Chiều 28/11, tại buổi tiếp xúc của Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố với cử tri quận 7, bà Lê Thị Liên Minh bày tỏ vui mừng khi Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù phát triển TP HCM vừa được Quốc hội thông qua.
Theo bà Minh, đây là điều người dân thành phố rất tâm đắc và tin rằng thành phố sớm trở thành đầu tàu phát triển kinh tế và các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, bà cũng lo lắng khi TP HCM có những ưu tiên về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… thì người dân các tỉnh khác sẽ đổ về làm việc, sinh sống.
"Đã có dự báo nguy cơ nếu dân số thành phố tăng lên 15 triệu thì sẽ là thảm họa. Để không tăng vọt về dân số, không chỉ là vấn đề của TP HCM mà đề nghị cả nước phải đồng hành trong việc thực hiện cơ chế đặc thù", bà Minh đặt vấn đề.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với cử tri quận 7. Ảnh: Tuyết Nguyễn. |
Cùng mối quan tâm, cử tri Nguyễn Xuân Mừng cũng nêu thắc mắc xung quanh việc TP HCM sẽ tăng một số loại thuế và áp dụng một số phí, thuế mới theo Nghị quyết về cơ chế đặc thù vừa được Quốc hội thông qua.
"Người dân chúng tôi bên cạnh sự phấn khởi cũng đang lo lắng, không biết thành phố sẽ tính toán, tăng thu phí kiểu gì và ảnh hưởng đến đời sống của bà con, doanh nghiệp thế nào", ông Mừng nói và đề nghị thành phố cần đẩy mạnh việc giao đất, trụ sở của các cơ quan trung ương không sử dụng, để TP HCM thực hiện quy hoạch, tạo nguồn lực phát triển.
Nhiều cử tri khác cũng nêu ý kiến xung quanh thực hiện Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho TP HCM, góp ý về việc phòng chống tham nhũng, quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông ở thành phố...
Trả lời các kiến nghị của cử tri, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết TP HCM có 4 cam kết khi thực hiện cơ chế đặc thù để phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả hơn vì cả nước.
Đó là duy trì mức tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động cao; duy trì mức đóng vào ngân sách trung ương tỷ lệ luôn gấp 3 so với tỷ lệ dân số (hiện TP HCM đóng 28% ngân sách, dân số chiếm khoảng 9% cả nước); không làm ảnh hưởng kế hoạch ngân sách trung hạn cả nước.
Theo ông Nhân, từ sau năm 1975 dân số thành phố tăng đều một triệu người theo chu kỳ 7-8 năm. TP HCM chưa từng làm và rất khó để ngăn người dân các tỉnh đến vì xu thế người dân thích sống ở đô thị, không thể thay đổi được.
"Để ứng phó với việc gia tăng dân số, thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp, mà nổi bật nhất là xây dựng đô thị thông minh, đảm bảo đời sống người dân tốt hơn", ông Nhân nói.
Bí thư TP HCM cũng cho biết còn có một loạt giải pháp khác như, liên kết với các tỉnh miền Đông, Tây Nam bộ, Tây Nguyên, để giúp ngành trồng trọt, chăn nuôi ở các tỉnh phát triển cao. Trong đó, thành phố là trung tâm khoa học công nghệ, cung cấp giống, cũng như hỗ trợ tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm.
"Khi thu nhập người dân các tỉnh tăng cao, họ sẽ không còn đổ về thành phố tự nhiên nữa", ông Nhân nhận định.
Cử tri Nguyễn Xuân Mừng đặt câu hỏi về việc TP HCM sẽ tăng một số thuế phí. Ảnh: Tuyết Nguyễn. |
Về lo ngại thành phố có thể tăng một số thuế và phí, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết "không phải tăng thu với tất cả mà sẽ chọn lọc" với một số loại hàng hóa đặc biệt như thuốc lá, để không khuyến khích tiêu thụ, bảo vệ môi trường.
"Phí cũng vậy, ví dụ một số phí xử phạt trong giao thông chưa có tác dụng nên có thể nâng lên. Điều chỉnh mạnh đối với một số hành vi để thành phố trật tự hơn, đẹp hơn", ông nói.
Người đứng đầu Thành ủy TP HCM cũng cho biết, thành phố đang nghiên cứu, đánh giá việc tăng một số loại thuế phí, tìm mặt tốt và chưa tốt, để từ năm 2018 tăng theo lộ trình. Trước khi thông qua, đề án sẽ được trình HĐND, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
Tác giả: Tuyết Nguyễn
Nguồn tin: Báo VnExpress