Trong tỉnh

Phát triển hạ tầng là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược

Đến thời điểm này, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được hơn 2.300 dự án đầu tư trực tiếp, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 650.000 tỷ đồng; trong đó, có 149 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 14,6 tỷ USD, giúp địa phương đứng thứ 8 của cả nước về thu hút vốn FDI.

Các dự án đi vào vận hành đã trở thành động lực chính đưa quy mô nền kinh tế của Thanh Hóa luôn trong Top 10 của cả nước. Để đạt được kết quả đó, nhiều năm qua Thanh Hoá có những giải pháp, trong đó dành nguồn lực, từng bước phát triển và hoàn thiện hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đi trước một bước.

Cách thủ đô Hà Nội 180 km về phía Nam, Khu Kinh tế Nghi Sơn có hệ thống giao thông kết nối thuận lợi với đầy đủ các loại hình như đường bộ, đường sắt, đường biển, chỉ cách Cảng hàng không Thọ Xuân hơn 60 km. Hạ tầng giao thông kết nối trong và ngoài khu kinh tế được đầu tư đồng bộ, đầy đủ điều kiện về cấp điện, cấp nước cho các doanh nghiệp đầu tư…

Ông Bùi Tuấn Tự, Phó Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hoá cho biết, xác định hạ tầng, đặc biệt hạ tầng giao thông phải đi trước một bước, nhiều năm qua Thanh Hoá đã ưu tiên nguồn lực, phát triển hạ tầng, kết nối 4 trung tâm kinh tế động lực, 6 hành lang kinh tế, nhằm tạo sự phát triển toàn diện các vùng miền. Điểm nhấn là các tuyến giao thông kết nối hành lang kinh tế ven biển; hành lang kinh tế Bắc Nam; hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh; liên kết với hành lang kinh tế Đông Bắc; hành lang kinh tế trung tâm và hành lang kinh tế quốc tế...

Nhờ hạ tầng được đầu tư đồng bộ, và nhiều giải pháp thu hút đầu tư, Thanh Hoá dẫn đầu các tỉnh miền trung về thu hút FDI

“Đầu tư hạ tầng giao thông kết nối trong khu kinh tế Nghi Sơn và hạ tầng kết nối với khu kinh tế Nghi Sơn tổng nguồn vốn rất lớn, hơn 10 nghìn tỷ đồng đã đầu tư vào khu kinh tế. Ví dụ đường Nghi Sơn Sao Vàng, rồi các hệ thống giao thông đường Đông Tây 4 đi cảng Nghi Sơn cho các doanh nghiệp kết nối từ Cảng Hàng không Thọ Xuân về Cảng Nghi Sơn cũng như đường Cao tốc Bắc-Nam, hệ thống đường động lực trong Khu Kinh tế Nghi Sơn” - ông Bùi Tuấn Tự nói.

Phát triển hạ tầng được Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá xác định là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược. Chỉ tính riêng hạ tầng giao thông, từ đầu nhiệm kỳ đến nay Thanh Hoá đã huy động tổng số vốn đầu tư 5.696 tỷ đồng, tập trung ưu tiên đầu tư các công trình, dự án lớn, trọng điểm, tạo đột phá cho phát triển của tỉnh. Đây cũng là lý do khiến các nhà đầu tư FDI đặt niềm tin, chọn Thanh Hoá là điểm đến đầu tư.

Ông Yamada Takio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, Thanh Hóa sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế riêng biệt mà không phải địa phương nào cũng có, được ví như “Việt Nam thu nhỏ” với đầy đủ các loại địa hình và hệ sinh thái; có vị trí khá thuận lợi về giao thông với đủ các loại hình… Cùng với đó, địa phương có Khu kinh tế Nghi Sơn, với diện tích 106.000 ha, là 1 trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm của Việt Nam, vận hành theo cơ chế ưu đãi đặc biệt, hấp dẫn nhất cả nước.

Ông Yamada Takio khẳng định: “Tại tỉnh Thanh Hoá nơi có nguồn lao động dồi dào, hạ tầng giao thông phát triển, có bộ phận hỗ trợ Nhật Bản và các khu kinh tế. Đây là điểm đến đầu tư hết sức hấp dẫn. Lý do các doanh nghiệp đầu tư nhiều vào đây là môi trường đầu tư hoàn thiện, nhờ chính sách hết sức tích cực của lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá trong thu hút đầu tư. Tôi cho rằng, chúng ta cần phải thúc đẩy hơn nữa đầu tư phát triển hạ tầng, để làm được việc đó cần tận dụng nguồn hỗ trợ ODA của Nhật Bản”.

Cảng biển Nghi Sơn được kết nối với Cảng Hàng không Thọ Xuân thuận lợi và đang trở thành cảng biển trọng điểm phía bắc

Mặc dù dẫn đầu các tỉnh Miền trung về thu hút đầu tư FDI, nhưng Thanh Hóa không chủ quan, tự mãn, mà thẳng thắn nhìn ra “điểm nghẽn” về mặt bằng, hỗ trợ đầu tư… từ đó có giải pháp, tạo nguồn lực về hạ tầng khu, cụm công nghiệp, tạo quỹ đất sạch.

Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết: “Chúng tôi đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ về hạ tầng, lao động, nhà ở, đô thị… để phục vụ vấn đề xã hội an sinh, các điều kiện để các nhà đầu tư đến Thanh Hoá. Chúng tôi cũng thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đối với địa phương chúng tôi chỉ đạo vào cuộc và giải quyết dứt điểm, còn đối với những vướng mắc liên quan đến Trung ương, chúng tôi có báo cáo và cùng với nhà đầu tư tháo gỡ kịp thời”.

Một trong những đột phá về hạ tầng mang tính chiến lược của Thanh Hoá trong thu hút đầu tư là quyết định chi 11.300 tỷ đồng khi ban hành Đề án giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng các khu tái định cư và giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Nghi Sơn.

Ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Thanh Hoá cho biết: “Những dự án đang triển khai mà nhà đầu tư có vướng mắc chúng ta không giải quyết kịp thì môi trường đầu tư bị ảnh hưởng. Chúng tôi thấy rằng, đây là nhiệm vụ trọng tâm cần phải triển khai sớm mới giúp môi trường đầu tư tốt lên được, đặc biệt là công tác tính tiền sử dụng đất, giao đất cho nhà đầu tư hiện nay đang vướng mắc. Chúng ta cùng phối hợp và giải quyết tốt, đồng bộ tất cả các khâu, từ quá trình nhà đầu tư vào đến quá trình xuất kinh doanh của nhà đầu tư trên địa bàn thì lúc đó môi trường đầu tư mói được cải thiện”.

Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với nhiều nội dung, giải pháp đầu tư liên quan đến phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 6 hành lang kinh tế. Đáng chú ý, trong các quy hoạch lần này, xuất hiện “hành lang kinh tế quốc tế” kết nối hệ thống cảng biển Nghi Sơn - Cảng Hàng không Thọ Xuân với các tỉnh vùng Tây Bắc và nước bạn Lào. Đây là định hướng giao thương, phát triển nhiều lĩnh vực có tính chất liên vùng, liên quốc gia theo xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.

Từ sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, với những bước đi bài bản, quyết liệt, sẽ tạo dư địa mới trong thu hút đầu tư, phát triển sản xuất. Tạo động lực Thanh Hóa phát triển, sớm trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh hợp thành tứ giác phát triển ở phía Bắc Tổ quốc.

Tác giả: Sỹ Đức

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok