Đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. |
Hội nghị tập trung nghe và cho ý kiến vào Quy định mức hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2018- 2020.
Dự hội nghị có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Văn phòng Trung ương Đảng; các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy phát biểu ý kiến tại hội nghị. |
Trong những năm qua, hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh bình quân 2,54%/ năm (giai đoạn 2016-2017), thuộc nhóm các tỉnh có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất cả nước; đến nay, thu nhập của hộ nghèo tăng gấp 1,84 lần so với năm 2015. Đã có huyện Như Xuân thoát khỏi huyện nghèo theo Nghị quyết 30 của Chính phủ; 11 xã bãi ngang, 14 xã và 16 thôn, bản khu vực miền núi thoát nghèo, tình trạng đặc biệt khó khăn; 6 xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới.
Về mức hỗ trợ trong giai đoạn 2018 – 2020, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đề xuất mức hỗ trợ đối với dự án trồng cây lâu năm không quá 5 triệu đồng/ hộ nghèo; dự án trồng cây ngắn ngày không quá 3 triệu đồng/ hộ nghèo để mua giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc, nông cụ sản xuất, sơ chế, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Mức hỗ trợ đối với dự án chăn nuôi gia súc không quá 10 triệu đồng/ hộ nghèo để mua trâu, bò cái sinh sản; 5 triệu đồng/ hộ nghèo để mua dê cái, lợn nái hoặc cừu cái; 2 triệu đồng/ hộ nghèo để làm chuồng trại, mua thức ăn chăn nuôi; không quá 5 triệu đồng cho các hộ nghèo tham gia dự án chăn nuôi gia cầm để mua con giống, thức ăn. Đối với dự án lâm nghiệp, hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/ hộ nghèo; về dự án ngư nghiệp, hỗ trợ tối đa kinh phí làm mới hoặc nâng cấp hầm bảo quản sản phẩm khai thác hải sản bằng vật liệu mới Plyurethan không quá 125 triệu đồng/ hầm bảo quản.
Mức hỗ trợ đối với dự án nuôi trồng thủy sản không quá 10 triệu đồng/ hộ nghèo để mua con giống, thức ăn, ngư cụ đánh bắt; hỗ trợ không quá 5 triệu đồng/ hộ nghèo cho dự án diêm nghiệp để mua bạt, công cụ sản xuất, cải tạo hệ thống cấp, tiêu nước…
Đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban Thường vụ Tinh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phân tích làm rõ những vấn đề trong tờ trình. |
Tại hội nghị, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều cho rằng: Qua hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo đã phát huy hiệu quả; các mô hình được xây dựng trên cơ sở đề xuất của người dân, cộng đồng dân cư. Các hộ nghèo tham gia được bồi dưỡng thêm kiến thức phát triển sản xuất, có ý thức và trách nhiệm vươn lên thoát nghèo.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện ở cơ sở, một số dự án chưa phát huy hiệu quả, một số cấp ủy, chính quyền khi tiếp nhận dự án thực hiện theo kiểu “cào bằng”, không có trọng tâm, trọng điểm nên đã làm giảm tính hiệu quả của dự án. Một số cây trồng, vật nuôi khi triển khai không phù hợp với địa phương nên dẫn đến dự án “chết yểu”, gây lãng phí.
Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị trong giai đoạn 2018- 2020, ngoài việc áp dụng thông tư 18 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và thông tư 15 của Bộ Tài chính, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh cần chỉ đạo Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn nghiên cứu đề xuất các mức hỗ trợ phù hợp với điều kiện từng vùng miền trong tỉnh để người nghèo thực sự được hỗ trợ, có điều kiện vươn lên thoát nghèo.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến kết luận hội nghị. |
Kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến nhấn mạnh: Đây là chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước nhằm quan tâm hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất để có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh đã thu được nhiều kết quả tích cực, nhiều hộ tham gia đã được thoát nghèo. Chính vì vậy, khi xây dựng các chính sách cần nghiên cứu để làm sao người nghèo nhận mức hỗ trợ có thể sử dụng hiệu quả.
Cần nghiên cứu các thông tư của Trung ương, áp dụng vào điều kiện của từng địa phương để triển khai đảm bảo mức hỗ trợ cho các hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có ý thức lao động sản xuất vươn lên phát triển kinh tế. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành liên quan tiếp thu ý kiến của các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy để hoàn thiện, báo cáo Thường trực HĐND tỉnh, Ban Dân tộc HĐND tỉnh thẩm tra trình kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới.
Tác giả: Minh Hiếu
Nguồn tin: Báo Thanh Hóa điện tử