Những cuộc hội thoại mật
Khi còn là Phó Giám đốc cục Phản gián thuộc bộ Ngoại giao Mỹ, ông Robert David Booth đích thân lên kế hoạch bắt giữ một điệp viên Nga hoạt động dưới danh nghĩa nhà ngoại giao tại Washington D.C. Đây là điều khá hiếm bởi để đảm bảo an ninh, “thợ săn” gián điệp Mỹ thường chỉ theo dõi, chứ không trực tiếp bắt giữ.
Tuy nhiên, mọi việc bắt đầu từ thông tin động trời mà tình báo Mỹ có được vào năm 1999: Gián điệp Nga đang nghe lén những cuộc hội thoại mật ngay tại tòa nhà bộ Ngoại giao Mỹ, nơi thường diễn ra các cuộc gặp với chính khách nước ngoài.
Ông Robert David Booth thời còn trẻ. |
Nguy hiểm hơn khi báo cáo cho thấy, địa điểm bị nghe lén là một phòng hội nghị chung hành lang với phòng của Ngoại trưởng lúc đó Madeleine Albright. Phòng này từng là nơi ủy ban của bộ Ngoại giao Mỹ nhóm họp về hồ sơ của các nhân sự cấp cao.
Vì lẽ đó, nên nếu người Nga nghe được những cuộc thảo luận thì chắc chắn sẽ nắm được điểm yếu của rất nhiều quan chức Mỹ. Ngoài ra, rất nhiều thông tin mật khác của Washington cũng được trao đổi ở đây. Mỹ đã thành lập chuyên án đặc biệt.
Đối với sự việc xảy ra tại toà nhà hiện đại như bộ Ngoại giao, không khó để đơn vị của ông Booth có được thông tin về nghi phạm. Từ cuốn băng ghi hình và các bức ảnh chụp, phía Mỹ nhanh chóng xác định nhà ngoại giao Stanislav Borisovich Gusev là nhân vật chính của cuộc điều tra. Giới tình báo Mỹ tin rằng, Gusev là nhân viên của tình báo Nga, KGB làm việc dưới vỏ bọc ngoại giao.
Hình ảnh ông Gusev được xuất hiện trong nhiều cuốn băng ghi hình với nhiều thời điểm khác nhau. Có đoạn băng cho thấy, nhân vật này ngồi trên băng ghế phía sau tòa nhà chính của bộ Ngoại giao Mỹ với túi xách để bên cạnh, đeo một bên tai nghe. Ở đoạn băng khác, Gusev cũng ngồi đúng ở vị trí đó với chiếc túi bên cạnh, miệng ngậm thuốc lá và tay cầm tờ The Washington Post để đọc, nhưng có điều là tờ báo bị cầm ngược.
Ở cuốn băng ghi hình ít ngày sau đó, người ta thấy cảnh ông lái xe tới ngay con đường có chiếc ghế trên, đỗ lại vài giờ rồi quay lại lấy xe rời đi. Từ những hình ảnh này, tình báo Mỹ đi đến kết luận, hành động của nhà ngoại giao Nga nhiều khả năng là một chiến dịch gián điệp nghe lén.
Khi đã xác định được đích xác nghi phạm, nhóm ông Booth bước vào giai đoạn theo dõi chặt chẽ Gusev. Ông Booth tiên đoán thiết bị nghe lén được đặt ở tầng 7 và thiết bị điện tử có khả năng thu tín hiệu từ tòa nhà nằm trong chính chiếc ô tô mà nhân vật lái. Thiết bị trên xe có thể kích hoạt công cụ gắn trên tầng 7 để thu tiếng trong phòng hội nghị.
Dẫu vậy, để tìm ra được thiết bị nghe lén, nhóm ông Booth cũng phải dày công nghiên cứu và phối hợp với các lực lượng chức năng khác, bởi chúng được giấu hết sức tinh vi trong một tay ghế tại phòng họp.
Nên để nguyên thiết bị nghe lén tại chỗ, giám sát và bắt quả tang tại trận khi ai đó đến gỡ ra hay thu ngay thiết bị để phân tích và tìm biện pháp đối phó nhằm ngăn chặn việc gián điệp Nga phát tán thông tin mật? Rất nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra trong nội bộ nhóm điều tra.
Song cuối cùng ông Booth quyết định giám sát phòng hội nghị bằng máy ghi âm và máy quay để xác định liệu ông Gusev đã đánh cắp thông tin mật đủ để gán tội hoạt động gián điệp theo luật hay chưa, đồng thời tìm hiểu tại sao Nga lại chọn địa điểm này để nghe lén.
Bí ẩn người cài đặt thiết bị nghe lén
Khoảng một tháng sau đó, đặc vụ Mỹ quyết định ra tay, thu giữ xe và lấy thiết bị âm thanh trong phòng hội nghị ra để phân tích. Tuy nhiên, nhà ngoại giao Nga suốt nhiều tuần liền không xuất hiện. Đúng khi các đặc vụ bắt đầu mất kiên nhẫn và tìm phương án khác thì nhân vật chính của cuộc điều tra lộ diện. Ông Gusev đến trụ sở bộ Ngoại giao trên chính chiếc xe thường ngày để kích hoạt thiết bị nghe lén.
Ông Booth trong một chuyến công tác. |
Nhóm đặc vụ của ông Booth nhanh chóng bắt tay vào kế hoạch được tính toán kỹ lưỡng từ lâu. Đợi khi Gusev bắt đầu vào bãi đỗ xe, ông Booth nói với nhân viên phía dưới: “Bây giờ, chúng ta sẽ bắt ông ta, có cả con rệp và chiếc xe”.
Từ thiết bị nghe lén, Mỹ kết luận phía Nga đã thu nhận được nhiều thông tin mật, nhưng chưa đủ tầm để mang lại cho Moscow một lợi thế nào. FBI và bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã thấy nhiều lỗ hổng trong công tác an ninh sau khi điều tra thông tin từ những người từng tham dự gần 100 cuộc họp tại phòng hội nghị bị nghe lén. Và nhiều quy định nghiêm ngặt hơn với các nhà ngoại giao nước ngoài cũng được ra đời sau vụ án này.
Với ông Gusev, do được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao và không bị buộc tội gián điệp nên được về nước. Tuy nhiên, cho đến nay người Mỹ vẫn chưa thể biết chính xác thiết bị nghe lén đã được cài đặt vào phòng họp như thế nào. Người cài đặt thiết bị nghe lén đến nay vẫn còn là điều bí ẩn.
Tác giả: Đ.V
Nguồn tin: Báo Người đưa tin