Du lịch

Vì sao Nghệ An chưa có du lịch làng nghề?

Theo thống kê, hiện nay, toàn tỉnh Nghệ An có khoảng 130 làng nghề được công nhận nhưng vẫn chưa có một làng nghề nào có đầy đủ các yếu tố để khai thác du lịch. Đâu là lí do khiến chúng ta chưa thể phát triển được du lịch làng nghề? Câu hỏi đó cần được quan tâm xem xét.


Nghề đóng thuyền ở làng Trường Xuân [Đức Thọ]
Thực tế cho thấy hiện tại Nghệ An không có những làng nghề có sản phẩm mỹ nghệ có khả năng thu hút khách và cũng đang dừng lại ở mức độ làm nghề thủ công, manh mún nhỏ lẻ, chỉ nhằm mục đích phục vụ cho cuộc sống hàng ngày, tự sản tự tiêu là chính. Khảo sát một số làng nghề có sự phát triển khá ổn định thì số lượng thành viên tham gia cũng rất khiêm tốn. Ở làng nghề tương Nam Đàn có 25 hộ, làng nghề nước mắm Hải Giang 1 Cửa Hội có75 hộ, làng nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến có thời điểm chỉ có 30 thành viên. Còn những làng nghề khác số gia đình tham gia còn ít hơn nhiều. Thành viên các làng nghề chủ yếu là người già, trung niên, rất ít người trẻ tuổi. Họ tham gia sản xuất chủ yếu để kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn hay về hưu. Cụ thể như trong 25 hộ làm tương ở Nam Đàn thì có đến 22 hộ là công chức về hưu và đã trên 50 tuổi....Bức tranh làng nghề thực sự rất ảm đạm. Thu nhập mang lại từ hoạt động làng nghề cũng thiếu ổn định, thấp, như làng nghề thổ cẩm thu nhập mỗi tháng chỉ khoảng 400 – 600 ngàn/ người. Bên cạnh đó, sự lạc hậu trong sản xuất của các làng nghề, nguồn nguyên liệu không đảm bảo cũng là yếu tố tạo nên sự không đồng đều về chất lượng cũng như sản lượng.
Tại các làng nghề, người dân địa phương làm nghề chỉ mục đích giải quyết vấn đề kinh tế hàng ngày. Họ chưa có tư duy làm du lịch; chưa thay đổi mẫu mã, kiểu dáng để có được sản phẩm đẹp, hấp dẫn đối với du khách. Tâm lý chung là e ngại làm sản phẩm cầu kì, giá thành cao thì không ai mua. Tuy nhiên bài học từ thành công của xứ Huế chắc chắn sẽ khiến chúng ta phải nhìn nhận lại. Nón Huế, ban đầu vốn chỉ là những chiếc nón đơn giản, phục vụ nhu cầu của phụ nữ Huế. Nhưng khi người dân làng nghề thay đổi tư duy làm nghề gắn vói du lịch họ đã nắm bắt thị hiếu của du khách theo đó mà biến tấu sản phẩm của mình thành những sản phẩm du lịch mang đậm nét đẹp của con người và mảnh đất nơi đây. Từ một chiếc nón cùng kích cỡ, cùng mẫu mã nay có có thêm nhiều chiếc nón nhỏ xinh, có thêu nhiều họa tiết nổi bật như cầu Tràng Tiền, chùa Thiên Mụ, Đại nội Huế, hình ảnh cô gái với chiếc áo dài màu tím Huế…Giờ đây, những chiếc nón đã trở thành sản phẩm đặc trưng của xứ Huế mà khi du khách đến đây ai cũng muốn mua cho mình một chiếc làm kỷ niệm. Điều này khẳng định tư duy sáng tạo của người làm nghề đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển làng nghề, phát triển sản phẩm.
Du khách tìm đến làng nghề là nhằm tìm hiểu phong tục tập quán, nét văn hóa truyền thống, giá trị nét đẹp của con người và mảnh đất làm nghề. Nhưng dường như điều này hầu hết ở các làng nghề Nghệ An đều không còn; thậm chí khi được hỏi về nguốn gốc xuất xứ làng nghề hầu hết người dân đều lắc đầu không biết. Làng nghề thiếu đi những bảo tàng sống là những nghệ nhân để truyền thụ lại nghề cho con cháu, mang lịch sử, văn hóa làng nghề đến với du khách. Theo số liệu từ Liên minh HTX Nghệ An cho biết: toàn tỉnh có 130 làng nghề nhưng chỉ mới được công nhận 1 nghệ nhân. Thiếu vắng các nghệ nhân đồng nghĩa với mất đi nền tảng để phát triển, các làng nghề thiếu đi tính ổn định, bền vững và quy mô sản xuất do đó sẽ ngày một bị thu hẹp. Việc không tạo được đầu ra cho sản phẩm tại làng nghề cũng là nguyên nhân khiến nghề ngày càng teo tóp.
Trong khi các làng nghề chúng ta đang chết dần chết mòn thì ở các nước châu Á khác như Nhật Bản, Thái Lan, Philippines…đang phát huy được sức mạnh của những sản phẩm du lịch làng nghề. Được biết những năm gần đây các nước trong khu vực đã áp dụng phong trào OTOP khá rầm rộ và đạt hiệu quả cao. OTOP là từ viết tắt của cụm từ “one town one product” (mỗi làng một sản phẩm). Phong trào này do Giáo sư Hiramatsu Morihiko, Chủ tịch tỉnh Oita khởi xướng từ năm 1979. Từ những kinh nghiệm trong quá trình xây dựng các thương hiệu sản phẩm nổi tiếng của Nhật Bản, ông Hiramatsu nêu ba nguyên tắc chính là địa phương hóa, nỗ lực sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, nhấn mạnh đến vai trò của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ kỹ thuật, quảng bá cũng như chú ý bảo vệ môi trường cảnh quan. Không chỉ làm quà tặng cho du khách, mỗi làng nghề cần phải trở thành thế mạnh và tạo ra các sản phẩm chất lượng cho địa phương. Điều đó cho thấy rằng chỉ khi xây dựng được thương hiệu cho các sản phẩm thì mới có thể nghĩ đến phát triển làng nghề, để từ đó hình thành du lịch làng nghề. Còn như thực trạng Nghệ An hiện nay, khi sản phẩm không có gì độc đáo, văn hóa làng nghề ngày càng mờ nhạt, thì việc không thu hút du khách là điều dễ hiểu.
Như ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch, Sở VHTT&DL Nghệ An nhận định: “Làng nghề Nghệ An chưa đủ điều kiện để trở thành sản phẩm phục vụ du lịch. Việc đưa làng nghề vào phát triển du lịch là rất khó, vì dường như ở tỉnh ta chỉ mới là “làng có nghề chứ chưa phải làng nghề”. Chúng ta không thể cứ duy trì tư duy rằng cứ có làng có nghề là có thể phát triển du lịch làng nghề. Thời điểm hiện tại, làng nghề Nghệ An chỉ đang dừng lại ở mức sản xuất sản phẩm để tăng thu nhập chứ chưa thể trở thành tài nguyên có thể sáng tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút khách du lịch được.

Tác giả bài viết: Kiều Nga

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok