Giáo dục

Thanh Hóa 'loay hoay' trả lại phần học phí thu tăng cho học sinh

Là một trong những địa phương tăng học phí năm học 2022 - 2023, tỉnh Thanh Hóa đang loay hoay tìm phương án trả lại khoản chênh lệch học phí đã thu trong học kỳ 1 cho học sinh theo tinh thần của Nghị quyết 165 của Chính phủ về việc giữ nguyên mức học phí cũ.

Trước đó, ngày 13/7/2022, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ra nghị quyết quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025 - 2026. Theo đó, học phí kỳ I năm học 2022 - 2023 của các trường công lập đã tăng lên 53,8% so với bậc Mầm non; tăng 150% đối với cấp Trung học cơ sở và Trung học Phổ thông là 93,5%.

Theo ghi nhận, tại Trường THCS Triệu Thị Trinh (thị trấn Triệu Sơn, huyện Triệu Sơn) hiện có gần 700 học sinh. Từ đầu học kỳ 1, năm học 2022-2023, nhà trường đã thu tăng học phí của học sinh lên mức mới theo. Trong đó, 60% học phí sẽ được dùng cho các hoạt động của nhà trường; 40% trích lập quỹ lương cho giáo viên.

Từ nguồn học phí tăng ngay từ đầu năm, nhà trường đã lên kế hoạch mua sắm thêm trang thiết bị dạy học phục vụ cho việc giảng dạy của giáo viên và học sinh. Đồng thời, xây dựng việc tổ chức các hoạt động trong năm học 2022 - 2023 đa dạng, phong phú hơn những năm học trước, đáp ứng được nhu cầu học tập, vui chơi của học sinh.

Trường mầm non ở huyện Đông Sơn (Thanh Hóa).

Thực hiện theo hướng dẫn của Sở và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Triệu Sơn, học kỳ II này, Trường THCS Triệu Thị Trinh cũng như các trường học khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa triển khai thu học phí của học sinh bằng với mức học phí năm học 2021-2022.

Tuy nhiên, theo phía nhà trường cho biết, phần học phí học kỳ I đã thu và đã được quyết toán trong năm 2022. Do đó, rất khó để có thể trả lại cho phụ huynh học sinh. Nhà trường mong muốn, được tỉnh hỗ trợ phần kinh phí trả lại để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở.

Một giờ học của học sinh Trường THPT Hàm Rồng (TP Thanh Hóa)

Theo ông Nguyễn Văn Cận, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Triệu Sơn, hiện các nhà trường đều lúng túng đối với khoản học phí chênh lệch phải hoàn trả lại cho học sinh đã thu ở học kỳ I. Bởi vì hầu hết các trường đều đã sử dụng vào các chương trình, kế hoạch từ đầu năm học. Theo rà soát, các trường trên địa bàn huyện phải bù lại gần 7 tỷ đồng khoản học phí chênh lệch.

Còn ông Lê Thành Đồng, Quyền Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa cho biết, số tiền chênh lệch của cấp Mầm non và THCS trên địa bàn thành phố là hơn 26 tỷ đồng. Các trường đã hạch toán thu chi từ đầu năm. Để thực hiện việc trả lại tiền học phí như yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện Phòng đang chờ hướng dẫn để thông tin tới các nhà trường. Trước mắt, Phòng đã chuyển thông báo của Sở đến các trường về việc giữ ổn định mức thu học phí học kỳ II năm học 2022 - 2023 bằng mức thu năm học 2021 - 2022.

Về việc này, ông Phạm Anh Giang, Phó trưởng Phòng Kế hoạch tài chính (Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa) nêu rõ, Sở đang phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan xây dựng dự thảo nghị quyết quy định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 và mức hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh theo quy định. Nguồn kinh phí này (con số chưa thống kê chính xác) ở các cấp học trong toàn tỉnh rơi vào khoảng 250 tỷ đồng. Sở sẽ tham mưu cho tỉnh sử dụng nguồn ngân sách để hỗ trợ các trường 100% phần học phí chênh lệch để trả lại cho học sinh…

Tác giả: Hoàng Lam

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok