Theo đó, tại tờ trình về việc đề nghị “Sửa đổi mức thu học phí năm học 2022 - 2023 quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 287/2022/NQ-HĐND ngày 13/7/2022 và hỗ trợ phần chênh lệch tăng thêm mức thu học phí cho các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên”, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Thanh Hóa trình các phương án hỗ trợ phần chênh lệch cho các nhà trường để hoàn trả học phí, hỗ trợ học sinh.
Một giờ học tại Trường THCS Điện Biên (TP Thanh Hoá). |
Cụ thể, hỗ trợ 60% phần chênh lệch mức thu học phí (số tiền học phí thu tăng so với năm học 2021-2022 theo quy định) của học kỳ I năm học 2022 - 2023 (tháng 9, 10, 11, 12) do các cơ sở giáo dục đã thu và quyết toán tài chính năm 2022. Dự kiến tổng số tiền hỗ trợ là: 66.938.208.000 đồng. Các cơ sở giáo dục sử dụng 60% số tiền thu tăng (đã chi) được hỗ trợ và 40% số tiền thu tăng đang giữ lại đơn vị, để hoàn trả cho các đối tượng đã thu.
Hai phương án sử dụng nguồn tiền từ ngân sách để hỗ trợ học sinh
Tờ trình của UBND tỉnh Thanh Hoá đưa ra 2 phương án sử dụng nguồn tiền hỗ trợ học phí cho học sinh như sau: Phương án 1 là ngân sách tỉnh hỗ trợ 60% phần chênh lệch mức thu học phí học kỳ I năm học 2022 - 2023 (tháng 9, 10, 11, 12), mức dự kiến hỗ trợ là 66.938.208.000 đồng; Phương án 2 (theo ý kiến của Sở Tài Chính) là theo phân cấp ngân sách hiện hành, lấy nguồn từ ngân sách cấp tỉnh của các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý với mức dự kiến hỗ trợ là 21.002.741.000 đồng và ngân sách cấp huyện của các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện với mức dự kiến là 45.935.467.000 đồng.
Giờ học thú vị của học cô và trò Trường THCS Điện Biên (TP Thanh Hoá). |
Nội dung tờ trình cũng nêu rõ, thực hiện phương án 1 sẽ phát sinh tăng chi ngân sách cấp tỉnh, tuy nhiên, sẽ giảm gánh nặng kinh phí cho các huyện khi phải hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục, do đó các huyện không phải cân đối ngân sách; việc hoàn trả lại cho các đối tượng thực hiện đồng bộ trên toàn tỉnh. Còn thực hiện theo phương án 2 theo phân cấp ngân sách hiện hành sẽ giảm phần chi ngân sách cấp tỉnh, tuy nhiên, các huyện gặp khó trong việc cân đối kinh phí hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc huyện quản lý, đặc biệt là các huyện miền núi; đồng thời, việc phân cấp ngân sách cho các huyện hỗ trợ để thực hiện hoàn trả lại cho các đối tượng đã thu phần chênh lệch giữa mức thu học phí năm học 2022 - 2023 sẽ khó thực hiện đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh.
Từ những thuận lợi và khó khăn của từng phương án nêu trên, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Thanh Hóa trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, lựa chọn phương án 1, dự kiến hỗ trợ: 66.938.208.000 đồng từ ngân sách tỉnh.
Hiện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá đang xem xét, quyết định phương án sử dụng ngân sách hỗ trợ để trình Hội đồng nhân dân tỉnh trong kỳ họp sắp tới xem xét, quyết nghị.
Trước đó, sau khi có Nghị quyết của Chính phủ (tháng 12/2022) về việc hỗ trợ học phí cho học sinh, tỉnh Thanh Hoá đã có chỉ đạo giữ nguyên mức học phí theo năm học trước đó (2021-2022) từ học kỳ 2 năm học 2022-2023; đồng thời xem xét phương án để hoàn trả số học phí chênh lệch so với năm học 2021-2022 (học kỳ 1 năm học 2022-2023) để hỗ trợ học sinh.
Tác giả: Hoàng Lam
Nguồn tin: Báo Tiền phong