Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngành giáo dục cần lấy học sinh làm trung tâm.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 diễn ra ngày 5/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phân tích những hạn chế, yếu kém của ngành giáo dục trong thời gian qua.
Một “vấn nạn” trong ngành giáo dục đã được báo chí phản ánh nhiều được Thủ tướng chỉ ra: “Việt Nam có nhiều tiến sĩ nhưng thiếu công trình ứng dụng cho xã hội. Đây là dấu hiệu đáng lo ngại, là biểu hiện của bệnh sính bằng cấp".
Ở từng cấp học, Thủ tướng cũng chỉ ra những yếu kém: Ở giáo dục phổ thông vẫn chưa coi trọng giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống; mà các hiện tượng bạo lực học đường hay tội phạm vị thành niên là các ví dụ. Ngoài thiếu kỹ năng sống, nhìn chung học sinh Việt Nam còn yếu ngoại ngữ. Trong khi đó, nội dung học không có giá trị thực tiễn.
Ở cấp học giáo dục chuyên nghiệp còn chưa gắn với nhu cầu xã hội, sinh viên ra trường không tìm được việc làm. Theo thống kê vẫn còn vài trăm ngàn sinh viên tốt nghiệp đại học thiếu việc làm, trong khi các doanh nghiệp thì "kêu" thiếu nhân lực trình độ chuyên môn cao.
Từ những phân tích đó, Thủ tướng lưu ý, ngành giáo dục phải đổi mới. Chương trình học phải vừa hình thành nhân cách, văn hóa của một công dân, vừa đảm bảo tính hiện đại, hội nhập, không quá thiên về kiến thức chuyên môn mà phải toàn diện cả văn, thể, mỹ…
Thủ tướng cũng đề nghị ngành giáo dục chú trọng dạy học sinh biết “Tiên học lễ, hậu học văn”; dạy học sinh biết yêu lịch sử, truyền thống dân tộc, yêu đồng bào…; những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc cần phải được giữ gìn, phát huy trong đào tạo lớp trẻ.
Đặc biệt, phải đảm bảo chất lượng giáo dục đại học, nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội và thị trường lao động, gắn kết quả nghiên cứu khoa học của học sinh sinh viên với thực tiễn cuộc sống và nhu cầu xã hội…..
“Nhà vệ sinh cho các cháu vẫn bẩn kinh khủng!”
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chia sẻ, muốn đổi mới ngành giáo dục trước hết ngành phải lấy học sinh làm trung tâm. Bởi qua khảo sát, ông thấy nhiều trường ở Hà Nội có nhà vệ sinh cho học sinh để rất bẩn.
“Trong đợt đi khảo sát những trường ở Hà Nội và các tỉnh lân cận tôi thấy thực tế, nhiều nhà vệ sinh cho các cháu vẫn bẩn kinh khủng”.
Theo Phó Thủ tướng, Hà Nội đang tập trung thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư nên có chương trình cải tạo nhà vệ sinh chung của trường, sao cho lấy người học làm trung tâm với mục tiêu là phát triển toàn diện cả về đạo đức, thể chất.
Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế của ngành giáo dục như thi cử vẫn khiến nhiều người bức xúc. Đặc biệt là năm 2015. Do đó, ngành giáo dục cần phải đổi mới.
“Chúng ta vẫn nói "Giáo dục là quốc sách hàng đầu", với tư cách một người phụ trách ngành Giáo dục, tôi tự nhận thấy giáo dục còn rất nhiều thứ chưa hài lòng…”, Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hiện dư luận xã hội rất quan tâm đến vấn đề thi cử. Do đó, ngành giáo dục phải đổi mới sao cho mục tiêu cuối cùng, đến một năm nào đó, nước ta tổ chức thi theo đúng quy chuẩn quốc tế: ở phổ thông là do phổ thông, ở đại học là các trường tự chủ tuyển sinh, không có thi chung….
Tiếp thu ý kiến của Chính phủ, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ hứa sẽ sớm khắc phục được những hạn chế, yếu kém theo một lộ trình và bước đi thích hợp.
“Bộ GD-ĐT sẽ đổi mới cơ chế từ mầm non đến đại học một cách căn cơ và theo cách tiếp cận là chất lượng”, Bộ trưởng GD-ĐT nói.
Tác giả bài viết: Diệu Thu
Nguồn tin: