Du lịch

Phát triển du lịch làng nghề: Vì sao du khách vẫn khó tiêu tiền?

Hình ảnh trên bước đầu đã thu hút được sự chú ý của nhiều bạn trẻ, du khách đến tham quan địa điểm để chụp ảnh check-in.

Tuần lễ văn hóa du lịch – thương mại làng nghề Vạn Phúc nhằm phát triển tiềm năng du lịch làng nghề ở Hà Đông. Tuy đã bước đầu thu hút được người tham quan như một địa điểm check-in đẹp mắt, nhưng lại chưa thực sự giải quyết được vấn đề kinh tế cho người dân, cũng như xây dựng được lợi thế cạnh tranh du lịch cho điểm đến.

Sản phẩm du lịch cần đa dạng hơn để hấp dẫn du khách, khiến họ muốn “tiêu tiền”.

Tiêu tiền ở đâu?

Được biết, sự kiện diễn ra trong vòng 10 ngày (8-17/11), điểm nhấn là con đường được trang trí bởi 1.500 chiếc ô rực rỡ sắc màu nối liền cổng tam quan chùa Vạn Phúc và cổng làng. Hình ảnh trên bước đầu đã thu hút được sự chú ý của nhiều bạn trẻ, du khách đến tham quan địa điểm để chụp ảnh check-in.

Song, khác với không khí lễ hội nhộn nhịp thời điểm khai mạc, những ngày trong tuần, mặc dù vẫn thuộc Tuần Văn hóa du lịch – thương mại làng nghề Vạn Phúc lại có phần… “buồn tẻ”. Một số nguyên do được du khách tham quan phản ánh lại là bởi “chán”, “ít thứ để chơi”, “không biết mua gì”, “không biết làm gì ở đây ngoài chụp ảnh”…

Quả thực, một bài toán lớn của du lịch là sau khi thu hút du khách tới điểm đến, du khách sẽ “tiêu tiền như thế nào?”. Điều này sẽ quyết định ấn tượng của họ và chất lượng trải nghiệm tại điểm đến. Song, một vấn đề được nhiều người tham quan phản hồi chính là sự thiếu đa dạng, lặp lại và thiếu kết nối của các mặt hàng ở đây, khiến họ “chưa thấy được bản sắc”.

Mặc dù tập trung thương hiệu có tiếng lâu đời như lụa Hà Đông, lụa Vạn Phúc và nhiều thương hiệu lụa tư nhân khác, nhưng hầu hết các gian hàng đều chỉ cung cấp những sản phẩm quần áo, vải vóc, một số phụ kiện, một số đồ lưu niệm, khăn lụa... na ná nhau về màu sắc và kiểu dáng.

Điều này khiến nhiều du khách, phần lớn đều không chuyên về lụa, khó thể nhận biết lụa Hà Đông, lụa Vạn Phúc khác với những sản phẩm lụa khác như thế nào, thậm chí còn không xác định được đây có phải sản phẩm được gia công tại làng nghề, hay nhập buôn từ nước ngoài.

Chia sẻ thiết thực của một nhóm du khách nữ khi tham quan địa điểm là: “Chúng tôi vẫn chưa thấy được sản phẩm lụa ở đây có gì đặc trưng so với các thương hiệu khác ở trong phố. Họ chuyên về cái gì, cách lựa chọn, bài trí, trưng bày sản phẩm ở các cửa hàng đều giống nhau, tạo cảm giác hơi nhàm chán. Chúng tôi chưa tìm thấy cửa hàng nào ở đây chuyên bán về khăn lụa, hoặc phụ kiện làm từ lụa, hoặc đồ lưu niệm về làng lụa…

Sự thiếu chuyên môn hóa khiến tất cả các gian hàng đều trông giống nhau đối với người xem”. Khi được hỏi họ có muốn quay trở lại điểm đến này không, các cô gái nhìn nhau suy nghĩ một chút mới trả lời: “Nếu lúc nào có nhu cầu mua lụa, chúng tôi có thể sẽ suy nghĩ”.

Quả thực, nếu chỉ tạo ra một điểm du lịch để check-in thì chưa thực sự giải quyết được vấn đề kinh tế cho người dân, cũng như xây dựng được lợi thế cạnh tranh du lịch cho điểm đến, tạo được ấn tượng tốt với du khách, khiến họ muốn quay trở lại cũng như giới thiệu bạn bè mình tới nơi này.

Song, chính người mua trong nước còn chưa hiểu được mẫu mã, ý nghĩa của thương hiệu, lại thấy cùng một sản phẩm giống nhau nhưng giá cả chênh lệch nhau giữa các cửa hàng, khiến họ cảm thấy “khó tiêu tiền”, để chọn một sản phẩm ưng ý thì đối với du khách nước ngoài lại còn “khó” hơn.

Hàng hóa du lịch thiếu đa dạng

Một cuộc điều tra của Tổng cục Du lịch chỉ ra, năm 2014 tổng chi tiêu trung bình cho mỗi chuyến đi của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 1.114 USD (khoảng 26 triệu đồng); nhưng cho đến năm 2017, con số này chỉ “nhích một chút” lên 1.171 USD (khoảng 27 triệu đồng), thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như: Thái Lan, Singapore, Trung Quốc...

Ngoài ra, trong 5 năm trở lại, các mức chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu cho việc thuê phòng lưu trú và ăn uống chiếm 56-60%; mua hàng hóa, đồ lưu niệm, tham quan, vui chơi, giải trí chỉ chiếm 20%; còn lại là chi phí khác.

Nếu chỉ tính mua hàng hóa, đồ lưu niệm, thậm chí còn thấp hơn 10% tổng chi phí (trung bình mỗi du khách quốc tế chỉ bỏ ra khoảng 2,7 triệu đồng để mua hàng hóa trong toàn bộ thời gian ở Việt Nam). Gần 8 triệu du khách quốc tế đến Việt Nam trong nửa đầu năm 2018 được cho là con số ấn tượng về sự tăng trưởng của ngành công nghiệp “không khói”.

Thế nhưng xuất hiện một nghịch lý là lượng khách tăng nhanh mà số tiền chi tiêu của mỗi du khách đến Việt Nam lại… “giậm chân tại chỗ”.

Xây dựng sản phẩm du lịch rõ ràng, đa dạng là một trong những vấn đề lớn để giải quyết bài toán du lịch. Có thể thấy, đối với loại hình du lịch làng nghề, việc bán được sản phẩm là một vấn đề cốt lõi để tăng thêm thu nhập cho người dân, lưu thông hàng hóa, góp phần khẳng định thương hiệu của làng nghề.

Ví dụ, ở Nhật Bản, về phát triển các sản phẩm du lịch làng nghề, họ chú trọng vào xây dựng và phát triển thương hiệu địa phương, đặc biệt phải tạo sự rõ ràng, khác biệt và đa dạng ở điểm đến. Ngoài việc các sản phẩm đều gắn logo do người dân địa phương tự sản xuất; trong làng sẽ sử dụng các sản phẩm do chính địa phương sản xuất, hạn chế tối đa việc nhập khẩu.

Bên cạnh đó, họ cũng phải tập huấn cho người dân phương pháp và thái độ bán hàng, giới thiệu về sản phẩm của mình, tạo sự kết nối với khách tham quan, tăng thêm sự hài lòng của họ với trải nghiệm.

Còn ở nhiều địa điểm du lịch của Việt Nam, chính sự thiếu rõ ràng trong việc xác định sản phẩm cho du khách làm cho việc mua bán trở nên khó khăn hơn. Các sản phẩm du lịch vẫn còn đơn điệu và thiếu sự gắn kết giữa các tour, tuyến, điểm du lịch, không gian du lịch còn nhàm chán, lặp lại.

Những tour du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách còn hạn chế, du lịch còn mang tính mùa vụ. Có rất nhiều du khách chỉ ghé qua một chút rồi đến các điểm du lịch khác, không lưu trú hoặc lưu trú chỉ qua một đêm, hầu như không lưu lại ấn tượng gì.

Những nút thắt đó đều khiến ngành Du lịch Việt Nam chưa thực sự tạo được bứt phá đối với các nước trong khu vực.

Tác giả: Đỗ Trang

Nguồn tin: Pháp Luật Plus

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok