Kinh tế

Ông Trầm Bê có tài sản gì sau khi rời Sacombank?

Sau khi rời vị trí Phó Chủ tịch Ngân hàng Sacombank, dù không nắm trực tiếp, trong tay ông Trầm Bê vẫn còn một khối tài sản lớn thông qua ủy thác đầu tư cho người thân.

Tính tới thời điểm tháng 3/2017, ông Trầm Bê có vốn góp trực tiếp trong 2 doanh nghiệp và nhiều khoản đầu tư gián tiếp vào doanh nghiệp khác thông qua hình thức holdings - đầu tư vốn cho cá nhân là người thân, bên có liên quan.

Tài sản nắm giữ trực tiếp

Cụ thể, ông Trầm Bê hiện là Chủ tịch HĐQT nắm 82% cổ phần Công ty Cổ phần đá Marble Như Ý tại xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Công ty có vốn điều lệ 500 tỷ đồng.

Từ doanh nghiệp này các khoản đầu tư của ông Trầm Bê vươn rộng ra nhiều lĩnh vực thông qua các cổ đông khác trong doanh nghiệp.

Ông Trầm Bê cũng có 15,2% cổ phần trong tổng vốn điều lệ 590 tỷ đồng của Công ty CP Bệnh viện đa khoa tư nhân Triều An là chủ sở hữu Bệnh viện Triều An tại quận Bình Tân (TP.HCM).

Bệnh viện đa khoa tư nhân Triều An là nơi ông Trầm Bê nắm giữ 15,2% cổ phần.

Hoạt động kinh doanh của Bệnh viện Triều An duy trì khá ổn định trong thời gian gần đây với doanh thu đạt trên 300 tỷ đồng, lợi nhuận trong khoảng gần 30 đến 40 tỷ đồng mỗi năm.

Phần lớn lợi nhuận sau khi thực hiện các nghĩa vụ tài chính của bệnh viện đều được sử dụng để chia cổ tức cho các cổ đông.

Năm 2014 và 2015, phần cổ tức ông Trầm Bê và con gái Trầm Thuyết Kiều nhận được đạt từ 8 đến 9 tỷ đồng.

Đối với lĩnh vực bất động sản, ngoài 3,06% cổ phần trong Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCI), ông Trầm Bê và gia đình hiện sở hữu nhiều khu đất tại quận Bình Tân, TP.HCM.

Trong đó giá trị nhất là dự án Khu nhà ở cao tầng và vui chơi thể dục thể thao thuộc Tiểu khu 3 - Khu dân cư Tên Lửa, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân. Dự án do Công ty CP Đầu tư khu đô thị mới Sài Gòn - doanh nghiệp thuộc sở hữu của một người thân trong gia đình ông Trầm Bê làm chủ đầu tư.

Dự án này nằm ở trung tâm quận Bình Tân, với diện tích đất được quy hoạch khoảng 47 ha. Tuy nhiên, hiện dự án đang gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng và chủ đầu tư cũng xin điều chỉnh quy hoạch 1/500.

Tài sản từ ủy thác đầu tư cho người thân

Với mô hình công ty holdings, ông Trầm Bê được cho là có thể sử dụng tài sản của mình dưới dạng ủy thác đầu tư cho người thân hay thiết lập quan hệ sở hữu chồng chéo giữa các công ty.

Tại công ty Marble Như Ý, ngoài ông Trầm Bê là cổ đông lớn nắm 82% cổ phần còn có 4 cổ đông khác là ông Nguyễn Tấn Sự, Ngô Trí Dũng, Phan Minh Hoàng Ngọc và bà Lưu Thị Lợi. Mỗi cổ đông nắm 4,5% cổ phần.

Các cổ đông của công ty này cũng đồng thời là chủ các doanh nghiệp đầu tư nhiều dự án hạ tầng cảng biển, khu công nghiệp, bất động sản… Ông Trầm Bê giữ quyền chi phối thông qua việc cung cấp nguồn vốn cho các dự án này.

Đơn cử, cổ đông Nguyễn Tấn Sự hiện là chủ Công ty TNHH Xây dựng Hàm Giang - nhà đầu tư Cụm cảng Long Toàn tại huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Theo quy hoạch của UBND tỉnh Trà Vinh, Cụm cảng Long Toàn có tổng vốn đầu tư ước khoảng 1.700 tỷ đồng trên diện tích 170 ha.

Cụm cảng Long Toàn có khả năng cho tàu 2.000 tấn ra vào và sẽ thực hiện khép kín với các hạng mục như bãi bốc xếp hàng, tập kết container, nhà điều hành, nhà kho, khu dịch vụ - giải trí...

Một cổ đông khác của Công ty Cổ phần đá Marble Như Ý là ông Ngô Trí Dũng là chủ sở hữu Công ty Cổ phần đầu tư Amic - nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Song Tân - Đức Hòa III. Đây là khu công nghiệp có tổng diện tích 301 ha tọa lạc tại hai xã Mỹ Hạnh Bắc và Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Trước khi bị bắt ông Trầm Bê từng làm lễ tại Hội quán Nghĩa An (còn gọi là Chùa Ông) quận 5, TP.HCM do ông làm Trưởng ban quản trị. Ảnh: V.D

Bên cạnh đó, ông Ngô Trí Dũng còn là cổ đông lớn nhất của Công ty Cổ phần vườn thú Mỹ Quỳnh với 80% cổ phần trong tổng vốn 100 tỷ đồng.

Một lĩnh vực kinh doanh truyền thống của ông Trầm Bê và gia đình là nông nghiệp với Công ty cổ phần Chế biến thủy hải sản Sơn Sơn. Công ty này do con trai ông Trầm Bê là Trầm Trọng Ngân làm Chủ tịch HĐQT với chuyên ngành chính là chiếu xạ thanh long xuất khẩu.


Ván cờ ngân hàng 13 năm của đại gia Trầm Bê 13 năm tham gia lĩnh vực ngân hàng, ông Trầm Bê đã có những nước cờ lỗi và phải trả giá, mặc dù "thế trận" đại gia này tạo ra tốt ở một vài thời điểm.

Tác giả: Bình Nguyên

Nguồn tin: zing.vn

  Từ khóa: Trầm Bê , Sacombank

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok