Ông Trịnh Văn Tốt ở ấp Cây Châm, xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang, cho biết cách nay hơn 20 năm, dân nghèo tứ xứ chuyên sống bằng nghề câu lưới chọn bờ kênh Tha La (sát chân cầu Tha La) làm chỗ rao bán cá đồng vừa đánh bắt được.
Sau thời gian dài, nhiều tiểu thương khắp nơi đổ xô về đây để mua cá đồng rồi vận chuyển đi nơi khác bán lại. Tuy nhiên, do thấy mất an toàn giao thông nên khoảng 2 năm nay, chính quyền địa phương xã Vĩnh Tế di dời ngôi chợ này lùi sâu vào bên trong tuyến dân cư và lắp đặt hệ thống chiếu sáng để bà con buôn bán được thuận lợi hơn.
"Sở dĩ người ta gọi là chợ cá "Âm phủ" vì nó chỉ diễn ra trong khoảng thời gian từ 2-5 giờ sáng, sau đó tự giải tán. Nhờ có chợ này mà dân nghèo sống bằng nghề câu lưới không phải vất vả chở cá đi xa bán như trước nữa. Suốt gần 20 năm qua, vợ chồng tôi cũng tranh thủ thời gian nông nhàn để tham gia thu mua các loại cá đồng tại đây. Tôi thường đem cá đi bán lại theo kiểu sang tay cho mấy tiểu thương bán lẻ tại khu vực trung tâm TP Châu Đốc để kiếm lời. Bình quân mỗi ngày tôi cân cá đem đi giao lại khoảng 40 kg cá các loại chứ không nhiều lắm, vì mình cũng lớn tuổi rồi. Mùa lũ năm nay, cá ít hơn nên chợ "Âm phủ" cũng nhóm họp trễ hơn khoảng 1 tiếng đồng hồ so với mọi năm"- ông Tốt chia sẻ.
Đúng 3 giờ sáng, chợ cá "Âm phủ" bắt đầu nhộn nhịp. Ngay sau đó, có đến 3 chiếc xuồng máy đầu tiên của những người đồng hương với anh Nguyễn Văn Tấn (quê ở xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) bắt đầu cập bến để chuẩn bị cân cá giao cho các tiểu thương. Anh Tấn cho biết sau 2 ngày nghỉ rằm tháng 7 (âm lịch) thì đây là chuyến đánh bắt nhiều cá hơn so với những ngày trước đó. Với hơn 30 kg cá các loại vừa vớt ra trong khoang xuồng, anh Tấn ước tính sẽ thu được gần 200.000 đồng. Trừ đi hết các khoản chi phí, vợ chồng ngư dân này bỏ túi được hơn 100.000 đồng để gửi về quê lo cho các con ăn học.
"Tuy cá năm nay ít hơn năm rồi nhưng cũng giúp cho dân nghèo như chúng tôi có được đồng ra, đồng vô vì ở quê nhà đâu còn nghề gì làm trong mùa lũ. Chắc chắn lượng cá đồng sẽ còn nhiều hơn sau khi nhà nước cho xả con đập Tha La phía trước"- anh Tấn kỳ vọng.
Còn theo anh Nguyễn Văn Măng ở xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, cho biết sáng nay vợ chồng anh cũng bắt được hơn 10 kg cá linh và khoảng 20 kg cá mồi (cá tạp dùng làm mồi cho các loại cá nuôi trong ao). Tuy nhiên, anh Măng cảm thấy nuối tiếc vì giá cá linh hiện chỉ còn 10.000 đồng/kg (cá đổ dớn). Trong khi đó, các bạn hàng mua cá mồi chỉ 3.000 đồng/kg để bán lại cho các chủ ao nuôi cá thương phẩm trong vùng. Anh Măng cũng hy vọng trong thời gian tới, lượng cá đồng sẽ nhiều hơn sau khi ngành chức năng ở tỉnh An Giang thực hiện xả lũ ở đập tràn Tha La gần đó.
Dưới đây là những hình ảnh do phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận tại chợ cá "Âm phủ":
|
Cá mè vinh tươi rói được ngư dân mang đến chợ sớm nhất. |
|
Ngay khi xuồng máy vừa cập bến, ngư dân tranh thủ phân loại cá để cân bán cho các tiểu thương. |
|
Cũng có ngư dân không được vui vì cá ít quá. |
Nhanh chân xách cá lên bờ kênh Tha La để cân bán. |
Thậm chí tiểu thương xuống tận bờ kênh xách cá lên hộ cho ngư dân để kịp thời gian đi bán ở các chợ trong vùng. |
|
Các bạn hàng tranh thủ cân cá để còn vận chuyển đi xa. |
|
|
|
|
Tuy nhiên, mọi người sẽ phát thèm khi nhìn thấy một số loại cá đồng "chính hiệu" như cá lóc, cá rô, cá lăng, cá chạch còn tươi rói. |
Tác giả: T.Nốt
Nguồn tin: Báo Người lao động