Pháp luật

Ông Đinh La Thăng phải bồi thường 600 tỷ đồng

Theo bản án sơ thẩm của TAND Hà Nội, ông Đinh La Thăng bị phạt 18 năm tù do phạm tội cố ý làm trái và phải bồi thường 600 tỷ đồng cho Tập đoàn Dầu khí.

Sau hai tiếng đọc bản án, chiều nay TAND Hà Nội tuyên bị cáo Đinh La Thăng (cựu chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí - PVN) đã phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165 Bộ luật Hình sự 1999).

Cùng tội danh, ông Nguyễn Xuân Sơn (cựu phó tổng giám đốc) bị phạt 30 tháng tù, Ninh Văn Quỳnh (cựu kế toán trưởng) 7 năm tù. Các cựu thành viên Hội đồng Thành viên PVN là Vũ Khánh Trường bị phạt 5 năm, Phan Đình Đức 15 tháng cải tạo không giam giữ, Nguyễn Thanh Liêm 22 tháng tù cải tạo không giam giữ, Nguyễn Xuân Thắng 22 tháng tù.

Riêng ông Ninh Văn Quỳnh còn bị phạt 16 năm tù về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (điều 280 Bộ luật Hình sự 1999). Tổng hợp mức án là 23 năm.

Toà án cho rằng ông Thăng phải nhận hình phạt cao hơn các bị cáo khác "mới là phù hợp".

Ông Thăng phải bồi thường 600 tỷ đồng cho PVN, ông Ninh Văn Quỳnh bồi thường 100 tỷ, ông Vũ Khánh Trường 40 tỷ, các bị cáo còn lại mỗi người 15 tỷ.

Ngoài ra, tòa cho rằng về nguyên tắc ông Quỳnh phải bồi thường 20 tỷ cho Oceanbank nhưng bản án sơ thẩm cuối năm 2017 đã tuyên ông Sơn bồi thường 197 tỷ cho Oceanbank nên tòa tuyên ông Quỳnh trả 20 tỷ cho ông Sơn. Do bản án này bị các bị cáo chống án, ông Sơn chưa bồi thường cho Oceanbank nên 20 tỷ sẽ tiếp tục bị thu giữ.

Ông Đinh La Thăng. Ảnh: TTXVN.

Theo bản án, qua năm ngày xét xử, quá trình thẩm vấn thể hiện, từ tháng 9/2008, ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo và quyết định để tập đoàn này góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank).

Ông Thăng biết rõ năng lực yếu kém của Oceanbank, biết theo các quy định pháp luật khi muốn đầu tư vốn để trở thành cổ đông chiến lược của tổ chức tín dụng này phải báo cáo xin chủ trương và được sự đồng ý của Thủ tướng. Tuy nhiên, cựu chủ tịch PVN đã cố ý không thực hiện và chỉ đạo cấp dưới thực hiện trái các quy định của Nhà nước.

Ông Thăng bị cho rằng đã thực hiện nhiều vi phạm sau đó mới báo cáo Thủ tướng và các cơ quan có liên quan nhằm hợp thức hóa. Các bị cáo Vũ Khánh Trường, Nguyễn Thanh Liêm, Nguyễn Xuân Thắng, Phan Đình Đức lúc ấy là thành viên HĐTV PVN cùng ông Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh (thời điểm đó giữ chức Phó tổng giám đốc và Kế toán trưởng) đã thực hiện chỉ đạo và chủ trương của ông Thăng.

Do Oceanbank mắc nhiều sai phạm và bị Ngân hàng Nhà nước mua lại giá 0 đồng vào giữa năm 2015, 800 tỷ đồng vốn góp của PVN bị mất. Nguyên nhân dẫn đến thiệt hại 800 tỷ đồng, theo nhà chức trách do hành vi trái pháp luật của ông Đinh La Thăng và các bị cáo đồng phạm.

Toà nhận định từ lần ký thỏa thuận, ông Thăng đã không xin ý kiến Thủ tướng, không thông qua HĐQT. Những lần góp vốn 400 tỷ, 300 tỷ (đợt 1 và 2) cũng không chờ ý kiến của Chính phủ.

Từ kết quả điều tra và xét hỏi, TAND Hà Nội cho rằng có đủ cơ sở kết luận ông Đinh La Thăng có thẩm quyền cao nhất tại PVN, có trách nhiệm quản lý, bảo toàn và phát triển vốn do Nhà nước giao, nhưng đã chỉ đạo và quyết định góp vốn vào Oceanbank trái quy định của pháp luật.

Lợi nhuận của Oceanbank là ảo

Theo bản án, lần thứ ba, PVN góp 100 tỷ, nâng số tiền vốn ở Oceanbank lên 800 tỷ. Việc này được các thành viên Hội đồng thành viên PVN là Nguyễn Xuân Thắng, Vũ Khánh Trường, Nguyễn Thanh Liêm đã biểu quyết đồng ý, sau đó ông Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh ký duyệt chi tiền. Đợt góp vốn này đã làm số vốn của PVN chiếm 20% vốn điều lệ Oceanbank - trái quy định của luật về tín dụng chỉ cho phép tối đa 15%.

Tòa kết luận, ông Thăng dù đi công tác vào lúc nghị quyết góp vốn lần ba được ký nhưng sau khi về đã biết mà không có chỉ đạo gì, lại quyết định cử người đại diện 20% vốn của PVN ở Oceanbank. Như vậy xuyên suốt từ chủ trương, đến ba lần góp vốn, PVN đã mất 800 tỷ khi Oceanbank làm ăn thua lỗ. Hành vi của ông Thăng là cố ý làm trái.

Theo toà, quan điểm cho rằng PVN không có thiệt hại trong hành vi góp vốn vì vẫn được chi cổ tức hàng năm là không có căn cứ. Bởi báo cáo của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước cho thấy Oceanbank làm ăn lỗ ở thời gian PVN góp vốn. "Báo cáo tài chính hàng năm của ngân hàng này là không chính xác, phản ánh không trung thực hiện trạng kinh doanh. Lợi nhuận của PVN theo báo cáo tài chính của Oceanbank là ảo", bản án nêu.

PVN không thể rút lại 800 tỷ đồng vì Oceanbank không có tiền trả

Toà bác quan điểm bào chữa cho rằng PVN mất 800 tỷ là do Oceanbank bị Ngân hàng Nhà nước mua bắt buộc giá 0 đồng. Toà khẳng định PVN mất vốn do hành vi làm trái của các bị cáo.

Việc kiến nghị xem xét quyết định mua 0 đồng của Ngân hàng Nhà nước với Oceanbank, theo HĐXX không đồng nghĩa với "việc mua này là sai và vốn điều lệ của Oceanbank" vẫn còn.

Bản án cho rằng giả sử Chính phủ đồng ý cho PVN thoái vốn thì Oceanbank cũng không có khả năng trả. "Mà giả sử PVN thoái vốn thành công thì thiệt hại cũng chuyển sang cho một công ty khác mà thôi", TAND Hà Nội nhận định.

Theo bản án, trong thời gian làm kế toán trưởng, ông Ninh Văn Quỳnh còn lạm dụng chức vụ quyền hạn để nhận 20 tỷ đồng từ Nguyễn Xuân Sơn. Ông Quỳnh biết rõ tiền gửi của PVN làm lợi cho Oceanbank vì thế mà ông được nhận "lót tay".

Toà án xác định ông Vũ Khánh Trường với cương vị thành viên HĐTV đã cố ý làm trái, gây thiệt hại cho PVN 400 tỷ đồng. Ông Nguyễn Xuân Sơn vi phạm quy chế tài chính công ty mẹ, gây thiệt hại cho PVN 100 tỷ.

Bị cáo Nguyễn Xuân Thắng trực tiếp ký nghị quyết góp vốn lần ba 100 tỷ đồng, gây thiệt hại toàn bộ số tiền này. Bị cáo Nguyễn Thanh Liêm đã tham gia biểu quyết đồng ý để PVN góp thêm 100 tỷ nâng tổng vốn lên 800 tỷ. Sau khi biểu quyết, ông Liêm bỏ mặc cho ban tài chính kế toán chuyển tiền...

Ông Thăng được hưởng tình tiết giảm nhẹ do nhân thân tốt, từng giữ vị trí cao

Bản án nhận định, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến hoạt động quản lý kinh tế, xâm hại nghiêm trọng tới quản lý tài sản công, ảnh hưởng tới niềm tin của quần chúng nhân dân, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho nhà nước.

Ngoài ra hành vi chiếm đoạt tiền của ông Ninh Văn Quỳnh xâm hại nghiêm trọng tính liêm minh của công chức...

Về nhân thân, ông Thăng giữ vai trò chính trong vụ án, đưa ra chủ trương cho người khác phạm tội, gây thiệt hại lớn song nhân thân tốt, giữ vị trí cao trong công tác có nhiều thành tích nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ.

Hành vi của ông Ninh Văn Quỳnh cũng bị cho là đặc biệt nghiêm trọng nhưng nhân thân tốt, nhiều thành tích, công lao, thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả.

Các ông Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Thanh Liêm, Nguyễn Xuân Thắng, Phan Đình Đức bị xác định có vai trò đồng phạm trong hành vi cố ý làm trái. Các bị cáo đều có nhân thân tốt, nhiều thành tích trong xây dựng ngành dầu khí, khai báo thành khẩn, gia đình truyền thống cách mạng nên được xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Những người tiếp tục bị điều tra

Các ông, bà Nguyễn Ngọc Sự (cựu phó tổng giám đốc PVN), Hoàng Xuân Hùng, Trần Ngọc Cảnh, Đỗ Văn Đạo, Phan Thị Hòa (cựu thành viên HĐTV), Phùng Đình Thực (cựu tổng giám đốc PVN) được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an kết luận chưa có cơ sở xác định hành vi phạm tội. Nhưng căn cứ kết quả điều tra, VKSND Tối cao thấy có dấu hiệu của hành vi vi phạm cần tiếp tục điều tra làm rõ. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an sau đó đã có quyết định tách hành vi của những người nêu trên để tiếp tục điều tra làm rõ. Bản án tuyên hôm nay cũng đề nghị tiếp tục điều tra.

Theo bản án, khi thực hiện ý kiến chỉ đạo của ông Đinh La Thăng, cựu phó tổng giám đốc Sự đã phân công, chỉ đạo Ban Tài chính kế toán thẩm định, đánh giá hoạt động của Oceanbank.

Ngày 18/9/2008, ông Sự ký văn bản về việc đàm phán với Oceanbank để báo cáo, trình Hội đồng quản trị Tập đoàn xem xét phê duyệt và ký thỏa thuận với Oceanbank. Ngày 29/9/2008, ông Sự ký tiếp báo cáo số 146, trong đó dù báo cáo đánh giá năng lực của Oceanbank yếu nhưng ông Sự vẫn nhận định và đề xuất sự cần thiết tham gia đầu tư của PVN vào Oceanbank để trình HĐQT.

Ngày 23/10/2008 ông này được cử làm người đại diện vốn góp của PVN (12%). Cơ quan tố tụng nhận định việc đánh giá hiệu quả kinh doanh của Oceanbank trước khi tham gia đầu tư góp vốn để tham mưu đề xuất HĐQT/HĐTV quyết định đối với lần góp vốn thứ nhất và thứ hai thuộc trách nhiệm của ông Sự.

Ngoài ra, trong giai đoạn tham gia góp vốn của PVN vào Oceanbank, các thành viên HĐTV gồm Hoàng Xuân Hùng, Trần Ngọc Cảnh, Đỗ Văn Đạo, Phan Thị Hòa, Phùng Đình Thực đã biểu quyết đồng ý trên các tờ trình để làm cơ sở cho ông Đinh La Thăng và ông Vũ Khánh Trường ký Nghị về việc tham gia góp 700 tỷ đồng để nắm giữ 20% vốn điều lệ của Oceanbank, khi chưa có ý kiến của Thủ tướng.

Luật sư Phạm Thanh Bình cho biết, án sơ thẩm 18 năm tù do TAND Hà Nội vừa tuyên, nếu cộng với bản án 13 năm tù trong vụ Cố ý làm trái xảy ra tại PVN và Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) tuyên cuối tháng 1, nếu hai phiên toà sơ thẩm giữ nguyên hình phạt thì ông Thăng phải thi hành tổng cộng 30 năm tù (theo luật, tổng mức án không được quá 30 năm tù).

Tổng số tiền ông Thăng phải bồi thường dân sự ở cả hai vụ là hơn 600 tỷ đồng. Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, ông Thăng sẽ phải thi hành ít nhất một phần ba bản án (10 năm tù) mới được xét giảm án.

Đi kèm với thi hành án giam, nếu ông Thăng bồi thường dân sự trong thời gian thi hành án thì đây sẽ là tình tiết xét giảm thời gian thi hành án. Tuy nhiên, luật không quy định cụ thể bồi thường bao nhiêu tiền thì được giảm án.

Tác giả: Bảo Hà

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok