tăng khoảng 10 ha so với năm 2016. Tuy nhiên, đây không phải là lý do khiến giá su su rớt thê thảm như hiện nay. Su su Quỳnh Liên chủ yếu được xuất bán ra các tỉnh phía Bắc. Nhưng năm nay, thời tiết thuận lợi, có lẽ các tỉnh phía Bắc cũng tự đáp ứng được nhu cầu nên su su Quỳnh Liên ứ hàng”. Theo tính toán của người trồng su su Quỳnh Liên, mỗi ha su su, đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu như hệ thống nước, béc tưới, trụ cột bê tông, giàn leo bằng lưới… hết khoảng 120 triệu đồng, sử dụng được trong vòng 10 năm, tính ra mỗi năm hết 12 triệu đồng. Chi phí giống khoảng 10 triệu đồng/ha/năm; phân bón 10 triệu đồng/ha/năm. Năng suất su su Quỳnh Liên đạt khoảng 80-90 tấn/ha. Nếu giá su su bình quân 4 nghìn đồng/kg thì người trồng su su lãi gần 300 triệu đồng/ha. Nhưng nếu chỉ bán với giá 4 trăm đồng như hiện nay thì mỗi ha su su chỉ thu về trên 30 triệu đồng/ha, tức là chưa đủ vốn bỏ ra.
Người trồng su su điêu đứng.
Theo tìm hiểu của PV, không chỉ su su mà cải ngọt, cải bắp, súp lơ… được sản xuất tại các xã của Quỳnh Lưu, Hoàng Mai… cũng chỉ được tư thương thu mua tận vườn với giá 500 đồng/kg; bắp cải chỉ 500 đồng/bắp… Các loại rau màu khác trước đây thường giữ được giá nhưng nay cũng rẻ bèo như xà lách 2.000 đồng/kg, cà chua 3.000 đồng/kg, cải bắp 1.500 đồng/kg, tức là đều giảm khoảng 1/2 giá bán so với cùng thời điểm này năm trước. Người trồng rau màu chịu khó chở đi một số chợ trong vùng bán nhưng giá cũng không cao hơn được bao nhiêu.
Rau cải tập kết đầu bờ không có người mua.
Quỳnh Bảng là xã có diện tích sản xuất rau lớn của huyện Quỳnh Lưu với hơn 200 ha. Thời điểm này, giá rau xuống quá thấp, bà con không tiêu thụ được. Những thửa ruộng trồng rau cải, xà lách, súp lơ… xanh nõn, nhưng bà con đành ngậm ngùi bỏ mặc không thu hoạch, để rau lụi tàn đi vì giá bán sau thu hoạch không đủ tiền thuê nhân công. Chỉ tính riêng vùng bãi ngang của huyện Quỳnh Lưu cũng đã có hơn 700 ha chuyên canh trồng rau màu, doanh thu mỗi năm đạt hàng trăm tỷ đồng. Thời gian qua, để nâng cao giá trị và tạo thương hiệu rau sạch, huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và thị xã Hoàng Mai đã xây dựng các vùng sản xuất rau VietGAP, rau an toàn… Tuy nhiên, khi bà con đã tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, chất lượng, số lượng sản phẩm không ngừng tăng lên lại gặp cảnh được mùa, rớt giá thê thảm.
Nông dân phải chở đi các chợ trong vùng bán.

Tác giả bài viết: Văn Dũng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok