Theo phản ánh của người dân, tối 8/4, tổ công tác do Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Bình Thủy cùng 4 công an xã phát hiện 4 tàu khai thác cát trái phép. Lực lượng đã truy đuổi, bắt được 2 tàu, còn 2 tàu khác bỏ chạy. Người dân nhận được thông tin ập ra để yêu cầu xử lý mạnh tay. Nhiều người cho rằng tổ công tác của xã đang “làm luật” trên tàu cát tặc nên chửi bới, ném đá, bom xăng.
Khi bị tấn công, ông Thủy đã cho tàu cát di chuyển ra xa bờ càng khiến cho người dân bức xúc. Họ đã buộc Phó chủ tịch xã, công an viên, chủ tàu khai thác cát trái phép về công an huyện Thiệu Hóa để làm rõ trắng đen. Tới khuya người dân mới giải tán khi nhận được cam kết sẽ giải quyết sự việc.
Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Đô Hoàng Bình Thủy trao đổi với PV |
Trao đổi với PV, ông Thủy cho biết: “Hơn 2 năm nay, được sự phân công của tổ chức, tôi đã cùng anh em công an xã lặn lộn chiến đấu với các đối tượng khai thác cát trái phép trên địa bàn. Không dưới 6 lần tôi đã chết hụt tại sông Chu khi giữ từng tất đất cho bà con. Các đối tượng cát tặc đã chặn đường uy hiếp, đe dọa tôi không ít lần. Vậy mà chỉ nghe kẻ xấu kích động, người dân đã ném đá, gạch, bom xăng khi chính quyền địa phương đang lập biên bản vi phạm để xử phạt. Một số người quá khích còn đốt chòi canh, đốt tàu tuần tra của xã. Điều này khiến tôi rất buồn. Nếu có tư lợi, bắt tay với các đối tượng khai thác cát thì tôi xin từ chức chứ không phải đợi cấp trên xử lý”.
Hoa màu, đất bãi bồi của người dân bị sạt xuống sông Chu |
Nhớ lại câu chuyện tối ngày 8/4, ông Thủy kể: “Theo kế hoạch, ngày chúng tôi làm bình thường tại công sở, tối đi trực canh cát tặc. Tối hôm đó, khoảng 20h30 tôi cùng mấy anh em đang ngồi trực tại bãi thì nhận được thông tin các tàu đang hút cát. Tôi cho 2 công an viên đi bộ xuống phía dưới tuần tra, còn mình và anh Tiếp phó Trưởng công an, cùng anh Kế công an viên lên tàu xem xét tình hình. Hiện nay các đối tượng khai thác cát dùng bộ giảm âm nên khi hút không có mấy tiếng động rất khó phát hiện.
Khi tới khu vực thôn 6 thì phát hiện có 4 tàu đang cắm vòi hút cát ngay bãi bồi. Tàu chúng tôi húc vào mạn 1 tàu cát, tôi leo lên yêu cầu giữ nguyên hiện trường, anh Tiếp cũng lên 1 tàu khác. Chỉ có 3 anh em nên 2 tàu khác đã bỏ chạy. 2 tàu này cũng định bỏ chạy sang bên địa phận Thiệu Nguyên nhưng tôi kiên quyết phải quay lại đúng vị trí đã hút cát để có cơ sở xử lý. Sau đó tôi gọi điện cho anh Kế đang lái tàu quay trở lại đón 2 đồng chí công an viên đi tuần trên bờ quay lại để lập biên bản, xử lý theo quy định. Chúng tôi lập biên bản, xử phạt mỗi tàu 2,5 triệu đồng, yêu cầu bơm cát trả trở lại. Khi anh em đang xử lý thì người dân tràn ra ném đá, gạch và cả bom xăng. Thấy có nguy hiểm tới tính mạng cán bộ và cả tàu hút cát nên tôi chỉ đạo cho tàu chạy ra xa bờ. Thế nhưng người dân lại nghi ngờ anh em có vấn đề gì mờ ám. Khi lên bờ, chúng tôi đã cố giải thích cho người dân hiểu nhưng họ không nghe đốt chòi canh, tàu tuần tra của xã. Thấy tình hình phức tạp tôi gọi điện báo cáo Chủ tịch, Bí thư xã và đề nghị Trưởng công an xã điều người xuống để ổn định tình hình. Dân tập trung ngày một đông, anh em không cách gì khác phải cùng họ qua công an huyện”.
Người dân bức xúc kéo ra ăn thua với cát tặc |
Liên quan tới việc dân vây trụ sở đòi làm rõ có hay không việc tiếp tay cho cát tặc, ngày 10/4, Chủ tịch UBND xã Thiệu Đô đã ký quyết định đình chỉ 10 ngày đối với 5 người gồm: Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Bình Thuỷ; Phó trưởng công an xã Hoàng Đình Tiếp; 3 công an viên: Hoàng Xuân Kế, Nguyễn Văn Thuân, Hoàng Trọng Minh. Thời gian đình chỉ 10 ngày kể từ ngày 9/4.
Do nạn hút cát trên sông Chu mà hàng chục hộ dân canh tác dọc bờ sông ở xã Thiệu Đô bị thiệt hại nặng nề. Nhiều cánh đồng dâu, ngô chưa kịp thu hoạch bỗng chốc biến mất. Không chấp nhận việc nhiều héc ta đất hoa màu bị sạt lở, lòng sông bị tàn phá nghiêm trọng do nạn cát tặc lộng hành, chính quyền xã nghèo Thiệu Đô đã phải tự mua thuyền tuần tra, dựng lán trại, cắt cử cán bộ trực dọc khu vực bãi sông. Tuy nhiên, các đối tượng khai thác cát lẫn lộng hành, ngang nhiên cắm vòi hút cát ngay bãi canh tác của nhân dân.
Gạch và chai xăng còn sót lại trên bãi ngô |
Chính quyền xã Thiệu Đô đã tìm cách ngăn chặn nạn cát tặc, đảm bảo hoa màu cho người dân. Lãnh đạo xã đã xin hỗ trợ của cấp trên và trích thêm tiền ngân sách xã đóng thuyền, lập chòi canh. Có thuyền, xã chỉ đạo cụ thể đến từng thôn và người dân, hễ thấy cát tặc, người dân phải có trách nhiệm thông báo với tổ tuần tra kiểm soát để kịp thời ngăn chặn. Đội tuần tra gồm 13 người, được chia thành 2 tổ công tác, thay nhau túc trực tại hai lán trại bên bờ sông cả ngày lẫn đêm. Ngoài lực lượng công an xã, Chủ tịch và Phó chủ tịch xã cũng thường xuyên xuống địa bàn, trực tiếp chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cho đội tuần tra, thậm chí tham gia vào ca trực tại lán trại. Từ đầu năm tới này chính quyền xã Thiệu Đô đã xử phạt hơn 10 tàu khai thác cát trái phép.
Tuy nhiên do cả xã có 8 công an viên được hỗ trợ chỉ có 600 nghìn đồng/tháng nên không ai mặn mà với công việc này. Bên cạnh lợi nhuận từ khai thác cát là siêu khủng, các đối tượng khai thác cát trái phép rất manh động, liều lĩnh, dùng nhiều thủ đoạn để đối phó với cơ quan chức năng nên tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn diễn ra phức tạp, kéo dài.
Chủ tịch xã Thiệu Đô Lê Thế Ký cho hay: “Tôi tin cán bộ xã Thiệu Đô trong sáng trong việc xử lý các đối tượng khai thác cát trái phép. Do trên sông nước và trời tối nên quy trình xử phạt vi phạm hành chính chưa được đảm bảo. Đáng lý phải lập biên bản, tạm giữ phương tiện sau đó mới ra quyết định xử phạt và có phiếu thu. Việc có tiêu cực hay không phải chờ cơ quan điều tra kết luận. Trong cuộc đối thoại với nhân dân, tôi đã hứa thời gian tới, cùng với sự tăng cường của huyện, nếu còn để xảy ra tình trạng hút cát trái phép thì sẽ xin từ chức”.
Tác giả: Thanh Phương
Nguồn tin: Báo Công lý