Kỳ vọng bao nhiêu...
Dự án được Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2007, đến năm 2008 phía Tỉnh đoàn Thanh Hóa chính thức khởi công xây dựng với tổng vốn đầu tư hơn 32 tỷ đồng.
|
Dự án Làng TNLN Sông Chàng có kinh phí xây dựng hàng chục tỷ đồng nhưng không phát huy hiệu quả |
Mục tiêu của Dự án là thu hút khoảng 150 hộ gia đình thanh niên đến sinh sống, tập trung phát triển kinh tế và tiến tới làm giàu ngay trên vùng đất mới. Để tạo động lực thu hút, mỗi đoàn viên thanh niên (hoặc gia đình đoàn viên thanh niên) khi vào định cư ở Làng TNLN sẽ được cấp 400m2 đất ở, 3,2ha đất canh tác cùng nhiều chính sách hỗ trợ khác.
Những tưởng với cơ chế hết sức thiết thực như trên, chẳng mấy chốc Làng TNLN Sông Chàng sẽ thay da đổi thịt, trở thành điểm tựa vững chắc cho hàng trăm cặp vợ chồng trẻ để họ an tâm ổn định cuộc sống. Thế nhưng ngót gần 10 năm trôi qua, mọi thứ đến nay chẳng khác nào một mớ hỗn độn với hàng loạt vấn đề bất cập nảy sinh.
Theo tìm hiểu của PV, lúc cao điểm Làng TNLN Sông Chàng có 141 hộ dân được chia làm 4 cụm dân cư. Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, số hộ bỏ làng những năm gần đây không ngừng gia tăng.
|
|
Không thể sống được, nhiều hộ dân đã bỏ nhà ra đi |
Dạo quanh một vòng, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh hàng chục ngôi nhà hoang không một bóng người, nhiều hạng mục công trình xuống cấp trông thấy. Đã lâu không có bàn tay canh tác nên nhiều diện tích sản xuất nghiễm nhiên biến thành những mảnh đất chết, thay thế cho lúa, ngô, khoai, sắn là lau sậy, cỏ dại. Một cảnh tượng hết sức đáng buồn.
...Thất vọng bấy nhiêu
Năm 2011, thời điểm chân ướt chân ráo ngược lên đây, chàng thanh niên Lê Đình Mạnh (SN 1983) và vợ hứng khởi bao nhiêu thì giờ chán nản bấy nhiêu: “Đất canh tác tương đối dư dả nhưng lại quá cằn cỗi, cộng thêm việc thiếu nước tưới trầm trọng nên sản xuất gặp muôn vàn khó khăn. Với điều kiện như thế này, trồng lúa, hoa màu là bất khả thi, gắng gượng lắm chỉ làm nổi đôi ba sào mía, hiệu quả èo uột lắm”, nói đoạn anh Mạnh thở dài thườn thượt.
Qua tìm hiểu được biết, hiện Làng TNLN Sông Chàng vẫn chưa được công nhận là đơn vị hành chính cấp thôn, đồng nghĩa với việc người dân chưa được thụ hưởng các chính sách của vùng 30a. Cụ thể, trẻ em dưới 6 tuổi và các hộ gia đình là người dân tộc thiểu số sẽ không được cấp thẻ BHYT theo chính sách của Đảng và Nhà nước.
Chưa hết, dù được cấp đất ở và đất sản xuất nhưng trên thực tế các hộ chưa được cấp GCNQSĐ, thành thử khi có nhu cầu thì thể làm thủ tục vay vốn ngân hàng…
Nhiều hạng mục công trình bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm |
Anh Lê Văn Đạo, sống tại Làng TNLN Sông Chàng tiết lộ: “Mấy hôm trước con ốm, tôi đưa cháu xuống bệnh viện huyện điều trị, khi làm thủ tục thì xảy ra vướng mắc do không có thẻ BHYT. Chỉ riêng việc này mà gia đình tôi và các hộ dân khác phải nhiều lần chạy đôn chạy đáo, bất tiện vô cùng”.
Tổng đội thanh niên xung phong phát triển kinh tế tỉnh Thanh Hóa (đơn vị quản lý Làng TNLN Sông Chàng) đã nhiều lần kết nối với chính quyền các cấp, đề nghị tạo điều kiện cho các cháu nhỏ mỗi khi ốm đau được nhập viện và hưởng đúng chính sách, chế độ. Đơn vị cũng đứng ra tín chấp với các ngân hàng để các hộ vay vốn với định mức từ 30 - 50 triệu đồng.
Không phủ nhận sự nỗ lực của Tổng đội nhưng cũng buộc phải thừa nhận, các phương án nêu ra chỉ mang tính chất chữa cháy tạm thời chứ chưa giải quyết được tận gốc của vấn đề.
Trong quy hoạch, riêng cụm dân cư số 2 bố trí đến 54 hộ dân nhưng thực chất hiện tại chỉ còn khoảng phân nửa cố gắng bám trụ, số còn lại lay lắt nay đây mai đó. Hỏi lý do, ông H. một hộ dân trả lời ráo hoảnh: “Sống ở đâu, làm cái gì thì điều quan trọng nhất vẫn là miếng cơm, manh áo. Cố sống cố chết bám trụ, mỏi mòn chờ đợi hết năm này sang năm khác nhưng tình hình vẫn rất bi quan, khi niềm tin ngày càng lao dốc thì việc các hộ bỏ làng ra đi là lẽ đương nhiên”.
Tác giả: VIỆT KHÁNH
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam