Theo quy định, sau khi có Kết luận Thanh tra, kiểm toán, Cục Thuế Thanh Hóa sẽ tiến hành kiểm điểm, xử lý tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm. |
Như thông tin trên báo điện tử Congluan.vn đã phản ánh, tính đến tháng 9/2018, nợ thuế tại 6 địa phương (Nga Sơn, Hoằng Hóa, Tĩnh Gia, Bỉm Sơn, Sầm Sơn, TP. Thanh Hóa) mà Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra trách nhiệm trong việc thu, chống thất thu thuế công, thương nghiệp ngoài quốc doanh là gần 280 tỷ đồng.
Hằng trăm doanh nghiệp bị đề nghị xử phạt do vi phạm chính sách thuế với số tiền hàng chục tỷ đồng.
Trước các vi phạm đã được chỉ rõ, trong cả 6 văn bản kết luận thanh tra, Thanh tra tỉnh Thanh Hóa đều kiến nghị xử lý kiểm điểm trách nhiệm của cán bộ, công chức có liên quan, trong đó chủ yếu là cán bộ, công chức ngành thuế.
Nhiều cán bộ đang bị đề nghị xử lý kiểm điểm trách nhiệm nhưng ngày 02/1/2019, ông Ngô Đình Hùng, Cục trưởng Cục thuế Thanh Hóa vẫn ký tờ trình số 11/TTr-CT xin UBND tỉnh hỗ trợ 4,5 tỷ đồng, trong đó có 700 triệu đồng tiền ...động viên cán bộ.
Lý do mà Cục trưởng Cục Thuế Thanh Hóa đưa ra trong văn bản “xin tiền” là: “Theo định mức bình quân Tổng cục Thuế cấp cho Cục Thuế Thanh Hóa chưa được 19 triệu đồng/cán bộ biên chế, trong quá trình triển khai công tác thu NSNN gặp rất nhiều khó khăn”.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, thực tế phân bổ dự toán giai đoạn 2017-2020, đơn vị thấp nhất của Cục Thuế là 31 triệu đồng, cao nhất là 49 triệu đồng/1biên chế.
Nội dung tờ trình xin hỗ trợ kinh phí của Cục Thuế Thanh Hóa là sai sự thật. Hiện tại, UBND tỉnh Thanh Hóa chưa phê duyệt hỗ trợ 4,5 tỷ đồng theo đề nghị của Cục Thuế.
Trong khi hàng loạt sai phạm chưa được xử lý trách nhiệm thì mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện thêm nhiều sai phạm mới tại Cục Thuế Thanh Hóa khi kiểm toán ngân sách nhà nước tại địa phương này.
Cụ thể, Phòng Tài chính – Kế hoạch và Chi cục Thuế các huyện chưa phối hợp chặt chẽ trong việc theo dõi, lập bộ quản lý thụế các hộ được cấp phép đăng ký kinh doanh, người nộp thuế ngừng, nghỉ kinh doanh dẫn đến việc có nhiều hộ kinh doanh chưa được cơ quan thuế theo dõi lập bộ quản lý thuế (toàn tỉnh có 32.235 hộ kinh doanh chưa được lập bộ quản lý thuế, tại 8 huyện kiểm toán và thành phố sầm Sơn có 150 hộ kinh doanh karaoke chưa được theo dõi, quản lý thuế).
Tổng số nợ thuế tại thời điểm 31/12/2017 bằng 9,6% tổng thu nội địa ngành thuế quản lý, vượt gần gấp 02 lần so với quy định tại Chỉ thị 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Cục Thuế tham mưu cho UBND Tỉnh gia hạn, miễn tiền nộp chậm đối với Công ty Cổ phần bất động sản tài chính dầu khí Việt Nam cho Lô đất tại phường Đông Hương, TP.Thanh Hóa 1.595 triệu đồng chưa phù hợp.
Khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng được tính trừ vào tiền thuê đất của chủ đầu tư đối với dự án MeLinh Plaza Thanh Hóa 1.130 triệu đồng chưa hợp lý (tại thời điểm kiểm toán năm 2018 cơ quan thuế và cơ quan tài chính đang xác định số tiền chính xác để thực hiện khấu trừ).
Số tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân tại một số huyện được kiểm toán đã quá hạn nộp ngân sách nhà nước (NSNN) nhưng chưa hủy kết quả trúng đấu giá 60.174 triệu đồng; số dư cuối năm tài khoản tạm giữ tiền sử dụng đất đủ điều kiện nộp vào NSNN nhưng chưa kịp thời nộp 7.312 triệu đồng.
Kết quả thu ngân sách nhà nước những năm gần đây của tỉnh Thanh Hóa năm sau luôn cao hơn năm trước, luôn vượt dự toán được giao.
Qua đó, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nâng cao đời sống cho nhân dân.
Tuy nhiên, nguồn tin từ Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết, so với số lượng, quy mô các dự án thu hút đầu tư vào tỉnh, tốc độ thành lập doanh nghiệp, tốc độ đầu tư hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, văn hóa - xã hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong thời gian qua,... thì tốc độ tăng thu ngân sách chưa tương xứng, vẫn còn "dư địa" tăng thu cho ngân sách tỉnh.
Theo quy định, sau khi có Kết luận Thanh tra, kiểm toán, Cục Thuế Thanh Hóa sẽ tiến hành kiểm điểm, xử lý tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm.
Tác giả: Quang Duy
Nguồn tin: Báo Công luận