Thùy và Chiến yêu nhau gần 1 năm, bố mẹ 2 bên đã có ý giục giã chuyện cưới xin vì 2 người chẳng còn trẻ trung gì, mà công việc các thứ đều ổn định rồi. Thùy ưng ưng, Chiến cũng không có vấn đề gì, 2 người bắt đầu nói nhiều hơn về tương lai.
Một ngày cuối tuần, Chiến tới đón Thùy đi chơi. Khi 2 người ngồi chuyện phiếm trong quán café, Chiến bỗng đề cập tới vấn đề kinh tế lúc sau ngày kết hôn. Anh chậm rãi nói: “Lúc trước cho tới bây giờ, lương của anh vẫn đưa cho bố giữ hộ. Nhưng khi mình kết hôn thì sẽ tự quản lí lấy tiền bạc, chi tiêu, cho dù là ở chung với bố mẹ hay ở riêng”.
Một ngày cuối tuần, Chiến tới đón Thùy đi chơi. Khi 2 người ngồi chuyện phiếm trong quán café, Chiến bỗng đề cập tới vấn đề kinh tế lúc sau ngày kết hôn. Anh chậm rãi nói: “Lúc trước cho tới bây giờ, lương của anh vẫn đưa cho bố giữ hộ. Nhưng khi mình kết hôn thì sẽ tự quản lí lấy tiền bạc, chi tiêu, cho dù là ở chung với bố mẹ hay ở riêng”.
Ảnh minh họa
Thùy gật lấy gật để, vui mừng quá đỗi vì người yêu lại có suy nghĩ tiến bộ đến thế. “Tiền trong nhà nên quy về một mối. Anh không thích kiểu tiền anh tiền em tiền chung tiền riêng. Vợ chồng rồi mà có phải người dưng, xa lạ gì đâu, của ai thì cũng là của chung cả”, Chiến nói thêm, Thùy gật càng mạnh hơn. Trong bụng cô nghĩ, thủ quỹ sẽ là cô chứ còn ai khác được nữa!
Thế nhưng câu tiếp theo của Chiến thốt ra khiến Thùy mắt chữ O miệng chữ A, phát hoảng không thôi. “Anh sẽ là người cầm kinh tế trong nhà. Lương, thưởng, tất cả thu nhập của em phải đưa cho anh giữ, cần tiêu gì thì nói, thấy hợp lí anh sẽ đưa tiền cho!”, Chiến bình thản tuyên bố, chắc nịch.
Thùy thực sự câm nín. Chiến thấy thế thì tiếp tục thuyết giảng. Rằng nhà anh cũng bố anh cầm kinh tế, bao năm qua mọi chuyện đều tốt đẹp, êm xuôi, không có vấn đề gì, đó là 1 tấm gương mà 2 người nên học theo. Rồi thì giờ phụ nữ tiêu hoang phí lắm, vì bên ngoài có quá nhiều thứ cám dỗ khiến phụ nữ không làm chủ được túi tiền của mình. Bao nhiêu nhà sạt nghiệp vì thói tiêu không kiềm chế của phụ nữ rồi còn gì.
Một bài dài ngoằng của Chiến kết thúc, Thùy mới định thần lại. Cô ngẫm ngẫm, sở dĩ nhà Chiến bố anh nắm tiền bạc là vì mẹ anh chỉ ở nhà nội trợ không có thu nhập, không ra ngoài nên có thể không cần chi tiêu nhiều, còn cô ra ngoài đi làm, lương có khi còn cao hơn Chiến, giờ bảo cô lột sạch ví đưa cho anh thì ngang với chặt tay chặt chân cô đi còn hơn. Mà nghe cái điệu của anh, thì đủ biết, để được anh duyệt xuất quỹ thì mấy khoản như mời bạn uống café, mua son hàng hiệu – thứ mà cô yêu thích, kiểu kiểu thế, chắc chắn sẽ bị gạt đi ngay. Cuộc sống thế còn gọi là cuộc sống?
Thùy đau khổ cất giọng thương lượng: “Thôi em nghĩ ai cũng đi làm có thu nhập, vì thế ngoài 1 khoản chung mình góp để chi tiêu sinh hoạt trong gia đình thì của ai tự người nấy giữ và chi tiêu, như thế là ổn nhất, vì nhiều khoản chi tiêu khó mà trình bày cụ thể, hơn nữa mỗi lần cần tiền lại đi báo cáo sẽ rất mệt”. Ai ngờ Chiến giãy nảy lên phản đối: “Không được! Em lương cao như thế, mà tháng nào tiêu hết tháng ấy, đủ biết em tiêu hoang thế nào. Vì thế anh phải cầm kinh tế mới yên tâm được. Anh cũng là giữ tiền cho gia đình chứ cho riêng anh đâu mà em phải sợ!”.
“Biết là như thế, nhưng bó chân bó tay như thế ai cũng thấy khó chịu cả…”, thời gian sau đó, Thùy mệt đứt hơi thuyết phục Chiến nhưng anh vẫn không thay đổi chủ kiến của mình. Với suy nghĩ đã ăn vào máu như thế, e rằng cô không thể thay đổi được. Thùy thở dài chán nản. Đấy, bảo tiền ai người nấy tiêu Chiến còn không đồng ý, thì cái chuyện đưa cho vợ tay hòm chìa khóa như những gia đình khác chỉ là chuyện mơ tưởng hão huyền mà thôi.
Cô cũng thấy tiếc đoạn tình cảm đã qua, tiếc đối tượng có điều kiện khá phù hợp với mình như Chiến, nhưng bảo cô thỏa hiệp với Chiến thì ngang với đem cuộc sống sau hôn nhân của cô ném vào chảo lửa. Cứ tưởng tượng mà xem, sau này cô sẽ phải vật vã tìm cách giấu quỹ đen, mà mỗi lần chỉ 5,10,20 nghìn lẻ bớt được trong những khoản anh đưa cô mua đồ. Rồi anh mà tìm thấy cô giấu tiền ở đâu là sẽ ầm ĩ nhà cửa một trận, mắng mỏ cô không thôi. Rồi sẽ có lúc cô ngồi suốt buổi chỉ để giải trình với chồng các khoản mình chi tiêu, vắt óc nói sao cho hợp lí để chồng khỏi kêu ca là phí phạm, không biết cân đo đong đếm. Rồi quần áo, giày dép, son phấn ấy mà, Chiến sẽ bảo lấy chồng rồi còn cần gì đẹp, thế là không xuất quỹ cho cô. Rồi nếu 2 người có vấn đề gì mà Chiến trở mặt thì cô sẽ phải ra đi tay trắng, bao năm làm lụng nhưng cuối cùng 1 đồng giắt lưng cũng không có.
Nghĩ sơ sơ thế thôi cũng đủ để cô đã sởn gai ốc, ớn lạnh cả người rồi. Thôi, cô đành xin quay bước trước khi quá muộn!
Tác giả bài viết: Phạm Giang