Bạn cần biết

Quá nhiều đồ chơi lại không tốt cho trẻ

Đúng như những gì mà các bậc cha mẹ vẫn nghi ngờ bấy lâu nay, nghiên cứu mới đây cho thấy trẻ có quá nhiều đồ chơi dễ bị phân tán và không tận hưởng được thời gian chơi có chất lượng.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Toledo ở Ohio, Mỹ đã tuyển lựa 36 em bé ở tuổi chập chững biết đi và cho chúng chơi trong phòng trong nửa giờ với 4 hoặc 16 đồ chơi.

Họ thấy rằng các em bé sẽ sáng tạo hơn nhiều khi có ít đồ chơi hơn. Chúng cũng chơi với nhau lâu gấp đôi, nghĩ ra nhiều cách sử dụng cho mỗi đồ chơi hơn, kéo dài và mở rộng các trò chơi của mình.

Các tác giả kết luận rằng các bậc phụ huynh, trường học và nhà trẻ nên cất phần lớn đồ chơi đi và chỉ cần xoay vòng thường xuyên một số lượng nhỏ để khuyến khích trẻ sáng tạo hơn và cải thiện sự chú ý của trẻ.

Tác giả chính của nghiên cứu, TS Carly Dauch, cho biết: "Nghiên cứu này nhằm xác định xem số lượng đồ chơi trong môi trường của trẻ mới chập chững biết đi có ảnh hưởng đến chất lượng chơi của trẻ hay không.

Số lần chơi cao hơn trong điều kiện 16 đồ chơi có vẻ ảnh hưởng đến thời lượng và chiều sâu của trò chơi. Các món đồ chơi khác có thể là nguồn khiến trẻ bị phân tán.

Ở tuổi chập chững, trẻ đang phát triển, nhưng có lẽ chưa thành thạo trong việc kiểm soát sự chú ý. Sự chú ý, và do đó cả việc chơi của trẻ có thể bị gián đoạn bởi các yếu tố trong môi trường gây phân tán.

Kết quả nghiên cứu gợi ý rằng việc có nhiều đồ chơi có thể tạo ra sự phân tâm như vậy.

Khi được nhận ít đồ chơi hơn trong môi trường, trẻ sẽ chơi lâu hơn với một đồ chơi, cho phép trẻ tập trung tốt hơn để khám phá và chơi một cách sáng tạo hơn".

Từ bỏ đồ chơi sẽ khiến trẻ chuyên tâm vào các hoạt động mỹ thuật hoặc đọc sách.

Người Anh chi hơn 3 tỉ bảng Anh mỗi năm cho đồ chơi và các cuộc khảo sát cho thấy một đứa trẻ điển hình sở hữu tổng cộng 238 đồ chơi, nhưng bố mẹ cho rằng trẻ chơi với 12 món đồ chơi “yêu thích” mỗi ngày, chỉ chiếm 5% số đồ chơi.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên các nghiên cứu gợi ý rằng quá nhiều đồ chơi có thể gây xao lãng. Trong những năm 1990, các nhà nghiên cứu Đức, Elke Schubert và Rainer Strick đã tiến hành thử nghiệm bỏ bớt đồ chơi khỏi nhà trẻ Munich trong 3 tháng.

Chỉ sau vài tuần, trẻ đã điều chỉnh lại và việc chơi trở nên sáng tạo và hòa đồng hơn nhiều. Những phát hiện này đã được công bố trong cuốn sách The Toy-free Nursery (Nhà trẻ không đồ chơi).

Trong cuốn sách ClutterFree with Kids, tác giả Joshua Becker cũng lập luận rằng đồ chơi ít hơn sẽ tốt hơn cho trẻ vì phòng chơi “thưa thớt” sẽ khuyến khích sự sáng tạo, giúp phát triển mức độ chú ý và dạy trẻ về việc chăm sóc tài sản của mình:

"Một đứa trẻ sẽ hiếm khi học cách trân trọng món đồ chơi trước mặt khi vẫn còn vô số những lựa chọn khác trên kệ.

Khi trẻ có quá nhiều đồ chơi, tự nhiên trẻ sẽ ít chăm sóc chúng hơn. Trẻ sẽ không học cách đánh giá cao đồ chơi nếu luôn có sẵn thứ để thay thế.

Có ít đồ chơi sẽ khiến trẻ trở nên tháo vát hơn nhờ giải quyết vấn đề chỉ với những vật liệu đang có trong tay. Và sự tháo vát là một món quà không giới hạn”.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Behavior and Development.

Tác giả: Cẩm Tú

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok