Bạn cần biết

Phụ nữ mang thai cần lưu ý gì trước và sau khi tiêm vaccine Covid-19?

Người đi tiêm vaccine ngừa Covid-19 về tuyệt đối không đắp các loại lá cây vào vùng sưng, đau chỗ tiêm.

Tại sao phụ nữ mang thai phải tiêm vaccine Covid-19?

PGS.TS Trần Danh Cường: Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy phụ nữ có thai, không có thai và những người bình thường khác nguy cơ mắc Covid-19 là như nhau. Hay nói cách khác là khả năng lây nhiễm như nhau.

Tuy nhiên, phụ nữ mang thai lại là đối tượng dễ bị biễn biến nặng khi mắc Covid-19 bởi trong quá trình mang thai, phụ nữ cũng có tình trạng suy giảm miễn dịch nhất định. Đây chính là yếu tố nguy cơ, bởi khi có thai do phải nuôi 1 đứa trẻ trong bụng nên tử cung của thai phụ sẽ to hơn, đẩy cơ hoành lên cao, đẩy dung tích phổi giảm xuống cản trở hô hấp vì thế nhu cầu oxy của phụ nữ mang thai cao hơn người bình thường.

Tiếp đến, bản thân phụ nữ trong quá trình mang thai sẽ có tình trạng giữ nước trong cơ thể, có hiện tượng phù, phù niêm mạc đường hô hấp trên, dẫn đến tổn thương đường hô hấp trên dễ dàng. Vì thế khi mắc Covid-19 nguy cơ trở thể nặng nhanh.

Ngoài ra, nếu phụ nữ mang thai có bệnh nền hoặc các bệnh như huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, béo phì, bệnh mạn tính ở phổi… hoặc trên 35 tuổi mới mang thai… sẽ khiến dễ gây ra biến chứng trong thai kỳ.

Cùng với những yếu tố trên, nếu thêm mắc Covid-19 thì nguy cơ biến chứng thể nặng của phụ nữ mang thai càng thêm nhanh chóng.

Phụ nữ mang thai nhiễm Covid-19 khi diễn biến chuyển nặng nhanh chóng sẽ buộc phải nằm hồi sức, can thiệp thở máy, ecmo… với tỷ lệ cao, thậm chí có thể gây tử vong mẹ, nguy cơ cho thai nhi.

Đây là lý do các nhà quản lý, nhà khoa học thấy rằng việc chăm sóc thai kỳ, đề phòng nguy cơ cho phụ nữ mang thai trước đại dịch Covid-19 bằng vaccine là cần thiết. Do đó, đã quyết định việc tiêm vaccine cho phụ nữ mang thai.

Quan điểm khoa học tiêm vaccine cho phụ nữ có thai là khoa học, phù hợp với xu thế phòng chống dịch. Việc tiêm vaccine cho phụ nữ mang thai sẽ tạo ra "vùng xanh" để bảo vệ một quần thể quan trọng.

Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: vinmec.com)

Cần lưu ý gì trước và sau khi tiêm vaccine Covid-19?

ThS. BS. Trần Thị Hoa Vi - Giảng viên Bộ môn Y học gia đình Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Bác sĩ tư vấn Tổng đài 1022, cho biết: Hiện nay, ở Việt Nam phiếu khám sàng lọc tiêm chủng phòng Covid-19 đã mở rộng cho đối tượng là phụ nữ mang thai trên 13 tuần. Việc chuẩn bị trước trong và sau tiêm ở phụ nữ mang thai cũng giống như các trường hợp khác.

Trước tiêm không cần phải uống thuốc gì, bạn chỉ cần nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, xem như đi tiêm ngừa uốn ván khi mang thai, không quá lo lắng, căng thẳng. Trong khi tiêm đã có nhân viên y tế theo dõi triệu chứng sau tiêm 30 phút.

Sau khi về nhà, thai phụ cũng theo dõi các triệu chứng sau tiêm: sốt, đau cơ, mệt mỏi, dị ứng... Khi có triệu chứng sốt, đau cơ, bạn uống Panadol 500mg 1 viên mỗi 4 – 6 giờ; uống nhiều nước. Khi có các triệu chứng bất thường khác, người tiêm vaccine gọi số điện thoại có trên phiếu hướng dẫn sau tiêm hoặc gọi Tổng đài 1022 bấm phím “3”.

Người đi tiêm vaccine ngừa Covid-19 về tuyệt đối không đắp các loại lá cây vào vùng sưng, đau chỗ tiêm.

Khi có triệu chứng sưng, đau chỗ tiêm, bạn có thể chườm lạnh vùng sưng, đau (không chườm nóng hay thoa dầu, sẽ làm tình trạng nặng hơn). Người tiêm vaccine cũng có thể uống Panadol 500mg 1 viên x 2-3 lần/ngày để giảm đau cho người lớn, em bé tính liều theo cân nặng.

Sau 2-3 ngày không đỡ, sưng đỏ ngày càng nhiều, bạn gọi số điện thoại có trên phiếu hướng dẫn sau tiêm hoặc gọi Tổng đài 1022 bấm phím “3” để được tư vấn, hỗ trợ.

Tác giả: Lan Anh (t/h)

Nguồn tin: tieudung.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok