Giáo dục

Quảng Trị: Nhiều giáo viên có nguy cơ thất nghiệp do bị cắt hợp đồng

Dù có thâm niên công tác nhiều năm, có giáo viên đã cống hiến cho sự nghiệp giáo dục ở vùng khó hơn 10 năm, nhưng vì thừa chỉ tiêu nên năm học 2017-2018, 67 giáo viên và nhân viên ở huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị) bị cắt hợp đồng.

Việc cắt hợp đồng đối với giáo viên ngoài biên chế đã đẩy những người này rơi vào cảnh thất nghiệp.

Trường hợp của giáo viên Nguyễn Thị Nở, dạy hợp đồng từ năm 2012, là giáo viên dạy giỏi. Nhưng năm học này, cô giáo Nở không nằm trong số những người được hợp đồng tiếp, đồng nghĩa với việc chị đang đứng trước nguy cơ bị thất nghiệp.

“Công tác nhiều năm trong ngành giáo dục rồi, gi+ờ bị cắt hợp đồng tôi cũng buồn lắm. Thời gian tới tôi cũng chưa biết làm gì để sinh sống”, chị Nở bày tỏ.

Chị Dương Tú Phương (trú tại thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh) làm nhân viên văn phòng ở Trường THCS Gio Mỹ từ năm 2009, với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng.

Theo chị Phương, những năm trước, vào đầu năm học chị được ký hợp đồng đến hết năm. Rồi sau đó, chị được ký tiếp 8 năm như vậy, nhưng năm nay thì bị cắt hợp đồng.

Rất nhiều giáo viên, nhân viên khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự như chị Nở, chị Phương, đều hết sức lo lắng khi bị cắt hợp đồng. Trường hợp của giáo viên Nguyễn Thị Diệp, dạy Tin học từ năm 2008 nhưng nay cũng không được dạy tiếp.

Các giáo viên ngoài biên chế trong diện bị cắt hợp đồng năm học 2017-2018 tại buổi tiếp xúc với lãnh đạo huyện


Theo lãnh đạo Phòng Nội vụ huyện Gio Linh, những giáo viên, nhân viên đợt này bị cắt hợp đồng là những người gắn bó nhiều năm với ngành Giáo dục, có người công tác hơn 12 năm. Họ không chỉ yêu nghề, mà còn làm tốt công việc được giao.

Được biết, năm 2017 ngành giáo dục huyện Gio Linh có hơn 1.300 chỉ tiêu biên chế được giao. Sau khi rà soát, hiện chỉ còn thiếu 84 chỉ tiêu biên chế, trong lúc số lượng giáo viên, nhân viên hợp đồng năm học 2016-2017 là 151 người. Căn cứ vào chỉ tiêu trên, UBND huyện Gio Linh chỉ tuyển 84 hợp đồng, số còn lại phải chấm dứt.

Ông Ngô Thanh Hải, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Gio Linh cho hay, năm nay UBND tỉnh có công văn chỉ đạo, Sở Nội vụ cũng có văn bản, nên chỉ ký hợp đồng lại trong chỉ tiêu được giao.

Những người được hợp đồng lại lần này không phải huyện ký như những năm trước, mà giao về các trường. Hiệu trưởng các trường căn cứ vào nhu cầu mà tuyển, nhưng Phòng Nội vụ và Phòng Giáo dục sẽ có văn bản, gợi ý những người có kinh nghiệm, hợp đồng lâu năm về cho trường.

Nhiều giáo viên lo lắng vì sắp tới không biết làm gì để sống khi việc dạy học là nghề chính


Trả lời báo chí, ông Trương Chí Trung, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho rằng, việc tiếp tục hợp đồng giáo viên ngoài biên chế được giao là sai quy định. Nếu tiếp tục hợp đồng với toàn bộ 151 giáo viên hợp đồng thì quỹ lương sẽ rất lớn, khả năng ngân sách của huyện cũng rất khó khăn để chi trả. Nếu như hợp đồng lại toàn bộ thì điều đó là không thể được.

Ông Trung cũng cho biết, huyện đã có văn bản đề nghị với Sở Nội vụ, UBND tỉnh bảo lưu thời gian hợp đồng của những giáo viên, nhân viên dịp này bị cắt hợp đồng. Đến khi có chỉ tiêu biên chế, những người này sẽ được xét tuyển đặc cách.

Bên cạnh đó, huyện cũng đề xuất việc chuyển những giáo viên dạy năng khiếu như Âm nhạc, Mỹ thuật được hợp đồng ở vị trí giáo viên Mầm non.

Tác giả: Đăng Đức

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok