Trong tỉnh

Phận đời nữ “phu keo”!

Sinh sống tại xã miền núi của tỉnh Thanh Hóa, phải làm thuê kiếm sống từng ngày bằng công việc nặng nhọc, chỉ với thu nhập ít ỏi, bấp bênh, họ là những nữ “phu keo”.

Trí Nang, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) là một trong những xã miền núi thuộc diện khó khăn của tỉnh Thanh Hóa. Địa hình ở đây chủ yếu là đồi núi xen kẽ một vài mảnh ruộng nhỏ được người dân tận dụng canh tác, dễ bị “xóa sổ” vào mùa mưa lũ, đời sống vật chất của người dân đang rất khó khăn.

Dốc Bả Vai, thuộc Tỉnh lộ 530 nơi vừa mới xảy ra vụ tai nạn thương tâm khiến 7 người thiệt mạng, 5 trong số các nạn nhân là những “phu keo”. Cả 5 nạn nhân đều sinh sống tại xã Trí Nang.

Dốc Bả Vai năm trên Tỉnh lộ 530 nơi vừa xảy ra vụ tai nạn thương tâm khiến 7 người từ vong.

Dấu ấn vụ tai nạn thương tâm vẫn còn đó với những nén nhang cháy dở ven đường, xa ngay phía trên đồi, những người "phu keo" khác ở địa phương đã trở lại với công việc thường ngày là đi bốc gỗ keo kiếm tiền mưu sinh. Thời gian vẫn trôi, cuộc sống vẫn phải tiếp tục hướng về phía trước.

Băng qua một con suối nhỏ, vượt qua tiếp hai con dốc cao chúng tôi mới tiếp cận được nơi có các "phu keo" đang miệt mài với công việc. Đi từ xa, chúng tôi đã nghe rõ tiếng cười đùa vui vẻ của của họ.

Tốp phu keo có 6 người thì có 5 người là nữ, họ đang bốc những khúc gỗ keo to ngang thân người lên xe reo "tăng bo" xuống đường lớn, chất lên xe tải chở tới các cơ sở sản xuất trên địa bàn.

Tốp "phu keo" có 6 người nhưng đã có tới 4 người phụ nữ.

Chị Hạ Thị Cương (SN 1975), một “phu keo” trong đoàn tranh thủ lúc nghỉ ngơi giữa giờ chia sẻ với PV: “Mọi người làm ở đây đều ở tận bản Hắc, xã Trí Nang, đi vào tới đây mất gần 10 km. Chúng tôi đi bốc keo thuê kiếm thêm thu nhập do không có nhiều đất ruộng để canh tác. Công việc thường bắt đầu từ sáng sớm tới chiều muộn. Để tiết kiệm thời gian chúng tôi thường đem theo cơm, hoặc bánh mì và tổ chức ăn trưa tại đây luôn cho tiện”.


Chị Cương tâm sự, với một ngày làm việc như vậy, mỗi “phu keo” sẽ có thu nhập khoảng 200.000 đồng. Đó là trong trường hợp thời tiết đẹp, không mưa gió hay việc khai thác thuận lợi, còn trời mưa thì họ phải nghỉ ở nhà hoặc có đi làm thì thu nhập thấp hơn.

Để đưa những khúc gỗ keo nặng 50 - 70kg lên vai, nữ "phu keo" phải nhờ vào sự hỗ trợ của đồng nghiệp.

“Chúng tôi đi làm thế này, ngày cũng được khoảng 200.000, nhưng công việc cũng bấp bênh ngày có ngày không. Những ngày mưa thì chúng tôi đều nghỉ ở nhà và sẽ không có thu nhập. Biết là công việc nặng nhọc, không phù hợp với phụ nữ, nhưng không có nghề phụ, đất canh tác ít nên chị em chúng tôi phải cố gắng làm để nuôi con ăn học” – Nữ “phu keo” chia sẻ về nghề của mình.

Cánh rừng họ đang khai thác keo này rộng khoảng 3ha, trên một đồi nhỏ, những cây keo được chặt hạ trải từ triền đồi lên tới đỉnh. Mỗi ngày với một “đội” 6 người sẽ bốc được từ 8 đến 10 tấn keo lên xe cơ giới để vận chuyển ra tới đường.

Những khúc keo to, đã được cắt dài gần bằng thân người “phu keo”. Từng khúc keo vừa được cắt hạ đang ướt nên khá nặng, nhưng vẫn được họ thoăn thoắt bốc lên xe. Trong lúc làm việc, những “phu keo” không quên trêu đùa nhau bằng những mẩu chuyện vui. Có lẽ, đây là cách để phu keo quên đi sự mệt nhọc, vất vả.

Dù trên vai vác những khúc gỗ keo nặng hàng chục kg, nhưng nữ "phu keo" vẫn thoăn thoắt bước đi.

“Chúng tôi đều ở gần nhà, nên rủ nhau cùng đi làm. Nhiều lúc đi về cùng nhau cũng vui, thi thoảng trêu nhau một vài câu trong lúc làm, hay những lúc ngồi nghỉ cảm giác cũng thoải mái. Với lại, vì cùng một đội, có quen biết nhau nên trong công việc chúng tôi cũng giúp nhau được tốt hơn” – Chị Huấn chia sẻ.

Thời gian làm việc của họ được xen kẽ bằng những quãng nghỉ ngắn, đây cũng là lúc họ tranh thủ uống cốc nước, tán chuyện với nhau, tái tạo nhanh lại sức lao động. Tuyệt nhiên, khó ai nhận được ra sự mệt nhọc, vất vả bên trong vẻ mặt tươi vui và luôn thường trực nụ cười của họ.

Dù phải vác những khúc keo to bằng cột nhà, nặng 40 – 50kg, nhưng họ vẫn không quên “kháo nhau” làm nhanh, hoàn thành sớm công việc để tối còn đánh…bóng chuyền.

“Bọn chị tối nào cũng đánh bóng, đi làm cơm nước xong xuôi, khoảng 21h là mấy chị em lại hẹn nhau ra sân chơi bóng chuyền, có hôm tới tối muộn luôn. Đi làm mệt là một việc, còn việc đánh bóng vẫn phải có, vui lắm chú à.” - Chị Cương phấn khởi nói về môn thể thao yêu thích.

Họ tranh thủ nghi ngơi, uống nước sau những giờ lao động mệt nhọc.

Trên đôi môi họ không ngớt tiếng cười đùa vui vẻ, hòa lẫn cùng thứ âm thanh róc rách từ con suối vọng qua, hòa quện vào nhau tạo bầu không khí tươi vui, lạc quan, đã lấn át hết nỗi mệt nhọc vất vả hiện hữu trước mắt.

Ông Trịnh Đức Hùng – Chủ tịch UBND Xã Trí Nàng cho biết, phần lớn người dân sinh sống tại địa phương là đồng bào dân tộc thiểu số, với những phong tục tập quán khác nhau. Đời sống của người dân địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Những lúc nông nhàn, nhiều chị em phụ nữ tại địa phương cũng lên rừng làm nghề bốc vác keo tràm để tăng thêm thu nhập. Do phong tục tập quán nên một số đàn ông thường tụ tập uống rượu, để vợ một mình đi làm. Xã đã tổ chức tuyên truyền, nhưng rất không dễ thay đổi.

Tác giả: Việt Phương - Xuân Chinh

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok