Các nhà nghiên cứu đã mất nhiều thời gian và công sức để chứng minh lợi ích của những cái ôm. Hãy cùng khám phá!
Ôm có thể củng cố chức năng miễn dịch
Một nghiên cứu tại Đại học Carnegie Mellon chỉ ra rằng, người trưởng thành khỏe mạnh thường xuyên trao và nhận những cái ôm sẽ ít bị cảm lạnh hơn so với những người khác. Kể cả trong số những người đã bị cảm lạnh, thì những người có sự kết nối với xã hội lớn hơn, cũng tức là những người thường xuyên ôm và được ôm, cũng sẽ có ít các triệu chứng nặng hơn.
Ôm có thể làm giảm stress
Cũng trong nghiên cứu tại trường Đại học Carnegie Mellon, trước các tình huống căng thẳng, ví dụ như trước khi thuyết trình, trước khi kiểm tra sức khỏe hoặc trước một chuyến đi dài, nếu bạn được…ôm một cái thì bạn có thể sẽ bình tĩnh và cảm thấy thư giãn hơn một chút. Tác dụng của cái ôm khi đó thậm chí còn kéo dài lâu hơn nữa, giúp bạn duy trì sự bình tĩnh, thư thái trong suốt cả tình huống căng thẳng sau đó.
|
Ôm có thể tăng lòng tự trọng cho bản thân bạn
Không có gì ngạc nhiên nếu tất cả mọi người đều mong muốn mình được ai đó chạm vào một cách đầy yêu thương. Mối liên hệ giữa giá trị của bản thân và cảm giác xúc giác của cơ thể đã được hình thành từ những năm đầu đời và vẫn sẽ tiếp tục in dấu trong hệ thần kinh trung ương của chúng ta khi trưởng thành.
Sự âu yếm mà cha mẹ dành cho ta khi còn nhỏ vẫn sẽ tồn tại trong trí nhớ ở cấp độ tế bào, và những cái ôm sẽ giúp các tế bào trong cơ thể nhớ về việc đó. Do vậy, những cái ôm có liên kết rất mật thiết với khả năng cảm nhận yêu thương, để thấy được những giá trị của bản thân và trân trọng bản thân mình hơn.
Ôm củng cố lòng tin
Một trong số những lợi ích lớn nhất của những cái ôm là giúp cơ thể tiết ra hormone oxytocin – một loại hormone của tình yêu, góp phần tạo ra cảm giác tin tưởng và kết nối. Khi chúng ta ôm nhau, từng đợt xung điện tạo ra trong cơ thể có thể sẽ có tác dụng làm giảm nhịp tim và hạ huyết áp, giúp bạn cảm thấy ít bị stress hơn và cảm thấy bình yên hơn.
Đáng chú ý hơn, những thay đổi phức tạp diễn ra trong não và cơ thể như vậy cũng có thể xuất hiện chỉ bằng những sự tiếp xúc đơn giản hơn, ví dụ như vỗ vai hoặc nắm tay ủng hộ. Tuy nhiên, chắc chắn hiệu quả mang lại sẽ không thể nhiều như một cái ôm chặt đầy âu yếm rồi.
Ôm có thể giúp giảm trầm cảm
Ôm là việc làm rất cần thiết để bạn cảm thấy bình yên và trên thực tế, ôm có thể giúp giải phóng ra các chất chống trầm cảm tự nhiên trong cơ thể, còn gọi là hormone vui vẻ serotonin. Ôm những người thân yêu cũng sẽ thúc đẩy sự gắn bó về mặt tình cảm và sự thân mật, đó chính là nền tảng cho một mối quan hệ lâu dài và hạnh phúc.
Ôm rất cần thiết cho sự sống của chúng ta
Điều này hoàn toàn là sự thật, chứ không phải chỉ là một câu ví von nói quá như bạn nghĩ. Ôm thực sự rất cần thiết cho "sự sống” của thể chất và tâm hồn chúng ta. Các em bé, thậm chí cả các loài động vật nếu không thường xuyên được ôm, được chạm vào có thể sẽ bị trầm cảm đến mức bỏ ăn, và từ đó có thể dẫn đến tử vong. Tình trạng này được gọi là thất bại trong sự phát triển (failure to thrive).
Để củng cố sức khỏe cũng như đảm bảo rằng bạn có những mối quan hệ tốt đẹp, hãy thường xuyên trao và nhận những cái ôm ấm áp tới người khác. Một số chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực này khuyến nghị, bạn nên ôm (hoặc được ôm) cho đến khi bạn cảm thấy hoàn toàn thoải mái, ít nhất là khoảng 6 phút mỗi ngày và nếu được, ngoài 6 phút ôm hãy dành thêm 6 giây để trao nhau những nụ hôn nữa nhé!
Ôm thể hiện sự cảm kích
Trong một mối quan hệ, rất dễ để bạn thể hiện sự cảm kích hoặc tôn trọng đối phương. Một cái ôm có thể giúp bạn xác nhận lại tình yêu cũng như sự tôn trọng mà đối phương dành cho mình. Đôi khi, những thứ đơn giản như là dành thời gian chạm vào nhau và ôm nhau có thể là thước đo những hoạt động thần kinh – sinh lý diễn ra trong cơ thể. Ôm cũng là một cách rất tốt dể làm dịu đi một cuộc cãi vã hay tranh luận.
Thêm vào đó, một số chuyên gia còn cho rằng, nếu bạn tặng ai đó những cái ôm đúng lúc họ cần, thì cái ôm của bạn còn có khả năng giúp hồi phục những tổn thương về mặt thể chất. Nhiều người còn cho rằng, những cái ôm thậm chí còn có thể cứu vãn một cuộc hôn nhân sắp tan vỡ nữa!
Tác giả: Bác sĩ Trần Thu Nguyệt
Nguồn tin: emdep.vn