Trong những ngày trực theo dõi kì thi THPT Quốc gia 2018 cùng phụ huynh đợi chờ thí sinh trước cổng trường, mặc mưa nắng vẫn kiên trì đợi con, tôi mới phần nào thấu hiểu hết cái cảnh, bố mẹ ngóng con qua song cửa cổng trường từng giờ từng khắc một. Tâm trạng vừa lo lắng, sốt ruột tự hỏi, không biết con mình làm bài thế nào, lại vừa thầm cầu nguyện cho con được thi cử đỗ đạt. Sĩ tử chiến đấu trên “trang giấy”, bố mẹ chiến đấu trên “mặt đường”, chỉ cốt lo cho con được ăn học đến nơi đến chốn, không vất vả.
Và hình ảnh cụ ông Trần Văn Đức, ngoài 80 tuổi, đứng trước cổng trường, ngóng cháu đi thi, làm tôi rất ấn tượng vô cùng. Một ông cụ già, dáng người nhỏ, da nhăn nheo, xạm đen vì cháy nắng; ông đội chiếc mũ bảo hiểm đã cũ, đi chiếc xe máy rỉ sét, có lẽ cũng theo ông tới mấy chục năm rồi.
Cụ ông Trần Văn Đức, 80 tuổi.
Ông Đức bộc bạch: “Tôi đưa cháu nội đi thi, bố mẹ cháu đi làm xa, tôi nuôi 2 chị em nó từ hồi “đỏ hỏn”. Lo cho các cháu từ miếng ăn giấc ngủ, giờ đây tôi đã quá già rồi, mắt kém, tay run nên cũng chỉ lo được cho nó vậy thôi. Còn lại phải nhờ vào số trời, có thương thì cho nó được thành người tử tế."
"Sống xa bố mẹ từ bé, nên nó rất tự lập, ông bà cũng được nhờ phần nào. Nhiều khi biết cháu thiếu thốn tình cảm, nên ông cũng giữ luôn vai trò như một người cha, đồng hành cùng cháu mọi lúc, mọi nơi" - ông Đức cười nói.
Dù đã ở cái tuổi phải nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già, nhưng ông Đức vẫn luôn tất bật chạy đôn, chạy đáo từ vài năm trước để nghe tư vấn chọn trường, chọn khối thi cho cháu. “Ông nghe đài, đọc báo, sưu tầm tờ rơi của các trường để xem và định hướng phù hợp với lực học của cu cậu. Cũng chỉ mong sao cho cháu được “đổi đời”, không vất vả lao động chân tay khổ cực như ông bà, như bố mẹ nó là điều ông kì vọng nhất bây giờ”.
Ông Đức chăm chú đọc thông tin tư vấn của các trường Đại học , Cao đẳng.
Ông Đức chia sẻ: “Nhà tôi ở Thái Hà (quận Đống Đa, Hà Nội - PV), gần trường cháu thi, nhưng không thể yên tâm ở nhà được. Những ngày cháu đi thi, lòng tôi nóng như lửa đốt. Đã 3 đêm rồi, trằn trọc mất ngủ cùng cháu vượt qua kì thi với hi vọng đổi đời.
Cháu vượt vũ môn nên cả nhà tập trung dốc toàn lực vào cháu. Từ giờ giấc, ngủ nghỉ… đều phải theo sát cu cậu từng tí một. Kì vọng là vậy, nhưng chưa một lần ông gây áp lực với cậu cháu trai của mình. Ông vẫn luôn động viên cháu, Học gì cũng được, làm gì cũng được nhưng phải luôn giữ chữ Nhân, chữ Hiếu mới thành người tài được”, ông Đức trầm ngâm kể.
Đôi mắt ông đã quá mờ, vừa nói chuyện, ông vừa đưa tay lên dụi mắt vài lần, hành động cứ như vậy lặp đi lặp lại 5, 6 lần. Thế nhưng ,chưa một phút nào ông rời mắt khỏi phía cánh cổng trường vẫn im lặng đóng đằng xa kia. Tôi tin ánh mắt đó không chỉ đơn giản là ánh mắt đợi chờ, mà đón còn là ánh mắt của sự hi vọng, ngóng đợi tin vui của cháu trai mình.
Kết thúc giờ thi, đứa cháu Nguyễn Văn Lân chạy ra, nhìn thấy cháu, ông vội hỏi “Đã đói chưa cu? Con làm được bài không?”. Cậu cháu nhoẻn miệng cười thông báo tin vui làm bài tốt cho ông nội mình.
Ông Đức đã quá già để hỏi tỉ mì về mặt kiến thức, nhưng tin vui ấy có lẽ đã đủ làm tâm trí ông sáng bừng lên hi vọng vào một điều tốt đẹp sẽ đến với cậu cháu nội của mình.
Tác giả: Hà Cường
Nguồn tin: Báo Dân trí