Kinh tế

Phản đòn của thị trường tỉ dân với Mỹ

Giữa cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung, người Trung Quốc âm thầm tẩy chay Mỹ.

Cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung do Tổng thống Donald Trump khởi xướng đang khiến cả hai nền kinh tế hàng đầu kinh tế chịu đòn đau.

Người Trung Quốc thích đến Mỹ cho tới khi thương mại Mỹ- Trung nổ ra.

Thị trường tỷ dân của Trung Quốc đã có nhiều cách để trả đũa theo phong cách "tinh thần dân tộc", rất khác với Washington.

Đơn cử như việc người Trung Quốc không lựa chọn Mỹ cho những chuyến du lịch, nghỉ dưỡng của mình.

Lượng khách Trung Quốc tới Mỹ đã bắt đầu giảm trong suốt hơn 1 thập kỷ qua.

AP dẫn số liệu từ Văn phòng Lữ hành và Du lịch Quốc gia Mỹ cho biết lượng du khách Trung Quốc thăm Mỹ trong 2018 giảm 5,7%, chỉ còn khoảng 2,9 triệu lượt. Đây là năm đầu tiên kể từ năm 2003, lượng du khách đến Mỹ bị giảm sút so với năm trước.


Vào năm 2000, mới chỉ có 249.000 du khách Trung Quốc thăm Mỹ. Con số này tăng gấp 3 lần, đạt 802.000 lượt vào năm 2010, và tiếp tục tăng 3 lần nữa vào năm 2015.

Năm 2016 và 2017, Mỹ đón hơn 3 triệu lượt du khách Trung Quốc. Tuy nhiên, mức tăng trưởng của năm 2017 so với 2016 chỉ là 4%, mức tăng chậm nhất 1 thập kỷ.

Bên cạnh đó, chi tiêu của du khách Trung Quốc đóng góp quan trọng vào doanh thu của ngành du lịch Mỹ. Từ năm 2008-2016, chi tiêu của du khách Trung Quốc tại Mỹ tăng 600%, đạt gần 18,9 tỷ USD. Trong 2017, mức chi giảm 1%, còn 18,8 tỷ USD, tương đương 12% trong tổng chi của du khách nước ngoài đến Mỹ.

Việc du khách Trung Quốc từ chối đến Mỹ được cho là cách tẩy chay âm thầm của thị trường tỉ dân đối với những gì mà Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào Trung Quốc.

Ông Trump đã mượn cớ thâm hụt thương mại để áp thuế quan nhập khẩu lên hàng hóa Trung Quốc muốn vào Mỹ trị giá 200 tỷ USD, cảnh báo sẽ tăng thuế đối với 300 tỷ USD hàng hóa còn lại mà Mỹ nhập từ Trung Quốc. Trung Quốc đã đáp trả bằng cách áp thuế lên 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ.

Washington cũng đã kích hoạt lệnh cấm cửa với niềm tự hào Trung Quốc Huawei và khiến Tập đoàn này mất gần hết các bạn hàng, đối tác chiến lược.

Sự tẩy chay một cách công khai và phô trương của Mỹ với Huawei và với Trung Quốc đã khiến người dân Trung Quốc không vừa mắt và quyết trả đũa theo nhiều cách.

Nhiều người Trung Quốc lập luận rằng, bất đắc dĩ họ mới tới Mỹ và nếu tiêu tiền ở Mỹ thì chỉ là cách bất đắc dĩ.

Đơn cử như Wang Haixia, đang làm việc cho một công ty quốc tế tại Bắc Kinh. Cô vừa đến Mỹ để dự lễ tốt nghiệp của em gái rút ngắn thời gian lưu trú ở Mỹ. Theo Wang, họ sẽ chỉ ở 10 ngày tại Illinois và New York trước khi lên máy bay.

"Tôi không thể không đi vì tôi đã lỡ hứa với em rồi. Bà con, dòng họ tôi góp cho nước Mỹ hơn 100.000 nhân dân tệ (khoảng 14.500 USD) cho 10 ngày. Như vậy là quá đủ!" - cô Wang nói với hãng thông tấn AP.

Năm ngoái, Bắc Kinh đã phát cảnh báo cho các công dân tới Mỹ rằng hãy thận trọng khi đến xứ sở cờ hoa, bởi họ sẽ phải đối mặt với nạn cướp bóc, xả súng và chi phí y tế đắt đỏ. Washington sau đó cũng đáp trả bằng cảnh báo tương tự.

Cũng vì nguyên nhân này mà lượng học sinh Trung Quốc chọn Mỹ là nơi phát triển tương lai cũng giảm dần.

Theo South China Morning Post, để tránh những tác động không mong muốn từ xung đột thương mại Mỹ - Trung, nhiều sinh viên Trung Quốc đã chọn tới các nước khác như Anh, Canada và Úc để học thay vì đến Mỹ.

Số liệu thống kê từ công ty chuyên cung cấp dịch vụ chuyển tiền Easy Transfer (chuyên giúp chuyển tiền thanh toán học phí cho nhiều du học sinh Trung Quốc ở nước ngoài) cho thấy, sau khi chính quyền ông Trump áp chính sách phạt thuế với hàng nhập khẩu Trung Quốc năm ngoái, số du học sinh Trung Quốc muốn tới Mỹ đã giảm đáng kể vì lo ngại không xin được visa.

"Có một xu hướng là các sinh viên Trung Quốc đang lựa chọn du học tại các trường đại học không phải của Mỹ. Những nước đang có số tiền giao dịch tăng mới thêm với sinh viên Trung Quốc là Anh, Canada và Úc" - ông Tony Gao, Giám đốc điều hành công ty Easy Transfer tiết lộ.

Tẩy chay mọi yếu tố đến từ Mỹ là một trong những xu hướng ở Trung Quốc hiện nay.

Du học sinh Trung Quốc không chọn Mỹ làm đích đến tương lai.

South China Morning Post dẫn lời một số người ủng hộ phong trào tẩy chay sản phẩm Apple để dùng hàng nội địa Trung Quốc.

Sam Li, nhân viên một công ty viễn thông ở Trung Quốc chia sẻ: "Thật xấu hổ lúc này khi vẫn sử dụng iPhone".

Còn Wang Zhixin - Quản lý của một trong những nhà sản xuất tấm năng lượng mặt trời lớn nhất Trung Quốc, vừa từ bỏ iPhone 7 đã sử dụng 3 năm qua để chuyển sang sử dụng Huawei P30. Anh Wang cho biết, hành động này xuất phát từ trái tim và cần thiết lúc này để thể hiện sự ủng hộ với các thương hiệu Trung Quốc, đặc biệt trong giai đoạn chiến tranh kinh tế.

Trên WeChat, nhà sáng lập một start-up thương mại điện tử kêu gọi hãy chuyển sang sử dụng Huawei và nhận được ủng hộ của hàng nghìn tài khoản. Ngoài phản đối hành động của Mỹ, người này cho rằng Huawei sở hữu những công nghệ hiện đại vượt trội so với Apple.

Thương hiệu của Mỹ được dự báo khó có thể khôi phục được vị thế của mình tại Trung Quốc, thị trường luôn mang tới khoản doanh thu khổng lồ của Apple trong vài năm trở lại đây.

Làn sóng người Trung Quốc phản ứng trả đũa các động thái của Washington đang biến thị trường toàn cầu thay đổi. Cuộc chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa có dấu hiệu ngừng lại. Thay vào đó, nó kích hoạt các xu hướng chuyển dịch sang các thị trường khác. Trung Quốc dường như là người bắt nhịp với xu hướng chuyển dịch nhanh hơn là Mỹ.

Tác giả: Kim Hoa

Nguồn tin: Báo Đất việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok