Nhân ái

Ông lao phổi, cháu bại não sống trong căn nhà tạm bợ

Căn bệnh lao phổi kéo theo những cơn ho dài sặc sụa như đứt hơi khiến ông Phượng gầy rộc. Có lúc mệt quá, hai ngày liền ông không nuốt nổi thứ gì. Thế nhưng điều khiến ông lo lắng nhất là đứa cháu bại não vẫn đang nằm ú ớ trên chiếc giường cũ nát nhiều năm.

Ông Hoàng Cánh Phượng (68 tuổi) và bà Nguyễn Thị Bình (62 tuổi) ở thôn Tiến Mại, xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) có với nhau 6 người con, 5 gái 1 trai.

Vì điều kiện quá khó khăn, ông Phượng đau ốm triền miên nên các con chỉ được học hết cấp 2 rồi đi miền Nam làm ăn kiếm sống. Được vài năm, các con lần lượt lập gia đình rồi đi làm thuê cùng nhau, chỉ có ông bà ở lại.

Ông bà bên căn nhà cũ nát, xập xệ từng tốc mái do bão

“Cách đây 3 năm, con thứ ba nhà tôi là Hoàng Thị Tiềm (30 tuổi) đưa con trai là Hoàng Thiện Ân về ở với ông bà vì thằng Ân bị bệnh chữa hoài không khỏi”. Bà Bình ngậm ngùi cho biết, học xong lớp 9, chị Tiềm đi miền Nam rồi lấy chồng người Thanh Hóa, sinh được cháu Ân. Thế nhưng mới 1,5 tháng, Ân bị sốt, máu tụ trên đầu nên phải mổ.

Mổ được 1 tuần, thấy sức khỏe con cứ yếu dần nên vợ chồng chị Tiềm đưa đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Cứ thế suốt 3 năm liền, bệnh tình chưa lúc nào thuyên giảm.

Đến năm Ân 3 tuổi, tiền bạc đã cạn kiệt, chị Tiềm đưa con về sống cùng bố mẹ. Chồng mới đầu còn gọi điện hỏi thăm, nhưng giờ cũng cắt đứt liên lạc, vợ con sống sao cũng mặc.

“Tôi đã đưa con đi chữa khắp nơi nhưng đều không có tiến triển, từ bé đến giờ cháu chỉ nằm một chỗ, tay chân quờ quạng cả ngày. Mọi ăn uống, sinh hoạt cá nhân đều phải có người phục vụ. Cháu rất hay bị sốt, mỗi lần như thế tôi phải ngâm nước mới hạ sốt được cho cháu”, chị Tiềm kể.

Đang ngồi với chúng tôi nhưng thỉnh thoảng ông Phượng lại đứng bật dậy, lom khom đi ra phía sau nhà ho những cơn sặc sụa kéo dài, mặt mũi tím tái vì khó thở. Ông bảo: “Tôi bị bệnh lao phổi, mấy hôm nay trở gió nên ho rất nhiều. Năm ngoái tôi phải nằm viện thường xuyên, mỗi đợt như thế phải 2- 3 tháng trời. Từ Tết đến giờ có nhiều đêm không ngủ được vì những cơn ho nên rất mệt mỏi, nếu những ngày khỏe tôi có thể ăn được 1 bát cơm, nhưng nếu ho nhiều thì có khi 2 ngày tôi không thể ăn được gì”.

Dù hết lòng cứu con nhưng do nhà nghèo, tiền kiếm ra không đủ cho con chữa bệnh

Ông Phượng bị lao phổi nhưng điều khiến ông lo lắng là đứa cháu khốn khổ bị bại não

Ông bà tuổi đã cao, lại đau ốm liên miên. Cả gia đình sống nhờ vào 2 sào ruộng và 600.000 đồng trợ cấp của cháu Ân. Thỉnh thoảng các con đi làm ăn gửi về được đồng nào thì bà lại chắt bóp mua rau mua mắm.

Những ngày cuối đông, từng đợt gió lùa vào nhà ông bà, xuyên qua khe hở của những tấm ván che lạnh buốt. Mỗi đợt gió qua là mối mọt trên mái nhà lại rụng lả tả xuống nền.

Trong đợt bão số 10 vừa qua, ngôi nhà tốc hết mái, nhà bếp bị sập nên ông bà phải vay tiền, chính quyền địa phương và bà con làng xóm cũng gom góp một ít để sửa sang lại cho gia đình có chỗ tránh mưa tránh nắng. Trước nhà còn một con bò là tài sản quý giá nhất, ông Phượng vay tiền để nuôi, nhưng được mấy năm thì ông ốm nặng quá nên đành bán nốt lấy tiền thuốc thang, nay tiền nợ vẫn chưa trả được.

“Số nợ để chữa bệnh và sửa lại nhà gần 50 triệu, giờ ăn bữa sáng lại lo bữa chiều nên chúng tôi chưa biết xoay xở sao để trả”, bà Bình buồn bã.

Chị Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch hội phụ nữ xã Cao Quảng cho biết: “Đây là hoàn cảnh rất đáng thương, ông bà và cháu lại bệnh tật nên cuộc sống rất vất vả. Giờ chúng tôi cũng chỉ mong các mạnh thường quân giúp đỡ để gia đình sớm vượt qua khó khăn này”.

Mọi đóng góp có thể gửi về:

1. Gửi trực tiếp: Ông Hoàng Cánh Phượng, thôn Tiến Mại, xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình; SĐT chị Tiềm con gái ông Phượng: 0979867099

Tác giả: Hải Sâm

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok