Giáo dục

Bài thi THPT Quốc gia 2017 được chấm như thế nào?

Năm nay, chỉ có môn Ngữ văn là huy động cán bộ chấm thi. Còn lại tất cả các môn trắc nghiệm đều do máy chấm.

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 có điểm mới so với mọi năm là Bộ GD-ĐT tổ chức thi 5 bài thi gồm 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học); Khoa học xã hội (tổ hợp các môn: Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân; riêng thí sinh GDTX chỉ thi Lịch sử, Địa lí).

Tất cả các môn đều thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, riêng môn Ngữ văn thi theo hình thức Tự luận. Đây là lần đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức thi theo bài và có dạng bài thi tổ hợp gồm nhiều môn học và cũng là lần đầu tiên, môn Giáo dục công dân được đưa vào kỳ thi.

Đến nay, công tác chấm thi đang được các tỉnh, thành thực hiện hết sức khẩn trương để dự kiến đến ngày 7/7 là có thể công bố điểm thi tới tất cả thí sinh. Năm nay, có một sự thay đổi là Bộ GD-ĐT giao cho các Sở GD-ĐT các địa phương phối hợp với các trường phổ thông, đại học tổ chức coi thi và chấm thi.

Chia sẻ về cách thức chấm thi, PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, Bộ GD-ĐT đã thành lập 63 đoàn thanh tra, giám sát việc chấm thi. Khi tổ chức thi, ĐH Bách Khoa Hà Nội đã cử 800 cán bộ tham gia vào công tác này nhưng đối với công tác chấm thi, nhà trường chỉ cử 2 cán bộ đến tỉnh Quảng Ninh tham gia với tư cách giám sát việc chấm bài.

Các năm trước, bài thi Ngữ văn trùng với môn thi Ngữ văn, bài thi Toán trùng với môn thi Toán… Năm nay, bài thi tổ hợp gồm 3 môn thi. Ví dụ, thí sinh đăng ký tổ hợp Khoa học tự nhiên gồm các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học thì sẽ có điểm tổ hợp của 3 môn thi này cộng lại.

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016


Bài thi trắc nghiệm được chấm trên máy tính có độ chính xác cao

Năm nay, chỉ có môn Ngữ văn là huy động cán bộ chấm thi. Còn lại tất cả các môn trắc nghiệm đều do máy chấm. Các trường ĐH có thể dựa vào điểm thành phần của 2 môn trong tổ hợp kết hợp với điểm môn thi bắt buộc để chọn lựa thí sinh vào trường.

Theo PGS.TS Trần Văn Tớp, bài thi trắc nghiệm được chấm trên máy tính. Cán bộ chấm thi sẽ lấy các bài thi để scan như photocoy và tạo thành ảnh. Sau đó, cán bộ chấm thi căn chỉnh ở trên máy và để máy nhận dạng số báo danh, mã đề của thí sinh. Nếu thí sinh có đáp án đúng thì máy sẽ cho điểm. Tiếp theo là đến công đoạn máy sẽ ghép số báo danh với cất dữ liệu của thí sinh. Quá trình chấm thi sẽ diễn ra nhanh, nếu chấm khoảng 10.000 bài thì chỉ trong vài ngày.

Là trường chỉ có thể chấm một số môn Khoa học tự nhiên như Toán, Vật lý, ông Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng ĐH Thương mại cho biết, việc chấm thi các môn Khoa học xã hội năm nay chủ yếu vẫn do các Sở GD-ĐT ở các địa phương đảm nhiệm là chủ yếu.

Quá trình chấm thi hoàn toàn được bảo đảm nghiêm ngặt, đúng quy chế và khách quan. Không chỉ có các Sở GD-ĐT tham gia chấm thi mà còn có sự giám sát từ phía các trường ĐH, CĐ. Các đoàn thanh tra của Bộ GD-ĐT cũng tham gia vào công tác này.

Nếu việc chấm bài thi tự luận là có thể do nhận xét, cách chấm của từng giáo viên khác nhau nhưng đối với các môn thi trắc nghiệm thì được chấm trên máy tính, đã có đáp án thì không thể nhầm lẫn được. Vì vậy, phụ huynh và thí sinh hoàn toàn có thể yên tâm đối với công tác chấm thi./.

Các mốc thời gian thí sinh cần lưu ý:

Ngày 7/7: Hội đồng thi công bố và thông báo kết quả cho thí sinh.
Từ 8 đến hết 17/7: Đơn vị đăng ký dự thi thu nhận đơn phúc khảo và lập danh sách phúc khảo kể từ ngày công bố kết quả thi.
Ngày 14/7: Là thời hạn các Sở GD - ĐT công bố kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh. Ngày 15/7: Dự kiến các thí sinh bắt đầu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển Đại học trực tuyến và trực tiếp bằng phiếu.
Ngày 17/7: Là thời hạn Hiệu trưởng các trường THPT cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, trả học bạ và các loại giấy chứng nhận (bản chính) cho thí sinh và gửi giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh.
Ngày 24/7: Là thời hạn các Hội đồng thi phải hoàn thành tổ chức phúc khảo bài thi (nếu có).
Ngày 26/7: Là thời hạn các Sở GD- ĐT hoàn thành việc xét công nhận tốt nghiệp THPT sau phúc khảo.
Từ 28-30/7: Các trường ĐH, CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên sẽ có 3 ngày để thực hiện quy trình xét tuyển đợt I
Trước 1/8: Các trường công bố kết quả đợt I xét tuyển vào ĐH.
Hết 7/8: Thí sinh xác nhận nhập học đợt I bằng cách nộp giấy chứng nhận kết quả thi bản gốc duy nhất được cấp.
Từ 13/8: Các trường ĐH bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển đợt bổ sung

Tác giả: Bích Lan

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok