Đây là chia sẻ của ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi nói về việc tăng điện bán lẻ lên 8,36% tại Tọa đàm "Điều chỉnh giá điện, góc nhìn từ nhiều phía" đó Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng nay (21/3) tại Hà Nội.
Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN
Lý giải về các nguyên nhân tăng giá điện, ông Tri cho biết do giá than điều chỉnh đã tác động đến giá mua điện của EVN.
Theo ông Tri, giá thành sản xuất than tăng nên Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng Công ty than Đông Bắc có kế hoạch điều chỉnh giá than nhưng do giá điện chưa điều chỉnh nên EVN kiến nghị giá than tăng chậm, đầu năm giá than mới tăng 5% và đầu tháng 3 năm nay, TKV, Than Đông Bắc tăng giá than thêm 3%, nên chi phí tăng thêm 5.000 tỷ đồng.
Về nguồn nhập, ông Tri cho rằng, do lượng than trong nước không đủ cung ứng cho các nhà máy nhiệt điện, nên phải nhập khẩu thêm than, chi phí nhập khẩu than nước ngoài cao hơn trong nước, làm giá thành sản xuất điện EVN tăng thêm gần 2.000 tỷ đồng.
"Khi lập phương án tăng giá điện, EVN cân nhắc nhiều phương án để giảm chi phí và đảm bảo cung ứng đủ điện cho nền kinh tế. Nhưng GDP tăng 6,8%, điện thương phẩm tăng 11% và áp lực tăng trưởng đang là gánh nặng lớn khi chi phí đầu vào tăng lên, trong khi đó, nước về các hồ thuỷ điện khô hạn", Phó TGĐ EVN nói.
Theo ông Tri, với điều kiện giá than tăng, nước thiếu hụt, EVN tính toán tăng cường phát điện dầu, mà với 2,11 tỷ kWh điện chạy dầu được lên kế hoạch làm chi phí tăng vọt. Như vậy, với giá điện tăng, mỗi năm ngân sách thu gần 6.000 tỷ đồng, 5 năm thu gần 30.000 tỷ đồng, EVN sẽ trả số tiền này PVGas và họ tự nộp cho ngân sách nhà nước.
Ông này cho rằng, khi phải phát điện bằng dầu, EVN phải chi 3.000 đến 4.000 tỷ đồng để đảm bảo điện trong mùa khô.
Ngoài vấn đề than tăng giá, thiếu hụt nguồn nước thủy điện, chi phí tỷ giá trả cho các nhà đầu tư cũng tăng khi tỷ giá thay đổi. Các chênh lệch tỷ giá người mua là EVN phải thanh toán cho nhà đầu tư cũng khiến chi phí giá điện tăng.
"Năm 2017, phát sinh chênh lệch tỷ giá là trên 3.800 tỷ đồng. Sau khi có quyết định tăng giá điện, chúng tôi phải thanh toán tiền chênh lệch này. Riêng năm 2018, số tiền chênh lệch tỷ giá chưa được do giá điện chưa tăng", ông Tri nói.
Phó TGĐ EVN thừa nhận: "Khách hàng không muốn tăng giá điện và bản thân chúng tôi không muốn tăng giá điện vì tôi về nhà phải trả thêm tiền điện. Tuy nhiên, đây là điều chúng ta phải làm bởi vì EVN chỉ đảm bảo 40-50%, số còn lại phải mua điện từ các nhà phát triển điện độc lập, không đảm bảo cho họ thì ảnh hưởng tới an ninh năng lượng".
Theo ông Tri, tác động tăng giá điện theo thống kê của EVN có trên 26 triệu hộ sử dụng điện, nhóm hộ sử dụng điện chiếm tỷ trọng cao là 100-200kWh/tháng chiếm 28%, dưới 100kWh chiếm 22%... Hộ tiêu dùng nào dùng càng nhiều điện thì càng phải trả nhiều tiền, hạn chế sử dụng lãng phí. Tuy nhiên, Nhà nước có chính sách trợ giá cho hộ nghèo.
Về minh bạch sản xuất kinh doanh điện để đảm bảo đồng nhất với người dân và tăng giá điện là hợp lý, Phó Tổng Giám đốc EVN cho hay đã thuê kiểm toán quốc tế hàng đầu thế giới như Deloitte, KPMG, Ernst & Young để kiểm toán hoạt động của mình.
"Chúng tôi chuyển đổi báo cáo tài chính thành tiêu chuẩn quốc tế để gửi cho các tổ chức tài chính. Minh bạch toàn bộ hoạt động của EVN để xếp hạng tín nhiệm của EVN trên quốc tế", ông Tri nói.
Ông Tri cho biết, năm 2018, EVN được Ngân hàng Thế giới WB xếp hạng BB - ổn định, xếp hạng này tương đương với xếp hạng quốc gia. Chính vì vậy, các tổ chức quốc tế, đã xem xét cho EVN vay trực tiếp mà không phải qua bảo lãnh Chính phủ nữa.
Tác giả: An Linh
Nguồn tin: Báo Dân trí