Cả gia đình Clinton trò chuyện trong một sự kiện của Quỹ Clinton hồi tháng 3/2014. Ảnh: Reuters
Quỹ Clinton của gia đình ứng viên tranh cử tổng thống đại diện đảng Dân chủ Hillary Clinton suốt nhiều năm phát triển nhanh chóng, chủ yếu nhờ vào lòng hảo tâm của các mạnh thường quân ở nước ngoài, những người đã ủng hộ số tiền lên tới hàng trăm triệu USD cho nỗ lực từ thiện toàn cầu.
Thành lập năm 1997, Quỹ Clinton đến nay quyên góp được gần hai tỷ USD, hoạt động tại gần 180 quốc gia, giúp trang trải chi phí cho hơn 3.500 dự án.
Nhưng hiện tại, khi Hillary Clinton đang sải bước trên đường đua vào Nhà Trắng, quỹ từ thiện này có nguy cơ trở thành gót chân Achilles đối với chiến dịch vận động tranh cử cũng như bộ máy chính quyền của bà nếu cựu ngoại trưởng Mỹ đắc cử tổng thống, theo New York Times.
Trong bối cảnh bà Clinton phải đối mặt với cáo buộc dành ưu ái cho những người ủng hộ Quỹ Clinton khi còn làm ngoại trưởng, cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton hôm 18/8 tuyên bố trước các nhân viên thuộc tổ chức rằng họ sẽ không chấp nhận các khoản đóng góp ở nước ngoài hay từ các nhà tài trợ doanh nghiệp nữa nếu bà Clinton giành chiến thắng ở cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tháng 11 tới đây.
Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá động thái trên không thể giải quyết một câu hỏi cấp bách là bà Clinton sẽ hành xử như thế nào trước các nhà tài trợ lâu năm mong muốn tìm kiếm sự giúp đỡ từ Mỹ hay những bên xảy ra xung đột lợi ích quốc gia với Mỹ có liên quan tới quỹ.
Xung đột lợi ích
Quỹ Clinton đã chấp nhận hàng chục triệu USD tiền ủng hộ từ những quốc gia mà Bộ Ngoại giao Mỹ từng chỉ trích vì các vấn đề về nhân quyền hay tình trạng phân biệt giới tính, ví dụ như Arab Saudi, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Qatar, Kuwait, Oman, Brunei hay Algeria.
Arab Saudi có vẻ là nhà hảo tâm hào phóng hơn cả khi đã ủng hộ Quỹ Clinton từ 10 đến 25 triệu USD. Song Arab Saudi cũng có mối quan hệ ngoại giao phức tạp và đầy căng thẳng với Mỹ.
Nước này được nhìn nhận như một bức tường ngăn chặn chủ nghĩa phiêu lưu của Iran ở Trung Đông và là một đồng minh chống khủng bố tin cậy của Mỹ trong khu vực. Nhưng cùng lúc, giới chức Mỹ từ lâu tỏ ra quan ngại trước những mối nghi vấn về vai trò của Arab Saudi trong việc thúc đẩy phong trào Hồi giáo cứng rắn trên thế giới mà ở đó hàng loạt tín đồ bị cáo buộc liên quan đến bạo lực. Dù Arab Saudi phủ nhận mọi mối liên hệ với khủng bố, giới phê bình cho rằng hoạt động từ thiện của nước này chỉ là chiêu bài bình phong che giấu hành vi tài trợ cho các phần tử nổi dậy.
Ông Brian Fallon, phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của cựu ngoại trưởng Mỹ, cho biết gia đình Clinton cũng như Quỹ Clinton luôn cẩn thận trước các nhà ủng hộ. Nhưng ông Donald Trump, ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng đảng Cộng hòa, vài tuần gần đây liên tục bám vào những email mà Clinton trao đổi qua lại khi giữ vai trò ngoại trưởng Mỹ để công kích bà. Các bức thư điện tử nói trên có đề cập đến tên một số nhà ủng hộ cho Quỹ Clinton.
Ông Trump đả kích cựu ngoại trưởng Mỹ bởi bức email hé lộ việc Douglas J. Band, cố vấn cho bà Clinton, đã tìm cách sắp xếp một buổi gặp mặt giữa một quan chức chính phủ cấp cao Mỹ với ông Gilbert Chagoury, nhà phát triển bất động sản Lebanon - Nigeria, người từng ủng hộ Quỹ Clinton số tiền từ một đến 5 triệu USD.
Vài email và bản ghi khác miêu tả các nhà ủng hộ đôi lúc còn cố gắng tìm cách gặp gỡ những quan chức Bộ Ngoại giao. Không tài liệu nào cho thấy Clinton đưa ra quyết định dựa trên cảm tình với những người đóng góp song nhiều đồng minh của bà lo sợ nguy cơ các email mới sẽ bị công bố và trở thành vũ khí trong tay ông Trump.
Craig Minassian, người đại diện Quỹ Clinton, khẳng định quyết định từ chối tiếp nhận tiền ủng hộ của doanh nghiệp và từ nước ngoài không liên quan tới những lùm xùm về email. Quỹ vẫn sẽ tiếp tục quyên tiền từ các cá nhân và tổ chức từ thiện Mỹ.
"Nguyên nhân duy nhất là chúng tôi muốn loại bỏ những vấn đề nhận thức trong trường hợp bà Clinton trở thành tổng thống Mỹ và đảm bảo chương trình có thể được duy trì theo cách nào đó nhằm hỗ trợ những người cần giúp đỡ", Minassian nói.
Nhưng theo Tom Fitton, chủ tịch tổ chức Giám sát Tư pháp, một nhóm bảo thủ từng đâm đơn kiện đòi quyền tiếp cận hồ sơ làm việc của bà Clinton lúc còn công tác tại Bộ Ngoại giao, "xung đột lợi ích đã hình thành và chính quyền bà Clinton sẽ phải vật lộn với nó". Fitton nhấn mạnh "chúng sẽ phủ bóng đen lên những chính sách của họ".
Theo một cuộc thăm dò do Bloomberg thực hiện hồi tháng 6, 72% cử tri Mỹ nói họ không ít thì nhiều có bận tâm trước việc Quỹ Clinton nhận tiền từ nước ngoài trong giai đoạn bà Clinton làm ngoại trưởng.
Edward G. Rendell, thành viên đảng Dân chủ, cựu thống đốc bang Pennsylvania, cho rằng Quỹ Clinton phải bị giải thể nếu bà Clinton trở thành tổng thống Mỹ. Theo ông, quỹ này nên lập tức ngừng nhận tiền từ các nhà ủng hộ nước ngoài.
Bên cạnh vấn đề xung đột lợi ích, mối quan hệ có phần kỳ lạ của một số nhà ủng hộ với Quỹ Clinton cũng là điểm gây chú ý.
Những mối quan hệ bị nghi vấn
Victor Pinchuk, ông trùm ngành thép có bố vợ là Leonid Kuchma, tổng thống Ukraine từ năm 1994 đến 2005, đã chuyển trực tiếp từ 10 triệu đến 25 triệu USD cho Quỹ Clinton. Pinchuk còn từng cho nhà Clinton mượn chuyên cơ riêng và bay tới Los Angeles vào năm 2011 để dự sinh nhật lần thứ 65 của cựu tổng thống Bill Clinton.
Từ tháng 9/2011 tới tháng 11/2012, Douglas E. Schoen, cựu cố vấn chính trị cho ông Clinton, đã bố trí hơn 10 cuộc gặp giữa các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ với Pinchuk hoặc đại diện của ông này để thảo luận về cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine, theo một số báo cáo từ Douglas E. Schoen.
"Tôi đã ăn sáng với Pinchuk. Ông ấy sẽ gặp bà vào bữa trưa ở Brookings", Melanne Verveer, một nhân viên người Mỹ gốc Ukraine làm việc tại Bộ Ngoại giao, tháng 6/2012 viết email cho bà Clinton.
Đầu năm 2012, đại sứ John F. Tefft cũng viết email gửi tới bà Clinton nói về chuyện con gái bà, cô Chelsea Clinton, cùng chồng, Marc Mezvinsky, sẽ đến Ukraine theo "lời mời từ nhà tài phiệt Victor Pinchuk".
Bà Clinton đáp lại: "Thật tuyệt khi nghe những điều tốt đẹp về con cái".
Tháng 7/2013, Bộ Thương mại điều tra các khiếu nại cáo buộc Ukraine, điển hình là công ty Interpipe của Pinchuk, cùng 8 quốc gia khác chuyển bất hợp pháp một lượng lớn ống thép vào thị trường Mỹ với giá thấp.
Đại diện cho Pinchuk khẳng định cuộc điều tra không liên quan tới Bộ Ngoại giao và chỉ bắt đầu được tiến hành sau khi bà Clinton hết nhiệm kỳ.
Thỏa thuận liên quan đến thương vụ bán một công ty uranium Mỹ cho tập đoàn nhà nước Nga là một ví dụ khác được dẫn chứng để cho thấy sự va chạm giữa Quỹ Clinton và vai trò của bà Clinton trong chính quyền Obama. Bộ Ngoại giao mà bà đứng đầu là một trong các cơ quan ký tên vào thỏa thuận. Nó dính dáng tới một nhà từ thiện chính của Quỹ Clinton đến từ Canada.
Không có dấu hiệu cho thấy bà Clinton gây ảnh hưởng tới thương vụ trên nhưng thời điểm giao dịch diễn ra cũng như danh sách các nhà ủng hộ góp mặt cũng làm dấy lên những câu hỏi liệu rằng những người này có nhận được ưu tiên đặc biệt hay không.
Theo John Wonderlich, giám đốc điều hành tạm thời Quỹ Sunlight, một nhóm giám sát chính phủ có trụ sở ở Washington, Quỹ Clinton khó lòng tồn tại mà không gây ra hậu quả nếu bà Clinton trở thành tổng thống Mỹ.
Rất dễ dàng để "liệt kê ra một trăm kiểu xung đột khác nhau" khởi nguồn từ Quỹ Clinton, ông Wonderlich quả quyết. "Bạn không được phép liên quan đến những rắc rối tư pháp khi là người đứng đầu Nhà Trắng".
Chelsea Clinton, con gái ông bà Clinton, đi cùng nhà tài phiệt ngành thép Victor Pinchuk trong chuyến thăm Kiev, Ukraine, hồi năm 2012. Ảnh: AP
Tác giả bài viết: Vũ Hoàng