Dễ nhất là báo cáo mà cũng không làm được thì thực hiện thế nào?"
Sáng 12/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên cho ý kiến về báo cáo kết quả việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017. Theo báo cáo từ Bộ trưởng bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, đến thời điểm này vẫn còn hàng chục bộ, ngành, địa phương, tập đoàn và tổng công ty Nhà nước chưa có báo cáo về công tác này.
Bộ trưởng bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh: Quochoi.vn). |
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt câu hỏi: "Với số lượng các cơ quan chưa ban hành chương trình, chưa có báo cáo lớn như vậy, thì số liệu trong báo cáo có đúng không? Có đánh giá đúng bản chất của việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí hay không?".
Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện yêu cầu cần làm rõ việc đơn vị nào chưa gửi, đơn vị nào không có báo cáo để làm rõ trách nhiệm.
Đặc biệt, theo bà Hải, có đơn vị còn gửi nhầm báo cáo năm 2016. “Tôi nói thật là thái độ chuẩn bị báo cáo của các tỉnh, thành phố, các đơn vị là chưa được nghiêm túc. Thậm chí, báo cáo của các đơn vị tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp thường rất sơ sài, chỉ khoảng 1/4, 1/5 trang”, vị này nói.
Ông Trần Văn Túy, Trưởng ban Công tác đại biểu cho rằng, việc chưa gửi hoặc không gửi báo cáo thể hiện chuyển biến về nhận thức thực hành tiết kiệm chống lãng phí chưa ăn sâu vào đời sống xã hội, vì thế ông đề nghị phải làm rõ vấn đề.
“Dễ nhất là cái báo cáo mà cũng không làm được thì thực hiện thế nào?”, ông Túy đặt vấn đề.
Đề nghị kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị chưa có báo cáo
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhìn nhận: Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một trong những chương trình hành động lớn. Tuy nhiên, không ít bộ, ngành không có chương trình hành động thì phải xem xét.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phê bình các bộ, ngành, địa phương không gửi báo cáo thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Ảnh: Quochoi.vn |
“Thường vụ đã chấp nhận lùi báo cáo thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Kỳ họp cuối năm đã cho lùi sang đầu năm mà vẫn chưa gửi báo cáo thì phải xem xét trách nhiệm. Tôi cũng đồng tình với ý kiến có khi phải xem xét công bố việc này ra Quốc hội”, ông Hiển nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu đơn vị soạn thảo báo cáo phải điều chỉnh số liệu cho đúng với tình hình 2017, không dùng số liệu năm 2016.
Ông Hiển nhấn mạnh: “Hôm nay Thường vụ Quốc hội chính thức phê bình 14 bộ, 17 địa phương, 17 tập đoàn, tổng công ty chưa có báo cáo, cho rằng đó là thực hiện chưa nghiêm túc”.
Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Ngay hôm nay sẽ trình văn bản lên Thủ tướng, đề nghị kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị chưa có báo cáo.
Tác giả: Nhất Nam
Nguồn tin: Báo Người đưa tin