Pháp luật

Ông Nguyễn Đức Chung: 'Cuộc đời tôi chưa bao giờ bàn bạc với ai để lấy 1 đồng của Nhà nước'

Cựu chủ tịch Hà Nội đưa ra 13 luận điểm phản bác cáo buộc của cơ quan truy tố và cho rằng mình bị oan. Trong khi đó hai bị cáo còn lại khai việc mua bán chế phẩm xử lý nước ao hồ ô nhiễm là theo chỉ đạo từ ông Nguyễn Đức Chung.

Các bị cáo tại tòa - Ảnh: NAM ANH

Phiên tòa xét xử cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung sáng 10-12 kéo dài đến hơn 12h trưa và hội đồng xét xử lần lượt xét hỏi cả ba bị cáo.

Sau khi viện kiểm sát công bố cáo trạng, chủ tọa yêu cầu các bị cáo vào khu vực cách ly để xét hỏi từng người.

Ông Chung: "Truy tố tôi tội lợi dụng chức vụ là bị oan"

Là bị cáo cuối cùng được đưa từ khu vực cách ly vào phòng xử để trả lời thẩm vấn, trong hơn 30 phút trình bày, cựu chủ tịch Hà Nội liên tục phản bác các cáo buộc trong cáo trạng của viện kiểm sát.

Ngay khi được tòa cho phép trình bày, ông Nguyễn Đức Chung đã khẳng định "việc truy tố tôi tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn là oan".

Ông Chung cho biết suốt quá trình điều tra và trước phiên xử đã gửi nhiều đơn khiếu nại đến các cơ quan tố tụng.

Khi ông Chung trình bày về nội dung trong các đơn này thì hội đồng xét xử ngắt lời và cho biết đã đọc những bản kiến nghị, khiếu nại của ông trong quá trình điều tra cũng như trước khi xét xử. "Bản nào ngắn nhất là 10 trang, dài nhất là 38 trang nếu như hội đồng xét xử nhớ không nhầm" - chủ tọa phiên tòa nói.

Tiếp tục trả lời thẩm vấn, ông Nguyễn Đức Chung viện dẫn cáo trạng và kết luận điều tra nêu thông báo năm 2016 do chánh văn phòng UBND TP Hà Nội thừa lệnh chủ tịch ký ban hành, và kết luận ông giao Công ty Thoát nước đàm phán mua trực tiếp chế phẩm từ hãng của Đức.

Ông Chung phản bác cáo buộc này, khẳng định không giao Công ty Thoát nước đàm phán như cáo buộc và đề nghị tòa công bố nội dung của thông báo.

Ông Chung cũng phủ nhận cáo buộc đã tạo điều kiện cho Công ty TNHH thương mại dịch vụ Arktic của Nguyễn Trường Giang, được làm đại lý độc quyền cho doanh nghiệp là Watch Water (Đức) để bán chế phẩm xử lý nước ô nhiễm.

"Tôi là chủ tịch thành phố, quá trình điều hành tôi kết nối cho rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tiêu thụ hàng hóa và kết nối với doanh nghiệp nước ngoài. Quyền chọn đại lý độc quyền là của doanh nghiệp của Đức chứ không phải khả năng của tôi. Việc kết nối để làm đại lý độc quyền là năng khiếu, khả năng của Giang chứ không phải do tôi" - ông Chung nói.

Ông Chung khẳng định không chỉ đạo ông Võ Tiến Hùng mua chế phẩm Redoxy-3c qua Công ty Arktic như cáo trạng truy tố. Ông khai được ông Hùng nhờ gọi điện cho Giang hỏi về chế phẩm nên "liên hệ hộ", còn việc đàm phán mua bán như thế nào thì "bị cáo không biết".

"Hoạt động của Công ty Thoát nước thì quyền quyết định là chủ tịch hội đồng thành viên, người đại diện pháp luật chứ chủ tịch Hà Nội không có quyền can thiệp và chỉ đạo gì… Cáo trạng quy kết chỉ dựa vào câu nói của Võ Tiến Hùng, lời khai của phó chủ tịch Nguyễn Thế Hùng mà cho rằng tất cả là làm theo chỉ đạo của tôi.

Cơ quan nhà nước là làm theo văn bản, giả sử tôi cho chỉ đạo thì Tiến Hùng phải có đề xuất. Tôi không có văn bản gì mà lại quy kết cho tôi chỉ đạo" - ông Chung nói.

Ông Chung được cảnh sát áp giải vào phòng xử - Ảnh: DANH TRỌNG

"Tôi rất đắm đuối với việc xử lý nước ô nhiễm"

Cựu chủ tịch Hà Nội cho biết băn khoăn lớn nhất của ông là quy kết thiệt hại của vụ án. Theo ông Chung, việc chọn đại lý độc quyền phân phối chế phẩm xử lý nước sạch hoàn toàn là do doanh nghiệp nước ngoài chứ "tôi hay ai cũng không thể can thiệp được".

Ông Chung khai biết rõ ông Tiến Hùng đàm phán, nhưng doanh nghiệp nước ngoài họ không bán chế phẩm cho Công ty Thoát nước. Do đó việc Giang nhập về là theo quy định pháp luật, cũng phải bỏ tiền, chi phí và phải có lợi nhuận.

Ông Chung đề nghị hội đồng xét xử xem xét lại cáo buộc từ cơ quan truy tố về việc mua chế phẩm giá cao hơn thực tế và gây thiệt hại.

"Tôi khẳng định với hội đồng xét xử tôi rất đắm đuối và rất muốn Công ty Thoát nước được mua chế phẩm từ doanh nghiệp của Đức. Do đó viện kiểm sát quy kết 36 tỉ công ty hưởng lợi là thiệt hại cho UBND TP Hà Nội thì cần phải xem xét lại" - ông Chung đề nghị.

Về vấn đề Công ty Akrtic có liên quan đến gia đình ông Chung, cựu chủ tịch Hà Nội nói "đến nay tại phiên tòa này tôi cũng nhận thấy phần trách nhiệm của mình với vợ con".

Ông Chung khai ban đầu công ty do con trai mình và một người khác lập. Tuy nhiên sau đó ông không muốn con trai mình tham gia công ty và đã yêu cầu con đi du học.

"Tôi không tham gia điều hành góp tiền một thứ gì và không bàn bạc một cái gì với Giang về những vấn đề trong công ty này. Tôi khẳng định nếu như tôi biết công ty là của con trai tôi ngay từ đầu thì chắc chắn không bao giờ có chuyện Giang bước được một chân vào cửa nhà tôi.

Chắc chắn Giang không bao giờ được làm một thứ gì bởi vì cuộc đời tôi chưa bao giờ bàn bạc với ai làm cái gì để tính toán, lấy một đồng của nhà nước" - ông Chung khẳng định.

"Công ty mua hay bán sản phẩm gì đều theo chỉ đạo của anh Chung’

Trong khi đó, Nguyễn Trường Giang khai tại tòa rằng không mua bán cổ phần tại Công ty Akrtic, mà được sang tên cổ phần từ vợ của ông Chung. Giang nắm giữ 95% cổ phần nhưng tất cả đều là được chuyển nhượng và Giang chỉ đứng trên giấy tờ, chứ thực tế không tham gia góp vốn.

Giang khai toàn bộ quá trình nhập chế phẩm là do ông Chung yêu cầu chỉ đạo để bán cho Công ty Thoát nước. Những hợp đồng đầu tiên cứ gửi báo giá sang là Công ty Thoát nước ký luôn, sau đó mới có sự thương thảo giữa hai bên về giá.

"Công ty nhập sản phẩm gì từ Đức và bán sản phẩm gì cũng nhận được chỉ đạo từ anh Chung. Các đơn vị của Hà Nội mua sản phẩm đều là do anh Chung giới thiệu. Các sản phẩm nhập về đều theo chỉ đạo của anh Chung nên bán cho đối tác nào cũng đều theo chỉ đạo và giới thiệu của anh Chung.

Số lượng, loại sản phẩm nhập về đều từ chỉ đạo của anh Chung. Thời gian đầu chị Hoa, vợ anh Chung, có chỉ đạo một số công việc, từ sau năm 2016 thì chị Hoa không chỉ đạo" - Giang nói.

Nguyễn Trường Giang cho biết thêm, lợi nhuận của công ty còn được rút ra làm từ thiện, tài trợ cho một số tập thể theo chỉ đạo của ông Chung: "Tổng tiền tài trợ cho các đơn vị hơn 7 tỉ. Tất cả việc làm này là do anh Chung chỉ đạo".

"Theo nhận thức của bị cáo, khi vào công ty làm giám đốc là giúp anh Chung nhập sản phẩm từ Đức về bán. Bị cáo chưa có ý định kinh doanh những sản phẩm này. Bị cáo chưa rút ra một đồng nào lợi nhuận từ công ty", Nguyễn Trường Giang nói và đề nghị hội đồng xét xử xem xét lại tội danh mình bị truy tố.

Tác giả: THÂN HOÀNG - DANH TRỌNG

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok