Ảnh minh họa |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung việc quản lý hành nghề y dược tư nhân còn nhiều bất cập. Theo đó, khi hộ kinh doanh cá thể mở cửa hàng kinh doanh nhà thuốc/quầy thuốc nếu chủ cơ sở không có chứng chỉ hành nghề dược phù hợp thì không được một số phòng Đăng ký kinh doanh cấp huyện thụ lý hồ sơ.
Đồng thời, theo khảo sát của VnEconomy tại tỉnh Thanh Hóa, khi đăng ký đủ điều kiện kinh doanh dược tại Sở Y tế mà chủ cơ sở và người phụ trách chuyên môn của cơ sở không phải là cùng một người thì không được cấp phép.
Luật không "ép" chủ hộ phải chịu trách nhiệm chuyên môn
Trên thực tế, hiện nay đa số các chủ cơ sở kinh doanh cá thể là nhà thuốc/quầy thuốc khi làm hồ sơ đăng ký kinh doanh để được cấp phép họ buộc phải thuê các dược sĩ, người có chứng chỉ chuyên môn hành nghề “đứng hộ tên đăng ký kinh doanh hộ cá thể” để tiện cho việc cấp phép. Điều này chưa đúng với các quy định của pháp luật hiện hành, dẫn đến nhiều hệ lụy pháp lý phát sinh sau này.
Luật sư Nguyễn Hữu Giang, Phó chủ nhiệm Liên đoàn Luật sư Thanh Hóa, cho rằng theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 về “Đăng ký doanh nghiệp” tại điều 84 quy định: Hộ kinh doanh, người thành lập hộ kinh doanh tự kê khai hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, trung thực và chính xác của các thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh.
Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh, không chịu trách nhiệm về những vi phạm pháp luật của người thành lập hộ kinh doanh, hộ kinh doanh.
Đồng thời theo quy định tại Điều 89, Khoản 2 quy định: Hộ kinh doanh được quyền kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động. Việc quản lý nhà nước đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và kiểm tra việc chấp hành điều kiện kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên ngành theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Trường hợp cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc hộ kinh doanh kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ra thông báo yêu cầu hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật”.
Luật sư Nguyễn Hữu Giang, Phó chủ nhiệm Liên đoàn Luật sư Thanh Hóa |
Như vậy trường hợp đăng ký kinh doanh hộ cá thể là nhà thuốc, quầy thuốc thì hộ kinh doanh không bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề dược mới được cấp phép đăng ký kinh doanh hộ cá thể là nhà thuốc/quầy thuốc. Tuy nhiên hộ kinh doanh chỉ được kinh doanh khi có đủ điểu kiện kinh doanh do cơ quan quản lý chuyên ngành (ở đây là Sở Y tế) cấp phép.
Về quy định cấp phép đủ điều kiện kinh doanh có điểu kiện của cơ quan chuyên nghành, ông Giang cho rằng theo Khoản 2 Điều 33 Luật Dược 2016 quy định: "Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược và vị trí công việc quy định tại Điều 11 của Luật này phải có Chứng chỉ hành nghề dược phù hợp với cơ sở kinh doanh dược quy định tại khoản 2 Điều 32 của Luật này".
Nghĩa là để đủ điều kiện mở nhà thuốc thì phải có Người chịu trách nhiệm chuyên môn là Dược sĩ đại học trở lên, quầy thuốc thì từ Dược sĩ trung học trở lên có phạm vi hành nghề phù hợp loại hình kinh doanh được cấp.
Theo thủ tục hành chính công mức độ 4 quy định về hồ sơ thủ tục Cấp lần đầu và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược đối với trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược thuộc thẩm quyền của Sở Y tế thì hồ sơ có 4 tiêu chí:
Thứ nhất có Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược theo Mẫu số 19 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 54/2017/NĐ-CP.
Thứ hai có Tài liệu kỹ thuật tương ứng với cơ sở kinh doanh dược quy định tại Khoản 2 Điều 32 luật Dược.
Thứ ba có Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu pháp lý chứng minh việc thành lập cơ sở.
Thứ tư có Bản sao có chứng thực Chứng chỉ hành nghề dược.
Như vậy quy định của pháp luật hiện hành thì cơ sở kinh doanh Nhà thuốc/quầy thuốc phải có: Đăng ký kinh doanh và người phụ trách chuyên môn. Không có bất kỳ quy định nào về việc chủ cơ sở đồng thời phải là người phụ trách chuyên môn. Việc yêu cầu các hộ kinh doanh cá thể mở nhà thuốc/quầy thuốc đồng thời phải là người phụ trách chuyên môn là trái với các quy định của Luật Doanh nghiệp 2022 và Luật Dược 2016.
Cơ quan quản lý có hiểu sai quy định?
Về việc chủ cơ sở đăng ký kinh doanh nhà thuốc/quầy thuốc đồng thời phải là người có chứng chỉ chuyên môn phù hợp loại hình đăng ký kinh doanh.
Trao đổi với VnEconomy, ông Bùi Hồng Thủy, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế Thanh Hóa cho biết hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng và nhiều tỉnh thành khác của cả nước nói chung thì đều áp dụng quy định chủ cơ sở đăng ký kinh doanh là nhà thuốc/quầy thuốc phải có chứng chỉ chuyên môn.
Mặc dù Luật Doanh nghiệp và Luật Dược 2016 không có quy định này nhưng việc kinh doanh thuốc là nghành nghề kinh doanh có điều kiện, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân nên Bộ Y tế hướng dẫn các Sở Y tế địa phượng hiện nay vẫn áp dụng yêu cầu chủ hộ kinh doanh phải có chứng chỉ kinh doanh phù hợp.
Đối với hiệu thuốc thì phải có bằng dược sỹ đại học, còn quầy thuốc phải là dược sỹ trung cấp trở lên. Luật Dược 2005 có quy định rõ yêu cầu này. Tuy nhiên, Luật Dược 2016 đã bỏ quy định này khiến việc quản lý các chủ hộ kinh doanh nhà thuốc/ quầy thuốc còn một số bất cập, chưa phù hợp với tình hình triển khai trên thực tế.
Ông Thủy cũng cho rằng trên thực tế, nếu chủ hộ kinh doanh muốn mở quầy thuốc/ hiệu thuốc thuê người phụ trách chuyên môn không khó. Chỉ cần chủ hộ thành lập doanh nghiệp thì chủ doanh nghiệp có thể thuê người phụ trách chuyên môn, mở các cửa hàng, địa điểm kinh doanh dược khi hội đủ các điều kiện cần thiết.
Trụ sở Sở Y tế Thanh Hóa |
Ông Thủy cho biết thêm, hiện nay, khi các cơ sở vi phạm thì Sở Y tế chỉ có chế tài xử phạt người phụ trách chuyên môn mà không thể xử phạt chủ hộ. Hơn nữa, việc xác định hợp đồng lao động giữa chủ hộ kinh doanh với người phụ trách chuyên môn rất khó xác định thật, giả gây khó khăn cho công tác quản lý chuyên ngành.
Luật sư Nguyễn Hữu Giang cho rằng: Cơ quan quản lý nhà nước triển khai luật cần phải thấy rằng chính vì sự bất cập, không phù hợp với thực tiễn nên quy định tại Luật dược 2005 về việc chủ cơ sở là nhà thuốc/quầy thuốc phải có chứng chỉ chuyên môn phù hợp. Luật dược 2016 đã điều chỉnh cho phù hợp với Bộ Luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại và các luật khác có liên quan. Vì vậy không nên lấy quan điểm của Luật dược 2005 để hướng dẫn khi luật Dược mới đã có hiệu lực từ 2016 và hiện tại đang tiếp tục sửa đổi Luật Dược 2016 để trình Quốc hội thay đổi.
Việc ông Thủy cho rằng cơ sở muốn thuê người phụ trách chuyên môn thì phải đăng ký thành lập doanh nghiệp, còn nhà thuốc/quầy thuốc thì không được là trái quy định theo khoản 3 Điều 81 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hộ kinh doanh có thể thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, hộ kinh doanh vẫn phải chịu trách nhiệm đối với khoản nợ và nghĩa vụ tài sản phát sinh từ hoạt động kinh doanh.
Việc hướng dẫn trái quy định của Sở Y tế Thanh Hóa vô tình cổ súy cho hành vi kinh doanh gian dối. Người chủ thực sự lại không phải là chủ cơ sở trên giấy tờ pháp lý. Từ đó dẫn tới những hậu quả pháp lý có thể xảy ra.
Luật sư Nguyễn Hữu Giang cho biết: Theo quy định tại điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì Hộ kinh doanh cá thể do một cá nhân đăng ký thành lập thì cá nhân đó phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ.
Bản chất của trách nhiệm vô hạn trong kinh doanh của hộ kinh doanh: nếu tài sản kinh doanh không đủ để trả nợ thì hộ kinh doanh phải lấy cả tài sản không đầu tư vào hộ kinh doanh để trả nợ. Thời điểm để trả nợ là thời điểm hộ kinh doanh phải thanh toán các khoản nợ đến hạn cho chủ nợ. Hộ kinh doanh chỉ có thể đòi và thanh toán nợ theo trình tự giải quyết đòi nợ trong vụ án dân sự mà không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật phá sản.
Như vậy người Phụ trách chuyên môn cơ sở nếu không phải là chủ cơ sở thực sự thì không nên đứng tên trên Giấy đăng ký kinh doanh hộ cá thể.
Mua bán hàng hóa đối với cơ sở có công nợ sau đó chủ cơ sở thực sự chối bỏ trách nhiệm thì người phụ trách chuyên môn đứng tên chủ cơ sở thay họ sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm.
Trách nhiệm về đền bù thiệt hại có thể là một con số cực kỳ lớn nếu như khách hàng sử dụng sản phẩm của hộ kinh doanh ảnh hưởng tính mạng, sức khỏe,…
Còn về phía người chủ thực sự của cơ sở cũng có rủi ro: Nếu người phụ trách chuyên môn đứng tên chủ cơ sở thì họ có toàn quyền mang toàn bộ tài sản của cơ sở ra khỏi cơ sở mà người chủ thực sự không làm gì được, nguy cơ tổn thất về kinh tế là hiện hữu.
Theo quy định của pháp luật không yêu cầu chủ cơ sở phải là người Phụ trách chuyên môn, mà chỉ quy định cơ sở để có thể đủ điểu kiện hoạt động phải có chủ cơ sở và có người phụ trách chuyên môn. Pháp luật cũng quy định cấm hành vi cho thuê, mượn chứng chỉ hành nghề (Theo khoản 9 Điều 6 Luật Dược 2016, các hành vi cho thuê chứng chỉ chuyên môn dược là hành vi bị nghiêm cấm.).
Luật cho phép chủ cơ sở là hộ kinh doanh cá thể thuê người lao động, và người lao động có chứng chỉ hành nghề là đủ điều kiện theo quy định của pháp luật (Luật doanh nghiệp 2020). Vì thế, việc yêu cầu chủ hộ kinh doanh đồng thời phải là người phụ trách chuyên môn là chưa đúng với tinh thần của Luật Doanh nghiệp và các quy định hiện nay.
Tác giả: Song Khánh
Nguồn tin: vneconomy.vn