Kinh tế

Quảng Bình: Thị trường cá biển đóng băng, nhiều doanh nghiệp điêu đứng

Sau thảm họa môi trường biển do Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra, thị trường cá biển tại Quảng Bình vẫn nằm trong tình trạng “đóng băng”, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

Toàn tỉnh Quảng Bình hiện có 7 kho đông lạnh của các doanh nghiệp làm dịch vụ hậu cần nghề cá, chủ yếu nằm ở 2 cảng cá lớn là cảng Sông Gianh (huyện Bố Trạch) và cảng Nhật Lệ (TP Đồng Hới). Đây là hai đầu mối thu mua sản phẩm thủy sản của ngư dân đánh bắt xa bờ, sau đó chế biến và xuất ra các thị trường trong và ngoài nước.

Thế nhưng đến thời điểm hiện tại khi Chính phủ cũng như UBND tỉnh Quảng Bình đang “loay hoay” tìm phương án giải quyết thì các doanh nghiệp này đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

Trước đó, Chính phủ và UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tiêu thụ cá biển cho các tàu thuyền ngư dân đánh bắt xa bờ. Một trong những phương án hữu hiệu trước mắt là kêu gọi các doanh nghiệp kinh doanh thủy sản thu mua cá giúp ngư dân. Tuy nhiên đã 4 tháng trôi qua, lượng cá doanh nghiệp thu mua chỉ bán ra thị trường với số lượng ít ỏi, số còn lại còn tồn đọng ở các kho chứa mà không biết phải tiêu thụ như thế nào.

Ông Nguyễn Văn Chung, Phó Giám đốc Công ty TNHH TMDV Chung Thảo, là doanh nghiệp kinh doanh thủy sản có kho đông lạnh, than thở: “Sau thảm họa cá chết, tỉnh có kêu gọi chúng tôi thu mua cá biển giúp ngư dân với nhiều ưu đãi, chúng tôi cũng đã vay vốn để thu mua cá biển nhưng hiện tại các kho đông lạnh của công ty chất đầy cá mà không thể bán được ra thị trường được”.


Cá biển các doanh nghiệp thu mua còn tồn đọng ở các kho chứa mà không biết phải tiêu thụ như thế nào.

Cũng theo ông Chung, công ty của ông hiện tồn lại khoảng 300 tấn cá, chủ yếu là các loại cá bạc má, cá nục, cá man, cá ngừ... Hàng trăm tấn cá được công ty thu mua giúp ngư dân địa phương cũng như ngư dân các vùng lân cận mỗi khi tàu thuyền cập cảng Gianh từ tháng 4 đến nay vẫn nằm trong kho.

“Giờ cá đã chất đầy cả 2 kho nên công ty phải chuyển gần 100 tấn cá ra kho chứa của một doanh nghiệp khác ở thị xã Cửa Lò (Nghệ An) để gửi thuê với giá rất cao, tiền thì vay ngân hàng thu mua cá, còn chi phí nhân công và đủ loại thuế phí. Cứ đà này kéo dài thì doanh nghiệp chúng tôi sẽ vỡ nợ” – ông Chung buồn rầu nói.

Được biết, Công ty Chung Thảo vừa mới thành lập được gần 7 tháng, tạo công ăn việc làm cho khoảng 200 lao động địa phương. Tuy nhiên, sau thảm họa cá chết công ty thất thu nặng, hiện đang nợ ngân hàng với số tiền 10 tỷ đồng. Không những vậy, trung bình mỗi tháng doanh nghiệp này phải trả phí gửi thuê tại kho chứa 1 ngàn đồng/1kg, tương đương khoảng 100 triệu đồng/tháng.

Cùng cảnh tương tự, Công ty TNHH Đức Hiếu có kho đông lạnh ở Cảng cá Nhật Lệ, trước thời điểm cá chết hàng loạt, doanh nghiệp này đã thu mua 260 tấn cá các loại với giá 6,6 tỷ đồng, sau thảm họa biển người dân không dám ăn cá vì sợ nhiễm chì nên số cá ấy vẫn còn nguyên trong kho.

Bà Trương Thị Mười, Phó Giám đốc Công ty Đức Hiếu cho biết công ty hiện tổng cộng tồn đọng khoảng 640 tấn cá, trị giá vào khoảng 30 tỷ đồng. Sau thảm họa cá chết bà vay tới 18 tỷ để thu mua cá hỗ trợ ngư dân nhưng lượng cá bán ra không đáng là bao, số cá tồn đọng lại không thể bán ra thị trường để hoàn vốn nên thời điểm này công ty thực sự điêu đứng.

“Để bảo quản 640 tấn cá tồn kho, ngoài 300 triệu đồng trả cho các kho lạnh mình gửi hàng, tiền điện duy trì kho lạnh của mình, rồi tiền lãi ngân hàng, tiền nhân công… mỗi tháng doanh nghiệp tôi phải bỏ ra gần 500 triệu đồng. Sẽ không trụ nổi nếu Nhà nước không sớm vào cuộc tháo gỡ khó khăn giúp chúng tôi”, bà Mười nói.

Được biết, hiện tại các doanh nghiệp thu mua cá trên địa bàn Quảng Bình, hiện đang tồn đọng gần 2.000 tấn cá, tương đương 100 tỷ đồng. Theo tiên lượng của các doanh nghiệp, nếu giỏi xoay trở thì họ chỉ có thể bán được 50% lượng cá nói trên, chủ yếu các loại như: ngừ, thu, bạc má, nục… số còn lại thì không thể tiêu thụ.

Tác giả bài viết: Đặng Tài - Tiến Thành

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok