Pháp luật

Ông Đinh La Thăng - Hà Văn Thắm và cái "bắt tay" 800 tỷ đồng

Ngày 8/12, Cơ quan điều tra, Bộ Công an đã phát đi thông báo việc khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng về những sai phạm làm thất thoát hàng nghìn tỉ đồng tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, trong đó có vụ án liên quan đến cựu Chủ tịch HĐQT ngân hàng Oceanbank - Hà Văn Thắm.

Mất trắng 800 tỷ đồng

Theo thông tin từ Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đang điều tra mở rộng vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), gây thiệt hại 800 tỷ đồng của PVN góp vốn vào Oceanbank.

Khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng.

Theo tài liệu cơ quan chức năng, vào thời điểm giai đoạn năm 2006-2011, khi ông Đinh Thăng làm Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của PVN rồi làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN, lãnh đạo PVN đã ký thỏa thuận với Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Đại Dương - OceanBank) về việc PVN tham gia góp 800 tỷ đồng bằng 20% vốn điều lệ.

Việc góp vốn của PVN tại Oceanbank được chia làm 3 đợt: Cuối năm 2008, PVN góp 400 tỷ đồng; Cuối năm 2010, PVN tiếp tục góp thêm 300 tỷ. Đợt thứ ba, PVN góp 100 tỷ đồng bằng việc ngày 12/5/2011, ông Nguyễn Xuân Sơn (Phó Tổng giám đốc PVN) ký báo cáo gửi Hội đồng Thành viên.

Cơ quan chức năng xác định việc góp 800 tỷ đồng tương đương 20% vốn điều lệ tại Ngân hàng Oceanbank của PVN đã vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2011) quy định một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Theo đó, việc góp vốn của PVN lần 3 là 100 tỷ đồng vào Oceanbank là sai quy định.

Sau đó, cơ quan chức năng cũng đã yêu cầu HĐQT OceanBank có biện pháp giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông, trong đó có PVN, xuống mức không quá 15% vốn điều lệ trước ngày 30/6/2013. Tuy nhiên, OceanBank cũng như PVN không thực hiện.

Hàng loạt sai phạm tại Oceanbank khiến PVN mất trắng 800 tỷ đồng; Hà Văn Thắm - cựu Chủ tịch HĐQT ngân hàng này lĩnh án tù chung thân.

Điều đáng nói, sau khi có 800 tỷ đồng góp vốn từ PVN, Oceanbank có nhiều sai phạm và đã bị Ngân hàng Nhà nước mua với giá 0 đồng. PVN phải chấm dứt tư cách cổ đông và toàn bộ các quyền, nghĩa vụ tại Oceanbank, lỗ 800 tỷ đồng.

Từ vụ góp 800 tỷ đồng, Nguyễn Xuân Sơn lĩnh án tử

Liên quan vụ việc PVN góp 800 tỷ đồng vào Ngân hàng Oceanbank, để quản lý và điều hành phần vốn điều lệ tại ngân hàng này, PVN đã cử Nguyễn Xuân Sơn, Phó Tổng Giám đốc PVN, sang Ngân hàng Oceanbank giữ chức vụ Tổng Giám đốc.

Cơ quan tố tụng xác định, trong thời gian giữ chức vụ tại đây, Nguyễn Xuân Sơn là chủ mưu cho hàng loạt những sai phạm tại ngân hàng này. Ngày 29/9/2017, Nguyễn Xuân Sơn bị HĐXX Toà án Nhân dân TP Hà Nội tuyên án tử hình với 3 tội danh: “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và “Tham ô tài sản”.

Nguyễn Xuân Sơn từ Phó Tổng giám đốc PVN được điều sang làm Tổng Giám đốc Oceanbank và sau đó lĩnh án tử hình vì dính nhiều sai phạm tại ngân hàng này.

Đại diện Viện Kiểm sát cáo buộc, Nguyễn Xuân Sơn đã lợi dụng uy tín, vị thế và sự phụ thuộc của Oceanbank vào nguồn tiền của PVN để gây áp lực và chi phối lãnh đạo Oceanbank phải chi tiền lãi ngoài, nhằm thực hiện mục đích cá nhân.

Trong phần bào chữa nhằm gỡ tội cho thân chủ của mình, luật sư Nguyễn Minh Tâm đã trưng ra văn bản ngày 7/9/2010 do Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN là ông Đinh La Thăng ký.

Đó là văn bản số 6843 yêu cầu các đơn vị thành viên thuộc PVN và các nhà thầu dầu khí phải thực hiện mở tài khoản tại Oceanbank, thực hiện các giao dịch qua tài khoản tại Oceanbank bao gồm: Cấp phát vốn, thanh toán, gửi tiền và các dịch vụ tài chính khác, trong đó có các quan hệ tài chính giữa các đơn vị với nhau.

Luật sư Nguyễn Minh Tâm cho rằng, văn bản thể hiện rất rõ tinh thần chỉ đạo của ông Đinh La Thăng và khẳng định đây là sự chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN - ông Đinh La Thăng chứ không phải của Nguyễn Xuân Sơn.

“Điều này có ý nghĩa rất quan trọng để xác định hành vi của Nguyễn Xuân Sơn, từ nội dung đó có thể rút ra kết luận quan hệ giữa PVN và Oceanbank đã được hai Chủ tịch của hai đơn vị thống nhất, thỏa thuận và triển khai cam kết hỗ trợ tối đa trước khi Nguyễn Xuân Sơn được PVN giới thiệu sang Oceanbank công tác. Kể cả thời gian sau khi Nguyễn Xuân Sơn thôi chức Tổng Giám đốc Oceanbank để về làm Phó Tổng Giám đốc PVN”, luật sư Tâm nói tại tòa.

Về mặt pháp lý, quan hệ giữa hai pháp nhân PVN và Oceanbank đã được xác lập bằng văn bản thỏa thuận cam kết tháng 9/2008 do chính ông Đinh La Thăng ký với Hà Văn Thắm với các cam kết rõ ràng về nghĩa vụ của PVN trong việc hỗ trợ Oceanbank thực hiện các dịch vụ ngân hàng.

Tác giả: Tuấn Hợp

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok