Thể thao

Phong trào đông người xem, V-League vắng khán giả: Niềm tin và sự sòng phẳng

Trong khi một giải bóng đá phong trào tại Hà Nội cực kỳ thu hút người xem, thì V-League diễn ra ngay bên cạnh lại khó thu hút khán giả. Vấn đề nằm ở chỗ chưa chắc người hâm mộ ở các đô thị lớn hết mê bóng đá, mà là họ được xem dạng bóng đá nào?

Giải HPL tại Hà Nội có lẽ là một trong những giải bóng đá thu hút người xem nhất hiện nay, nhưng kỳ thực đấy chỉ là giải đấu phong trào. Trong khi đó, khả năng thu hút khán giả lại là một trong những khả năng kém nhất của V-League.

Những gì đang diễn ra ở HPL tại Hà Nội cho thấy chưa hẳn khán giả thủ đô hết mê bóng đá, chưa hẳn người hâm mộ Hà Nội không còn hứng thú đến với các sân bóng, mà vấn đề là họ sẽ đến sân bóng nào và xem dạng bóng đá gì?

Điều tương tự cũng từ xảy ra tại TPHCM. Một số người làm bóng đá cho rằng việc thu hút khán giả đến với các sân bóng, tại các đô thị lớn mà điển hình là TPHCM là điều rất khó. Họ lập luận rằng người dân tại các đô thị lớn, trong đó có TPHCM, có nhiều loại hình giải trí để lựa chọn.

Tính về tỷ lệ khán giả theo dõi, V-League có khi còn kém các giải phong trào (ảnh: Trọng Vũ)

Tuy nhiên, chẳng phải cũng ngay tại TPHCM, cách đây chưa lâu lắm, hồi những năm 2012 – 2013, XM Xuân Thành Sài Gòn cũng từng cực kỳ hút khách, ngay tại V-League hay sao?

Cũng cùng một sân chơi, chung một giải đấu và cùng một địa điểm, đội này có thể kéo khán giả đến sân, giải đấu này có thể thu hút khán giả, còn đội kia hoặc giải đấu kia thì không. Điều đó có lẽ liên quan đến chất lượng sản phẩm mà các đội và các giải đấu cung cấp cho khách hàng, có khiến họ cảm thấy hứng thú với sản phẩm hay không.

Mà bàn về chất lượng V-League hiện tại thì quả là khó thu hút người hâm mộ. Đấy là giải đấu mà càng ngày người xem càng khó phân biệt thật – giả, càng ngày người ta càng bất mãn với tình trạng “một ông chủ - nhiều đội bóng”, và càng ngày khán giả càng mất niềm tin về tính sòng phẳng, về đội ngũ cầm cân nẩy mực là giới trọng tài.

Những gì khó tìm thấy nơi V-League, người ta có thể dễ dàng tìm thấy nơi các giải đấu phong trào. Đấy là sân chơi mang lại cho người xem cảm xúc thật, niềm vui thật. Đội bóng họ yêu thích có thể thắng hoặc có thể thua, nhưng thắng hay thua thì người ta cũng không phải đau đầu về chuyện các trận đấu là thật hay không thật, các đội có chơi hết mình hay không hết mình?

Bóng đá phủi như giải phong trào HPL tại Hà Nội dĩ nhiên mục đích cuối cùng của các đội vẫn là cạnh tranh thành tích, cạnh tranh về mặt thứ hạng. Tuy nhiên, có một khác biệt cơ bản giữa những cuộc cạnh tranh vừa nêu với các cuộc đua tại V-League nằm ở chỗ ở sân chơi phong trào, người xem tin vào tính sòng phẳng nhiều hơn.

Nó khác với tính chất của việc xem V-League mà cứ nơm nớp lo các cuộc đua thiếu công bằng, nghi ngờ giải đấu dần trở thành sản phẩm độc quyền của một hay một vài ông bầu, của những liên minh giữa các đội bóng có liên quan đến cùng một hay một nhóm chủ sở hữu.

Có thể người hâm mộ, nhất là người dân ở các đô thị lớn ngày càng "kén" bóng đá, nhưng các nhà quản lý và điều hành bóng đá nội nên rạch ròi ở điểm người xem thật sự kén dạng bóng đá nào?

Người hâm mộ cần những cuộc đua tranh sòng phẳng, thay cho sự nghi ngờ về tình trạng thiếu sòng phẳng kiểu “3 đánh 1” trên đường đến ngôi vô địch V-League, như người làm bóng đá vẫn tố nhau.

Khán giả cần niềm tin vào những gì mà họ được xem, thay cho sự ngờ vực cứ kéo dài hết tuần này đến tuần khác, từ mùa nọ sang mùa kia. Đấy cũng là chính là bài toán cấp bấp mà những nhà điều hành V-League và điều hành bóng đá nội phải tìm lời giải, nếu như không muốn giải quốc nội mỗi lúc một vắng khách.


Tác giả bài viết: Kim Điền

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok