Giáo dục

Phó Thủ tướng: Bỏ biên chế giáo viên mới là đề xuất của Bộ GD

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho biết bỏ biên chế giáo viên sang ký hợp đồng viên chức của Bộ GD-ĐT mới chỉ là đề xuất, chưa có ý nghĩa quyết định.

Mở đầu phiên chất vấn Phó Thủ tướng thường trực chiều nay, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) hỏi: “Vấn đề chuyển biên chế giáo viên thành hợp đồng, mặc dù Bộ trưởng giáo dục giải trình rồi nhưng cử tri ngành giáo dục vẫn rất hoang mang.

Phó Thủ tướng cho biết quan điểm chỉ đạo của Chính phủ vấn đề này như nào để trấn an tinh thần cử tri ngành giáo dục?”.

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé


Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho biết cơ quan đề xuất nhằm đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tạo điều kiện cho đơn vị sự nghiệp công lập hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ người dân.

Đây là vấn đề liên quan đến chủ trương nhưng đồng thời liên quan đến pháp luật và chính sách. Pháp luật ở đây có luật Công chức, Viên chức; chính sách đối với viên chức, người lao động, đặc biệt là lao động ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình


“Ý chung là chúng ta muốn làm thế nào để công chức trở thành những người tác nghiệp chuyên nghiệp trong bộ máy công quyền. Cán bộ trong bộ máy sự nghiệp là viên chức, thực hiện chế độ hợp đồng. Đây là vấn đề cần có sự nghiên cứu kỹ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo ông, đề xuất của Bộ GD-ĐT mới chỉ là đề xuất, chưa có ý nghĩa quyết định. Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính xây dựng Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập để trình hội nghị TƯ 6 vào tháng 10/2017.

“Hội nghị TƯ 6 sẽ xem xét lại việc xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả, nghiên cứu sắp xếp lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức theo tờ trình của Chính phủ”, ông nói.

Sẽ có giải pháp với dự án “đắp chăn, đắp chiếu”

Quan tâm đến việc xử lý các dự án ngàn tỷ đắp chiếu, ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nhắc lại tại kỳ họp thứ 2, Chính phủ báo cáo có 5 dự án do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả.

Vừa qua Ban chỉ đạo của Chính phủ về xử lý các tồn tại yếu kém của một số dự án chậm tiến độ kém hiệu quả của ngành công thương đã xác định có 12 dự án lãng phí nhiều nghìn tỷ đồng.

ĐB Trần Văn Tiến


“Phó Thủ tướng cho biết ngoài 12 dự án đã được xác định, đến nay còn bao nhiêu dự án thuộc các bộ ngành TƯ quản lý rơi vào tình trạng như các dự án nêu trên? Trong thời gian tới, Chính phủ có giải pháp gì để phát hiện, xử lý kịp thời những dự án tương tự nếu có để hạn chế lãng phí trong đầu tư? Để xảy ra tình trạng như các dự án nêu trên thì trách nhiệm thuộc về ai?”, ĐB Tiến hỏi.

Liên quan đến 12 dự án thua lỗ, thất thoát, Chính phủ đã có báo cáo tại phiên khai mạc. Những dự án này sẽ cơ cấu, sắp xếp lại, giải quyết trên tinh thần không để thất thoát cho ngân sách, không dùng ngân sách để trả nợ, giải quyết theo cơ chế thị trường, xử lý nghiêm các vi phạm, kể cả tổ chức và cá nhân- những người chịu trách nhiệm trực tiếp.

Thủ tướng đã thành lập ban chỉ đạo do một phó thủ tướng làm trưởng ban để chỉ đạo khắc phục hậu quả của việc này.

“ĐB hỏi ngoài 12 dự án này còn nữa hay không. Tôi xin trả lời mang tính ước lệ thôi, không thể khẳng định là không có, cũng không thể nói là không còn. Trên tinh thần chung là còn, nhưng phải tiếp tục rà soát”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông cũng cho biết Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tự rà soát, phát hiện và báo cáo Chính phủ.

Chính phủ sẽ có giải pháp để xử lý như đối với 12 dự án “đắp chăn, đắp chiếu”. Giải quyết trên tinh thần xử lý theo cơ chế thị trường, không dùng vốn nhà nước, ngân sách nhà nước để trả nợ đồng thời kiên quyết xử lý đối với người vi phạm.

“Giải pháp cơ bản là làm sao không còn những dự án này”, ông Bình nói.

Tác giả: Thu Hằng - Hồng Nhì - Ảnh: Hoàng Anh

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok