Trong nước

Quy trình bầu Chủ tịch Hà Nội và phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Y tế

Việc phê chuẩn bổ nhiệm bà Đào Hồng Lan làm Bộ trưởng Y tế có thể được Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp tháng 10. Còn HĐND Hà Nội chuẩn bị quy trình bầu Chủ tịch thành phố.

Việc điều động bà Đào Hồng Lan làm Bí thư Ban cán sự Đảng, quyền Bộ trưởng Y tế được công bố ngày 15/7. Cùng ngày, ông Trần Sỹ Thanh trở thành Phó bí thư Thành ủy Hà Nội và được giới thiệu để bầu chức danh Chủ tịch UBND TP.

Quyết định được đưa ra sau hơn một tháng cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và cựu Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh bị cách chức, kỷ luật, khởi tố và bắt tạm giam để điều tra vai trò liên quan vụ Việt Á.

Dù đã được phân công nhiệm vụ mới, quy trình kiện toàn hai chức danh Bộ trưởng Y tế và Chủ tịch UBND Hà Nội cần phải trải qua một số bước theo đúng quy trình được quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Bà Đào Hồng Lan nhận quyết định giữ chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Y tế và được Thủ tướng giao quyền Bộ trưởng Y tế ngày 15/7. Ảnh: Nguyên Phúc.

Với trường hợp bà Đào Hồng Lan, sau khi được điều động làm Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế và giao quyền Bộ trưởng Y tế, bà đồng thời thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh nhiệm kỳ 2020-2025.

Theo Luật Tổ chức Quốc hội, việc phê chuẩn bổ nhiệm bà Đào Hồng Lan làm Bộ trưởng Y tế thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Cụ thể, Điều 9 luật này nêu rõ Quốc hội sẽ phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm bộ trưởng theo danh sách đề cử. Sau đó, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm với danh sách đề cử theo hình thức bỏ phiếu kín.

Như vậy, việc kiện toàn chức danh Bộ trưởng Y tế với bà Đào Hồng Lan có thể diễn ra vào kỳ họp gần nhất để tạo điều kiện cho công tác chỉ đạo, điều hành tại Bộ Y tế. Kỳ họp Quốc hội gần nhất sắp tới là kỳ họp thứ 4, dự kiến diễn ra cuối tháng 10.

Bà Đào Hồng Lan sinh năm 1971, quê ở Hải Dương. Bà được coi là "trường hợp đặc biệt" khi là người duy nhất trong lịch sử ngành y giữ vị trí người đứng đầu ngành nhưng không có chuyên môn về y tế.

"Nhiều người nói tại sao một nữ bí thư không xuất phát từ ngành y mà lại dũng cảm nhận nhiệm vụ ở Bộ y tế vào lúc này. Nhưng tôi với vai trò, trách nhiệm của người đảng viên, xác định một trong những nhiệm vụ của mình là chấp hành nghiêm sự phân công của Đảng, Nhà nước. Tôi nghĩ nếu không phải tôi thì một người nào đó cũng sẽ nhận sự dũng cảm này", bà Lan chia sẻ với báo chí sau khi nhận nhiệm vụ.

Nhận thấy nhiệm vụ thời gian tới rất nặng nề, song bà cam kết sẽ cùng Ban cán sự, lãnh đạo và cán bộ nhân viên ngành y tế, huy động đội ngũ chuyên gia, để rà soát lại công việc, lựa chọn vấn đề then chốt trước mắt để tập trung tháo gỡ.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng (phải) và ông Trần Sỹ Thanh tại hội nghị công bố quyết định ở Thành ủy Hà Nội chiều 15/7. Ảnh: Đắc Xuân.

Về trường hợp ông Trần Sỹ Thanh, ông được Bộ Chính trị điều động, phân công tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, giữ chức Phó bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 và được giới thiệu để bầu giữ chức Chủ tịch UBND TP.

Theo Điều 11 Nghị định 108 của Chính phủ về quy trình, thủ tục bầu thành viên của UBND cấp tỉnh, thành phố, HĐND Hà Nội sẽ gửi văn bản xin ý kiến Bộ Nội vụ để đơn vị này kiểm tra, báo cáo Thủ tướng về việc bầu ông Trần Sỹ Thanh giữ chức Chủ tịch UBND thành phố.

Sau khi có ý kiến của Bộ Nội vụ, Chủ tịch HĐND Hà Nội giới thiệu để HĐND cùng cấp bầu ông Trần Sỹ Thanh làm Chủ tịch UBND thành phố. Theo quy định, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố được bầu trong nhiệm kỳ không nhất thiết là đại biểu HĐND.

Ông Trần Sỹ Thanh sẽ trúng cử chức Chủ tịch UBND Hà Nội trong trường hợp có quá nửa tổng số đại biểu HĐND bỏ phiếu tán thành. Sau đó, HĐND ban hành nghị quyết về việc bầu ông Trần Sỹ Thanh làm Chủ tịch UBND Hà Nội.

Trong 5 ngày làm việc kể từ ngày HĐND bầu chủ tịch UBND thành phố, thường trực HĐND Hà Nội gửi 2 bộ hồ sơ kết quả đến Bộ Nội vụ. Sau quy trình này, việc bầu chức vụ Chủ tịch UBND Hà Nội sẽ hoàn tất.

Trường hợp bầu lần đầu, nhưng không được quá nửa tổng số đại biểu HĐND bỏ phiếu tán thành, việc có bầu lại hay không do Chủ tịch HĐND báo cáo HĐND xem xét, quyết định.

Quyết định của Bộ Chính trị nêu rõ việc điều động, phân công ông Trần Sỹ Thanh thôi giữ chức Bí thư Ban cán sự Đảng Tổng Kiểm toán Nhà nước để chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Phó bí thư Thành ủy Hà Nội.

Chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước do ông Trần Sỹ Thanh đang nắm giữ là chức danh do Quốc hội bầu. Vì vậy theo luật, việc miễn nhiệm Tổng Kiểm toán Nhà nước với ông Thanh phải do Quốc hội quyết định. Quy trình này cũng có thể được xem xét tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV.

Tại hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ tổ chức tại Thành ủy Hà Nội, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đánh giá ông Trần Sỹ Thanh có kinh nghiệm công tác phong phú, am hiểu nhiều lĩnh vực và có nhiều năm sống ở Hà Nội.

Vì vậy, Bộ Chính trị tin tưởng ông Thanh sẽ phát huy tốt năng lực, sở trường, kinh nghiệm, tuân thủ nguyên tắc năng động sáng tạo, không ngừng nỗ lực, phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ông Trần Sỹ Thanh sinh năm 1971, quê ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Kể từ năm 2004 đến nay, ông Trần Sỹ Thanh đã có 14 lần được điều động, luân chuyển, bổ nhiệm giữ các chức vụ khác nhau và không có chức danh nào, ông Thanh nắm giữ trọn vẹn một nhiệm kỳ.

Tác giả: Mỹ Hà

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok