Thầy giáo Nguyễn Viết Xuân và cô Đinh Thị Lan Anh đến thăm gia đình em Hoàng Thị Hằng. |
Thế nhưng, ngược lại, đôi vợ chồng già ấy đang phải chăm nuôi 2 đứa cháu nội bé bỏng, vì bố chúng qua đời, còn mẹ bỏ nhà đi biệt tích.
Gia cảnh đầy nước mắt
Chiều mùa Hè, thời tiết khắc nghiệt, trời nắng nóng như “lò nung”, cô và trò Trường Tiểu học Hà Lĩnh (Hà Trung, Thanh Hóa) đang chuẩn bị cho buổi lễ bế giảng năm học. Tình cờ, chúng tôi gặp một cụ già đội nón lá, tay dắt theo một bé gái, lưng đeo cặp đi từ cổng trường ra.
Hỏi chuyện, người bên đường bảo rằng, đó là cụ bà Trần Thị Hợi (79 tuổi) đi đón cháu nội của mình đang học lớp 1. Do không biết đi xe đạp, nên ngày nào không nhờ được người đưa cháu đến trường, thì bà đi bộ đến đón cháu, dù trời nắng, mưa hay rét buốt...
Nghe được câu chuyện này, chúng tôi đã tìm gặp thầy Nguyễn Viết Xuân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Lĩnh để tìm hiểu về hoàn cảnh của học sinh này. Thầy Xuân cho biết, cháu bé ấy là Hoàng Thị Hằng, học sinh lớp 1C của nhà trường.
Cụ ông Hoàng Đình Nhiền chăm sóc đứa cháu nội mồ côi cha. |
“Gia cảnh của cháu Hằng rất đặc biệt và vô cùng khó khăn. Bà cụ dắt cháu bé nhà ở tận làng Tiên Sơn, cách trường chừng 4km. Ngày nào cũng vậy, bà cụ đều đi bộ đưa đón cháu nội đến trường học vì không biết đi xe đạp. Bố của Hằng vừa qua đời, còn mẹ bỏ đi, để lại 3 đứa con cho ông, bà chăm nuôi”, thầy Xuân kể.
Sau khi nghe thầy Xuân kể về gia cảnh này, chúng tôi đã đề nghị thầy dẫn đường để đến thăm gia đình bà cụ Trần Thị Hợi – nơi cháu Hoàng Thị Hằng đang sinh sống. Căn nhà của vợ chồng cụ Hợi nằm nép bên sườn đồi ở làng Tiên Sơn, xã Hà Lĩnh. Thấy có khách và thầy Hiệu trưởng cùng cô giáo chủ nhiệm của cháu vào thăm nhà, cụ Hoàng Đình Nhiền (82 tuổi), chồng bà Trần Thị Hợi, tất tưởi đi tìm ghế và nước để mời khách.
Căn nhà của hai cụ có ba gian nhà mái bằng được xây dựng từ những năm 90 của thế kỷ trước, không có buồng ngủ. Gian giữa đặt ban thờ chính của gia đình, gian bên đặt bàn thờ con trai vừa qua đời cách đây chưa đầy một tháng và đang phát ra tiếng tụng kinh trong một chiếc radio nhỏ. Còn gian bên phải, đặt một chiếc giường đôi cũ kỹ, là nơi ngủ của 3 bà cháu. Ngoài căn nhà chính ra, còn có 2 gian nhà ngang lợp ngói đã xuống cấp nghiêm trọng, được dùng làm nơi ngủ của cụ Nhiền và kho đồ dùng của gia đình.
Bà cụ Trần Thị Hợi (79 tuổi) đi đón cháu nội của mình ở trường học. |
Nghe nhắc đến chuyện ba đứa cháu, cụ Nhiền thở dài thườn thượt, bảo rằng: “Khổ lắm thầy giáo ạ. Từ ngày con trai qua đời, vợ chồng già chúng tôi trở nên cơ cực hơn. Ba đứa cháu nội còn nhỏ quá. Cháu Hằng là chị cả, học lớp 1, cháu thứ 2 là Hoàng Thị Nga (5 tuổi), cháu thứ 3 Hoàng Thị Diễm chưa đầy 2 tuổi. Mẹ cháu bỏ đi lúc con gái út mới 6 tháng tuổi”.
Theo cụ Nhiền kể, vợ chồng cụ có 5 con vừa trai, vừa gái. Các con của hai cụ đều đã có gia đình, nhưng mỗi người ở một nơi và cũng không có điều kiện khá giả để giúp đỡ những đứa cháu mồ côi cha. Vì vậy, gánh nặng cuộc đời giờ đây đổ lên hai đôi vai của vợ chồng cụ.
“Ngày trước, tôi công tác ở Đoàn Cải lương Thanh Hóa. Sau đó, chuyển sang Nhà hát Lam Sơn rồi về một lần do cơ chế thay đổi. Bây giờ, ở tuổi gần đất xa trời rồi, nhưng chưa được một ngày thảnh thơi, an phận tuổi già, mà còn phải cùng bà ấy gồng gánh, lo toan cuộc sống cho mấy đứa cháu nội”, cụ Nhiền nói giọng nghèn nghẹn.
Hai chị em Hằng và Nga ngồi nghe ông bà nội kể chuyện với khách, nhưng dường như chúng chưa biết gì, nên đôi lúc vẫn đùa nghịch cùng nhau. Mỗi lần như vậy, bà cụ Hợi lại quát nhỏ 2 đứa cháu yên lặng. Bà cụ Hợi bảo rằng, cứ nhìn thấy hai đứa cháu đùa vui, cụ lại không cầm nổi nước mắt. Từ ngày bố chúng nó qua đời, mọi công việc chăm sóc, dạy dỗ, đưa đón cháu đều do hai cụ cáng đáng.
“Cháu Hằng đi học ở trường hơi xa, nên tôi phải đưa đón cháu hằng ngày. Già cả rồi, lại không biết đi xe đạp, nên bà cháu tôi đành phải đi bộ. Nhiều hôm trời nắng, nhìn thấy cháu mồ hôi nhễ nhại, hay gặp trời mưa khi về đến nhà, cả hai bà cháu “ướt như chuột lụt”, mà thương vô cùng. Những lúc như vậy, tôi lại nghĩ đến việc, khi vợ chồng tôi về với tổ tiên, thì không biết chúng nó sẽ như thế nào”, bà cụ Hợi tâm sự.
Em Hằng theo bà nội đi bẻ ngô. |
Cần lắm những tấm lòng
Từ ngày anh Hoàng Đình Long (43 tuổi) qua đời, do tuổi già, sức yếu nên cụ Nhiền cũng chẳng làm được công việc gì nặng. Còn cụ Hợi thì chăm sóc mấy luống ngô, rau ở vườn nhà và đưa, đón cháu Hằng đến trường học.
“Giá như con dâu tôi không bỏ nhà đi biền biệt như vậy, mà ở nhà chăm sóc ba đứa con gái còn nheo nhóc ấy, thì dù nghèo khó, chúng tôi cũng đỡ cảm thấy đau lòng. Do hai vợ chồng già cả, mắt mờ, chân chậm, không còn đủ sức gánh vác, nên đành phải gửi con bé út qua nhà ngoại, nhờ bên ấy chăm sóc, nuôi dạy.
Điều nữa, giá như các bác của chúng nó có điều kiện kinh tế khá giả, thì cũng đỡ đần cho ông bà chúng tôi phần nào để nuôi các cháu. Nhưng ngặt nỗi, các con của tôi cũng đang rất khó khăn, nên không còn cách nào khác. Nhiều lúc, tôi phải động viên bà ấy là, thôi thì mình cứ cố gắng hết sức, lo cho các cháu khi đang còn chút ít sức khỏe”, cụ Nhiền bộc bạch.
Theo thầy Nguyễn Viết Xuân, trước hoàn cảnh đáng thương của gia đình cháu Hằng, các thầy, cô giáo trong trường luôn quan tâm, hỗ trợ cho cháu về đồng phục, sách vở, đồ dùng học tập... nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho cháu đến trường đều đặn. Nhà trường cũng báo cáo lên cấp trên để hỗ trợ và miễn các khoản đóng góp trong năm học cho em. Bên cạnh đó, nhà trường cũng làm hồ sơ gửi lên Hội Khuyến học huyện Hà Trung, đề nghị đơn vị này hỗ trợ học bổng cho em Hằng.
“Ban giám hiệu, các thầy, cô giáo của nhà trường luôn quan tâm, động viên, chia sẻ và hỗ trợ những gì có thể, để giúp em Hằng vượt qua khó khăn, ổn định trong cuộc sống và học tập. Nhà trường rất mong thông qua Báo GD&TĐ chuyển tải đến các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trên mọi miền đất nước chung tay hỗ trợ cho hoàn cảnh đáng thương của ba chị em cháu Hoàng Thị Hằng”, thầy Xuân chia sẻ.
Cô giáo Đinh Thị Lan Anh, giáo viên chủ nhiệm lớp 1C, Trường Tiểu học Hà Lĩnh, cho biết: Em Hoàng Thị Hằng là một học sinh rất ngoan, chăm chỉ, hòa đồng với bạn bè và biết vâng lời cô giáo. “Đối với môn Tiếng Việt, Hằng học rất tốt, viết chữ nắn nót, đẹp. Tuy nhiên, đối với môn Toán, em còn chưa bắt nhịp được với Chương trình, sách giáo khoa mới. Vì vậy, mỗi khi đến lớp, nếu có thời gian rảnh là cô giáo tranh thủ kèm cặp, phụ đạo cho bạn ấy”, cô Lan Anh chia sẻ.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Thế Phương, Chủ tịch UBND xã Hà Lĩnh, cho biết, vừa qua Hội Khuyến học huyện Hà Trung có chương trình hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, toàn huyện có 20 xã, nhưng chỉ có 10 suất học bổng của Hội Khuyến học. Vì vậy, UBND xã Hà Lĩnh đã làm việc với Hội Khuyến học huyện Hà Trung và đề xuất cho trường hợp cháu Hoàng Thị Hằng, vì thực sự trường hợp này quá khó khăn và rất đáng thương. Do đó, Hội Khuyến học huyện thống nhất sẽ dành cho cháu Hằng một suất học bổng, trị giá mỗi năm là 6 triệu đồng để hỗ trợ cháu học tập.
Cũng theo ông Phương, do làng Liên Sơn cách xa với Trường Tiểu học Hà Lĩnh, nên hằng ngày những gia đình có con, em đi học thì bà con đều góp tiền thuê xe ô tô đưa đón. Nhằm giúp đỡ cháu Hằng, lãnh đạo xã Hà Lĩnh đặt vấn đề với nhà xe đưa đón học sinh cho em Hằng được đi xe miễn phí từ đầu năm học 2023 - 2024. Rất may, bác chủ xe cũng rất đồng tình với ý kiến đề xuất của chính quyền xã.
Chia tay vợ chồng cụ Nhiền, cụ Hợi và chị em cháu Hoàng Thị Hằng, trên đường về, trong lòng tôi trĩu nặng. Tôi nhớ hình ảnh cụ Nhiền xếp bằng ở thềm nhà, gảy chiếc đàn bầu cho hai đứa cháu nội ngồi cạnh nghe. Tiếng đàn bầu của cụ ngân lên réo rắt bài “Lòng mẹ”, khiến tôi chợt nghĩ về tương lai của ba chị em Hoàng Thị Hằng. Và, trong tôi thầm hy vọng, rồi sẽ có những nhà hảo tâm, tổ chức thiện nguyện dang tay giúp đỡ cho những mảnh đời khốn khó của gia đình cụ Nhiền, để 3 đứa trẻ ấy có cơ hội học hành! |
Tác giả: Thế Lượng
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn