Trong nước

Ông Nguyễn Thiện Nhân muốn người dân tham quan nhà máy xử lý nước thải

Bí thư Thành uỷ TP HCM gợi ý chủ đầu tư nhà máy xử lý nước thải Tham Lương – Bến Cát tham gia các công trình khác ở thành phố.

Chiều 21/10, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân làm việc với Nhà máy xử lý nước thải lưu vực Tham Lương – Bến Cát.

Ông Lê Thanh - Giám đốc kỹ thuật Công ty CP đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền (chủa đầu tư) cho biết, nhà máy được thiết kế hệ kín bằng năng lượng mặt trời, có bể tự hoại xử lý phân bùn nên tiết kiệm chi phí.

"Đây cũng là nhà máy đầu tiên ở TP HCM có nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn Việt Nam cột A, dùng được trong sinh hoạt, không gây ô nhiễm nên có thể xây dựng sát khu dân cư", ông Thanh nói.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân thăm nhà máy xử lý nước thải Tham Lương – Bến Cát. Ảnh: Tuyết Nguyễn.

Nhà máy có vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, được xây dựng theo hình thức đối tác công tư (PPP), có công suất lớn nhất TP HCM. Dự kiến nhà máy xử lý khoảng 6% lượng nước thải của thành phố, cho 700.000 người dân các quận Gò Vấp, Bình Thạnh, quận 12.

Quy hoạch ban đầu nhà máy cần 25 ha đất, nhờ áp dụng công nghệ mới, dự án điều chỉnh chỉ còn 4,85 ha; chỉ phải di dời 77 hộ dân thay vì 241 hộ như dự kiến.

Tuy nhiên, nhà máy chưa hoạt động hết công suất, do dự án thu gom nước thải về đây xử lý của chủ đầu tư khác trị giá 500 triệu USD bị dừng. Nên nhà máy Tham Lương – Bến Cát hiện chỉ tạm xử lý nước thải cho một số khu vực lân cận.

TP HCM đang tính toán một số phương án, để đưa nước thải về nhằm tăng công suất cho nhà máy. Sau khi nhà máy vận hành 2 năm, sẽ nghiệm thu đánh giá bàn giao cho Trung tâm chống ngập TP HCM theo đúng hợp đồng.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao công nghệ hiện đại của nhà máy, thấy rõ tiết kiệm đất, chi phí đầu tư, chất lượng nước đầu ra cũng tốt hơn. Ông đề nghị chủ đầu tư cam kết về chất lượng công trình, đề xuất giải pháp tham gia đấu thầu các công trình xử lý nước thải ở các lưu vực khác.

Sở Tài nguyên và Môi trường được yêu cầu đo đạc, kiểm tra cả nước thải lẫn mùi, đảm bảo chất lượng công trình ngay từ đầu.

"Dự án đã gợi cho thành phố áp dụng giải pháp công nghệ giải quyết rác thải, chất thải trong thời gian tới. Mỗi tháng nhà máy mở cửa cho người dân vào tham quan, để bà con xung quanh không phải lo lắng về vấn đề môi trường", Bí thư thành phố đề nghị.

Theo Trung tâm chống ngập, TP HCM có 13 lưu vực cần xử lý nước thải. Ngoài nhà máy Tham Lương – Bến Cát đã xây dựng, còn 12 nhà máy rất cần xã hội hóa để giảm bớt gánh nặng ngân sách, cũng như không phải vay vốn ODA.

Theo ông Thanh, để xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, khó khăn nhất là việc đền bù giải phóng mặt bằng. Với kinh nghiệm đã có, trước mắt công ty Phú Điền đề xuất đầu tư công nghệ xây nhà máy xử lý nước thải Tân Hoá - Lò Gốm.

Với công nghệ cũ, nhà máy Tân Hóa – Lò Gốm cần đến 77 ha đất nên phải đặt cách xa trạm bơm nước thải đã xây khoảng 14 km mới đủ đất xây dựng. Công ty Phú Điền cho rằng áp dụng công nghệ như ở nhà máy Tham Lương – Bến Cát, nhà máy xử lý nước thải Tân Hoá - Lò Gốm chỉ cần khoảng 3 hecta và có thể bố trí gần trạm bơm nước thải đã xây dựng.

Giải pháp này có thể tiết kiệm hàng trăm triệu USD chi phí đầu tư và vận hành đường ống chuyển tải.

Tác giả: Tuyết Nguyễn

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok