Vì sao cúng ông Công ông Táo lại thả cá chép?
Theo quan niệm dân gian, Táo quân là các vị thần tiên được ông Trời phái xuống để cai quản dưới hạ giới. Không những định đoạt may, rủi, phúc họa cho gia chủ, các vị Táo còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà.
Cứ vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, Táo quân sẽ bay về trời, báo cáo tất cả việc làm tốt – xấu của con người để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh. Đến đêm Giao thừa, Táo quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa gia đình.
Để ông Táo có phương tiện về chầu trời, người Việt thường chuẩn bị 3 con cá chép sống (hay cá vàng) thả trong chậu nước. Sau khi cúng xong, người ta sẽ đem cá phóng sinh xuống ao, hồ hay sông.
Cá chép sống được người dân mua về trong ngày ông Công ông Táo. (Ảnh: H.N) |
Lý giải về tục lệ này, TS. Trần Hữu Sơn – Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết: “Trong tâm thức người Việt, cá chép là loài đã “vượt vũ môn hóa rồng” nên được coi là biểu tượng của sự thăng hoa, an lành và sung túc. Với giới trí thức, cá chép sẽ đem đến công danh, thăng tiến và may mắn. Việc phóng sinh cá chép vào ngày ông Công ông Táo là thuần phong mỹ tục từ bao đời nay của người Việt”.
Được biết, chỉ miền Bắc mới có tục lệ cúng cá chép sống. Nếu ở miền Nam, người dân chỉ cúng cá chép giấy thì người miền Trung sẽ đặt lên bàn thờ một con ngựa giấy với yên, cương đầy đủ.
“Cũng phải nói thêm, tùy theo văn hóa của từng vùng miền nên có những nơi còn sắp đặt một bàn thờ để dưới bếp vào ngày ông Công ông Táo. Tuy nhiên, trong quan niệm của người Việt từ xa xưa, bếp là nơi không sạch và cũng không trang trọng, nên chúng ta chỉ cần thờ phụng trên bàn thờ chính của gia đình”, TS Trần Hữu Sơn cho biết.
Cách phóng sinh cá chép vào ngày ông Công, ông Táo
Ngay từ ngày 22 tháng Chạp, những gia đình làm lễ cúng ông Công ông Táo sớm đã tìm lên khu vực cầu Long Biên, cầu Chương Dương hay đứng cạnh ao, hồ,… phóng sinh cá chép. Tuy nhiên, điều đáng nói là có nhiều người đứng từ trên thành cầu thả cá xuống hay thả một cách rất cẩu thả và vứt kèm theo túi nilon.
Bàn về hiện tượng này, TS. Trần Hữu Sơn chia sẻ: “Từ ngày tôi còn nhỏ, ông bà đã luôn dạy con cháu phải ra cầu ao, tìm chỗ nước trong mới được nhẹ nhàng thả cá xuống. Sau đó, phải đứng một lúc xem cá bơi đi như thế nào rồi mới được trở về. Có lẽ, do thời gian qua đi nên không còn nhiều người làm đúng như cách ông bà truyền dạy ngày xưa”.
TS Trần Hữu Sơn cho rằng thả cá chép là nét đẹp văn hóa. |
Cùng quan điểm với Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng Văn nghệ dân gian Việt Nam, TS. Nguyễn Hoàng Điệp – Chuyên gia nghiên cứu Văn hóa phương Đông cho rằng: “Khi thả cá chép, chúng ta nhất thiết phải làm với tấm lòng thành kính, hướng tới những ý nghĩa cao đẹp. Cách thả đúng nhất là dùng hai tay, đưa cá sát mặt nước mới được thả xuống. Nếu ném từ trên cao, cá chép khó lòng mà sống được, còn nếu sống chắc chắn cũng thành tật. Thêm vào đó, hành động này còn đi ngược với đạo lý Phật giáo”.
Vài năm gần đây, có những người mua một số lượng lớn cá chép với mong muốn càng phóng sinh nhiều, gia đình sẽ càng hưởng lộc và sung túc hơn. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Hoàng Điệp khẳng định: “Tục thả cá chép trong ngày ông Công ông Táo cũng đồng thời thể hiện sự từ bi của người Việt. Nếu xét về mặt sinh học, đây có thể coi là hành động nhân giống cho cá chép sinh sôi nảy nở. Tuy nhiên, quan niệm nêu trên chỉ là tự phát chứ chưa có ai chứng minh”.
Cá chép phải được thả sát mặt nước và hết sức nhẹ nhàng. (Ảnh: H.N) |
“Có lẽ, cũng từ suy nghĩ này mà người Việt ngày càng chuẩn bị cỗ bàn lớn, cố mua mũ áo và cả ô tô, máy bay bằng vàng mã cho ông Công ông Táo có thêm phương tiện về chầu trời. Nhưng trên thực tế, việc lạm dụng quá nhiều vàng mã không tốt chút nào, vừa tiêu tốn tiền bạc, vừa làm ô nhiễm không khí. Cúng ông Công ông Táo là nét văn hóa đẹp, chính vì vậy nên chúng ta cũng nên làm sao để giữ trọn những giá trị nhân văn ấy”, vị chuyên gia nói.
TS Nguyễn Hoàng Điệp nhấn mạnh, không chỉ ông Công ông Táo mà ngày Tết và tất cả các ngày quan trọng khác trong năm cũng không cần làm cỗ quá cầu kỳ, linh đình mà nên cân nhắc điều kiện của gia đình và không để lãng phí.
Về lễ vật bắt buộc có trong lễ cúng ông Công ông Táo, dân gian vẫn quan niệm phải có 3 bộ mũ, áo (hai mũ đàn ông, một mũ đàn bà). Trong đó, mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn. Những đồ vàng mã này sẽ được hóa, đốt sau lễ cúng ông Táo.
Cúng ông bà tổ tiên hay lễ cúng ông Công ông Táo thường diễn ra vào buổi sáng, có thể cúng trong khoảng thời gian từ ngày 22 tháng Chạp đến trước 12 giờ trưa (giờ Ngọ) ngày 23 tháng Chạp. Theo quan niệm dân gian, đây là khoảng thời gian thích hợp để kịp giờ ông Công, ông Táo lên thiên đình. Tuy nhiên, TS Trần Hữu Sơn cho rằng, điều này không hề bắt buộc và gia chủ nếu quá bận rộn có thể sắp xếp lịch cúng cho phù hợp với thời gian và điều kiện của mình. |
Tác giả: Hoàng Ngọc
Nguồn tin: Báo Dân trí