Thế giới

Ông Trump tuyên bố "tôi điên rồ", cảnh báo đòn giáng nếu Trung Quốc Đại lục "tiến vào Đài Loan"

Ông Donald Trump cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng, nếu được bầu làm tổng thống Mỹ vào tháng tới, ông sẽ áp thêm thuế quan đối với Bắc Kinh nếu nước này "tiến vào Đài Loan".

"Tôi sẽ nói: Nếu các vị tiến vào Đài Loan, tôi xin lỗi vì làm như thế này, tôi sẽ đánh thuế các vị từ 150% đến 200%", hãng tin Reuters trích lời ông Donald Trump trong cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street Journal hôm 18/10.

Khi được hỏi liệu ông có sử dụng sức mạnh quân sự để chống lại hành động phong tỏa đảo Đài Loan của Trung Quốc hay không, ông Trump cho biết điều đó sẽ không xảy ra vì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tôn trọng ông.

"Tôi có mối quan hệ rất tốt đẹp với ông ấy [Tập Cận Bình]", ông Trump nói với WSJ. "Tôi sẽ không phải sử dụng [sức mạnh quân sự], vì ông ấy tôn trọng tôi và ông ấy biết tôi điên rồ.”

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Bắc Kinh vào tháng 11/2017. Ảnh: Getty



Trung Quốc nhấn mạnh đảo Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để thống nhất hòn đảo.

Trong khi đó, mặc dù cam kết tuân thủ nguyên tắc "Một Trung Quốc", Mỹ vẫn duy trì liên hệ không chính thức với Đài Loan và thường xuyên cung cấp vũ khí phòng thủ cho hòn đảo này theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan, được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 1979.

Theo Reuters, ông Trump đã đưa ra kế hoạch áp thuế toàn diện từ 10% đến 20% đối với hầu hết các mặt hàng nhập khẩu cũng như thuế quan từ 60% trở lên đối với hàng hóa từ Trung Quốc, như một phần trong cam kết tranh cử của mình. Ông cho rằng đây là một trong những biện pháp sẽ thúc đẩy sản xuất của Mỹ.

Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump (2017-2021), cách tiếp cận cứng rắn đối với Trung Quốc đã được thể hiện bằng các đợt áp thuế khiến Mỹ và Trung Quốc rơi vào cuộc chiến thương mại làm thay đổi thị trường toàn thế giới.

Lợi ích quốc gia Mỹ trên hết

Theo tờ The Guardian (Anh), Bắc Kinh đặt sự tuân thủ nguyên tắc "Một Trung Quốc” vào trung tâm ngoại giao quốc tế của nước này.

Trong thông cáo chính thức của Trung Quốc về cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình với Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 11/2023, vấn đề Đài Loan được mô tả là "vấn đề quan trọng và nhạy cảm nhất trong quan hệ Trung-Mỹ".

Một số chuyên gia Trung Quốc hoan nghênh ý tưởng về nhiệm kỳ tổng thống Mỹ thứ hai của ông Trump, vì họ coi ông là một người có đầu óc kinh doanh và sẽ không muốn cung cấp nguồn lực của Mỹ hoặc hỗ trợ về mặt tinh thần cho mục đích “giành độc lập” của Đài Loan.

Giáo sư nghiên cứu quốc tế Wang Yiwei tại Đại học Nhân dân (Trung Quốc) cho biết, ông Trump ít tôn trọng hệ thống liên minh quốc tế so với Tổng thống đương nhiệm Biden, nên sẽ có lợi cho Trung Quốc.

"Các đồng minh của ông ấy [Trump] không tin tưởng ông ấy nhiều lắm… Đài Loan lo lắng về ông Trump hơn", ông Wang nói.

Nhưng ông Trump cũng là chính khách khó đoán. Trong trường hợp ông tái đắc cử tổng thống Mỹ, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Jude Blanchette lưu ý rằng, "ông ấy sẽ được bao quanh bởi các cố vấn có quan điểm cứng rắn về Trung Quốc và rất có thể là ủng hộ Đài Loan. Điều đó không mang tính quyết định đối với các quyết sách của ông ấy, nhưng sẽ định hình chúng."

Theo The Guardian, vào đầu nhiệm kỳ tổng thống Mỹ của mình, ông Trump thực sự khá được lòng người dân đảo Đài Loan vì lập trường cứng rắn của ông đối với Trung Quốc Đại lục. Nhưng dư luận đã nguội lạnh, đặc biệt là sau những bình luận gần đây của ông cho rằng hòn đảo này cần phải trả tiền cho Mỹ để được bảo vệ.

Theo một cuộc thăm dò gần đây của Viện nghiên cứu Brookings (Mỹ), 55% người dân đảo Đài Loan tin rằng Mỹ sẽ hỗ trợ quốc phòng cho họ, bất kể ông Donald Trump hay bà Kamala Harris trở thành người đứng đầu Nhà Trắng nhiệm kỳ tới.

Bất kể bà Kamala Harris hay ông Donald Trump trở thành người đứng đầu Nhà Trắng, lợi ích quốc gia của Mỹ sẽ không thay đổi. Ảnh: BBC


Giữa các nhà phân tích và nhà ngoại giao có quan điểm đồng thuận tạm thời về chính sách của hai ứng cử viên tổng thống Mỹ. Một số chuyên gia nói rằng, mặc dù cách thể hiện có thể sẽ rất khác dưới thời ông Trump, nhưng các chính sách thực tế của ông sẽ không khác biệt nhiều so với bà Harris.

"Rõ ràng là tính cách [giữa ông Trump và bà Harris] khác biệt đáng kể, nhưng lợi ích quốc gia của Mỹ thì không", Drew Thompson - thành viên cấp cao tại Trường chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore - cho biết.

"Cả hai chính quyền sẽ vào cuộc và công nhận giá trị vốn có của Đài Loan đối với Mỹ”, Thompson nói, “như một đối tác an ninh lớn, đối tác thương mại lớn và nhà cung cấp quan trọng các mặt hàng công nghệ thông tin và truyền thông".

Theo các chuyên gia, các biện pháp đề phòng đang được chuẩn bị ở Đài Bắc, nhưng trên thực tế, lập trường của Washington đã được đưa vào các luật như Đạo luật Quan hệ Đài Loan (1979) và rất khó để một chính quyền đơn lẻ có thể tùy ý thay đổi.

Chuyên gia Thompson nhận định, cải thiện quan hệ xuyên eo biển có lẽ không phải là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của ông Trump, và ông khó có thể mở rộng tài nguyên chính trị cho Đài Loan.

"Tôi cho rằng nếu ông Trump muốn đầu tư nguồn lực chính trị để tiếp cận ông Tập Cận Bình thì lợi ích lớn hơn của Mỹ sẽ là nền kinh tế Mỹ chứ không phải là làm trung gian cho hòa bình xuyên eo biển", Thompson nói.

Tác giả: Hữu Hiển

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

  Từ khóa: Đài Loan" , Ông Trump , trung quốc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok