Lớp học tình thương ở ấp Tân Lập (xã Đông Hòa, thị xã Dĩ An, Bình Dương) nép mình giữa nhiều trường đại học trong khu đô thị ĐH Quốc gia TP HCM do ông Huỳnh Văn Phê (69 tuổi, quê Tiền Giang) giảng dạy. Hàng ngày, có khoảng 60 em nhỏ ở lứa tuổi tiểu học đến lớp.
Mọi người thường gọi thầy giáo già là "ông Tư". Thời trẻ ông đi dạy học, sau năm 1975 thì đi làm công nhân. Đến khi 6 đứa con lớn khôn, năm 1994 ông Tư bàn với vợ (cũng là giáo viên) mở lớp tình thương nhằm giúp trẻ nghèo có con chữ.
Lúc đầu, lớp học của ông bà bằng mái lá tạm bợ, sau được chính quyền ấp Tân Lập giúp đỡ xây dựng bằng gạch. Sau hơn 20 năm, tóc dù bạc như màu phấn nhưng ông Tư vẫn say sưa đứng lớp cùng với vợ.
Hơn một năm nay, vợ về quê dưỡng bệnh, ông một mình đứng hai lớp. Một lớp dạy riêng trẻ từ mẫu giáo đến lớp 2. Còn lại là trẻ học lớp 3- 4 vốn do vợ ông dạy. Khi lớp này ra chơi thì ông cho lớp kia học. "Bà ấy dặn tôi khi nào rảnh về quê thăm là đủ, còn thời gian để dạy các cháu", ông Tư chia sẻ.
Học trò của ông đều là con của những gia đình nghèo, theo cha mẹ từ quê lên Sài Gòn mưu sinh.
Ở đây mỗi tháng các em chỉ đóng học phí 15.000 đồng. Số tiền đó dùng mua phấn, sách vở, trả tiền điện nước và trang bị thêm dụng cụ học tập cho lớp học. Nhiều sách vở xài một thời gian dài nên đã cũ, rách.
"Gia đình con ở quê lên Sài Gòn làm ăn được hơn một năm, do chưa có đủ điều kiện nên con được cha mẹ xin vào lớp tình thương của ông Tư. Ở đây tụi con được ông Tư dạy bảo rất tận tình", Thủy Tiên (8 tuổi, học lớp 2) nói.
Vốn là con của dân lao động nên các em tỏ ra hiếu động, nhiều em không chịu học hành, ông Tư phải tận tay kèm cặp riêng. Ông tâm sự, dạy bọn trẻ nhỏ rất mệt nhưng vì yêu nghề và không nỡ để các em chịu cảnh thất học nên ông không thể bỏ lớp.
Bọn trẻ quý ông Tư, xem lớp học tình thương như mái nhà thứ hai. Ông thường dặn các bé rằng mình chỉ là người giúp trẻ được học chứ không phải là thầy giáo. Vì vậy, bé nào cũng xưng hô là "ông Tư". Trong ảnh, bé Nguyễn Hoàng Duy (6 tuổi) lễ phép chào khi tan học.
Lớp học 15.000 đồng của ông Tư mở từ thứ 2 đến thứ 6 và chỉ dạy trong buổi sáng. "Tôi ở Phan Rang mới vô, giờ bán bánh canh ở làng đại học. Mấy đứa con chưa có tạm trú, nhà lại khó nên không xin đi học được. May nhờ có lớp tình thương của ông Tư", chị Phạm Thị Thanh Hằng (35 tuổi) chia sẻ.
Khi lớp tan học hết, người giáo già lại lặng lẽ soạn giáo án ngay tại lớp học. Điều ông lo là khu đất của ông thuộc ĐH Quốc gia nên có thể sẽ giải tỏa, khi ấy ông không biết lớp tình thương sẽ đi về đâu.
Căn nhà nhỏ cũ kỹ của ông ở cạnh lớp học, trong phòng treo nhiều bằng khen cho thành tích giáo dục của hai vợ chồng. Từ ngày vợ về quê, ông chỉ ăn cơm bụi. Sau giờ dạy học, ông chỉ ở nhà đọc báo, nghỉ ngơi.
Tác giả bài viết: Quỳnh Trần
Nguồn tin: