Hôm 2/8, Mỹ đã chính thức "khai tử" INF, hiệp ước đã ký với Liên Xô từ năm 1987, có nội dung cấm Washington và Moscow phóng các loại tên tửa đạn đạo và hành trình có tầm bắn từ 500 - 5.500km trên mặt đất.
Chỉ hơn hai tuần sau, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo, quân đội nước này ngày 18/8 đã thử nghiệm thành công một tên lửa hành trình thông thường, được phóng từ mặt đất và găm trúng mục tiêu ở cách xa hơn 500km tại đảo San Nicolas, bang California.
Báo RT dẫn lời Tổng thống Putin nhấn mạnh: "Người Mỹ thử tên lửa đó quá nhanh sau khi tuyên bố rút khỏi hiệp ước INF. Vì điều này, chúng tôi có mọi căn cứ để tin rằng quá trình Mỹ chế tạo tên lửa phóng trên mặt đất, một loại tên lửa triển khai trên biển, đã bắt đầu từ lâu trước khi (Washington bắt đầu) tìm ra lí do để rời thỏa thuận".
Tổng thống Nga Putin. Ảnh: BI
|
Lầu Năm góc hiện xác nhận, tên lửa sử dụng trong vụ phóng thử cách đây vài ngày là một phiên bản biến đối của tên lửa hành trình Tomahawk, vốn thường được trang bị cho các tàu chiến và tàu ngầm của Mỹ.
Theo ông Putin, vụ thử chỉ làm leo thang tình trạng bất ổn an ninh trên thế giới. Người đứng đầu Moscow cũng cảnh báo châu Âu rằng, Washington có thể không thông báo cho các đồng minh của họ về phần mềm dự kiến sử dụng trong các tên lửa.
"Tôi lo ngại tên lửa mới thử gần đây có thể được phóng đi từ những bãi thử nghiệm nằm ở Romania và nhanh chóng được lập kế hoạch lắp đặt ở Ba Lan. Việc đó chỉ đòi hỏi thay đổi về phần mềm", ông Putin giải thích. Lãnh đạo Điện Kremlin đánh giá điều này tạo ra "mối de dọa rõ ràng" đối với Nga.
Ông Putin khẳng định, để đối phó với thách thức trên, Moscow sẽ phải lựa chọn các biện pháp đối phó, kể cả việc phát triển các tên lửa tầm ngắn và tầm trung phóng từ mặt đất. Song, ông quả quyết Nga sẽ không phải là nước đầu tiên triển khai các vũ khí như vậy gần châu Âu hoặc bất cứ nơi nào khác, trừ khi Mỹ làm điều đó trước tiên.
Tác giả: Tuấn Anh
Nguồn tin: Báo VietNamNet