Ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp
Thực hiện mục tiêu sản xuất công nghiệp theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ 19, ngành Công Thương Thanh Hóa đã chủ động tham mưu cho tỉnh ban hành nhiều đề án, cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp như: Đề án Phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030; Chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2022-2026.
Nhiều sản phẩm như lọc hóa dầu, điện thương phẩm… chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Thanh Hóa |
Theo đó, tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung các giải pháp cụ thể để phát triển công nghiệp với tốc độ cao, quy mô lớn. Trong đó, lấy công nghiệp nặng làm nền tảng, công nghiệp chế biến, chế tạo là trụ cột tăng trưởng. Ưu tiên phát triển mạnh các ngành công nghiệp lọc hóa dầu và sau lọc hóa dầu, công nghiệp phục vụ kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn; thu hút đầu tư các dự án công nghiệp mới quy mô lớn, đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động như: May mặc, giày da.
Song song với thu hút đầu tư, tỉnh Thanh Hóa đã khẩn trương thực hiện các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế, thúc đẩy sản xuất sau hệ lụy của đại dịch Covid-19 như: Giảm thuế, hỗ trợ lãi suất ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới và hệ thống chất lượng tiên tiến để nâng cao giá trị hàng hóa, xúc tiến thương mại, tìm kiếm và phát triển thị trường mới.
Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2023 đã đạt mức tăng trưởng khá ấn tượng. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp hàng năm tăng trên 15%, cao hơn mức tăng bình quân cả nước và đứng Top đầu các tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ. Giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2021 – 2023 tăng trưởng bình quân 17,5%, cao hơn kế hoạch đề ra là 11,2%.
Có thể thấy những kết quả nổi bật trong sản xuất công nghiệp mà tỉnh Thanh Hóa đã đạt được trong những năm gần đây là đã đưa vào hoạt động nhiều dự án công nghiệp quy mô lớn như Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2, Nhà máy Xi măng Đại Dương, Nhà máy Luyện cán thép Nghi Sơn...
Chỉ số sản xuất công nghiệp giai đoạn 2021-2023 của tỉnh Thanh Hóa tăng bình quân khoảng 15%/năm |
Thống kê của Sở Công Thương Thanh Hóa cũng cho thấy, lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp cũng đang có nhiều khởi sắc. Hiện tỉnh Thanh Hóa có 36 nghề tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động, với 118 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động tại chỗ, như: Đúc đồng, chế biến nông, lâm, thủy sản…
Mục tiêu đến năm 2030, Thanh Hóa sẽ trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại
Ngày 27/2/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 153/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đến năm 2030, Thanh Hóa trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại.
Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đưa ra quan điểm phát huy vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng và tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; phát triển hài hòa, cân đối giữa các vùng, miền, nhất là vùng đồng bằng và ven biển với vùng miền núi, giữa thành thị với nông thôn; giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển nhanh với phát triển bền vững, giữa phát triển hợp lý theo chiều rộng với phát triển theo chiều sâu, trong đó phát triển theo chiều sâu là chủ đạo; đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.
Đến năm 2025, tỉnh Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước; quốc phòng, an ninh đảm bảo vững chắc; giữ vững ốn định trật tự an toàn xã hội.
Mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo; nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, văn hóa và thể thao.
Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2024 dự kiến đạt 250 nghìn tỷ đồng |
Đến năm 2045, tỉnh Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước; phát triển tỉnh Thanh Hóa theo mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng kinh tế số, kinh tế trí thức, sáng tạo với nguồn nhân lực chất lượng cao; ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; hạ tầng các ngành dịch vụ hiện đại, kết nối đồng bộ với hạ tầng quốc gia và các nước trong khu vực...
Về kinh tế, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2021 - 2030 đạt 10,1% trở lên. Đến năm 2030, nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 5,1%; công nghiệp - xây dựng chiếm 57%; dịch vụ chiếm 33,3%; thuế sản phẩm chiếm 4,6%. GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.200 USD trở lên; năm 2030 đạt 7.850 USD trở lên.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Lê Huy Tuấn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính – Tổng hợp, Sở Công Thương Thanh Hóa cho biết: Ngành Công Thương Thanh Hóa đã xây dựng kịch bản sản xuất công nghiệp cho các năm tiếp theo. Trong đó, phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2023 đạt 230 nghìn tỷ đồng; năm 2024 dự kiến đạt 250 nghìn tỷ đồng, năm 2025 dự kiến đạt 280 nghìn tỷ đồng. Tăng trưởng công nghiệp giai đoạn 2021-2025 ước đạt 14,6%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Nhiều giải pháp đang được đưa ra để hoàn thành kịch bản tăng trưởng công nghiệp cho cả nhiệm kỳ.
Tác giả: Hoàng Minh
Nguồn tin: congthuong.vn