Trong tỉnh

Nước thải từ chế tác đá bức tử kênh nhà Lê ở Thanh Hóa

Kênh nhà Lê có ý nghĩa lịch sử và phục vụ tưới tiêu cho nhiều huyện ở Thanh Hóa nhưng đang bị hủy hoại bởi nước thải từ các cơ sở chế tác đá mỹ nghệ ở phường Quảng Thắng và xã Đông Hưng (TP.Thanh Hóa).

Dòng kênh đổi màu trắng đục đoạn chảy qua phường Quảng Thắng và xã Đông Hưng, TP.Thanh Hóa. Ảnh: Minh Hải

Đáy kênh là bột đá

Nhiều năm nay, quá trình chế tác đá mỹ nghệ của các cơ sở ở phường Quảng Thắng và xã Đông Hưng (TP.Thanh Hóa, Thanh Hóa) đã gây ô nhiễm môi trường nước, không khí, lẫn ô nhiễm tiếng ồn, khiến người dân sống dọc hai bên bờ kênh nhà Lê (kênh đào từ thời nhà Lê nên người dân gọi là kênh nhà Lê) bức xúc.

Theo quan sát, dọc tuyến kênh chảy qua địa phận phường Quảng Thắng và xã Đông Hưng (một bên kênh là phường Quảng Thắng, bên kia là xã Đông Hưng), không khó tìm thấy các ống cống đang xả thẳng nước thải từ quá trình chế tác đá ra kênh. Cứ cách khoảng 50 m là có một ống cống. Nước thải ra có màu trắng đục, nhiều chỗ đặc quánh, bột đá đọng lại thành đống ở mép bờ kênh. Phía trên các ống cống là các xưởng chế tác đá mỹ nghệ ầm ầm xẻ, mài, chế tác đá thành phẩm.

Liên quan đến tình trạng này, ông Nguyễn Minh Toán (64 tuổi, ngụ tại thôn Nam Hưng, xã Đông Hưng) cho biết: “Nhiều lần tôi kiến nghị trong các cuộc họp, nhưng sau đó người ta đâm cả xe tải vào cổng ngõ nhà tôi để đe dọa. Ngày trước, kênh nhà Lê có nhiều loài tôm cá sinh sống, nhưng nay có bói cũng không thấy một con. Thậm chí, giờ đáy kênh không phải là bùn đen như ngày trước, thay vào đó là lớp bột đá lắng đọng lại. Trước đây, bà con còn tranh thủ trồng rau muống hai bên bờ kênh để ăn, nay chỉ cần trồng xuống là bột đá bám đầy thân cây, ăn không nổi”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Phi Hải, cán bộ địa chính xã Đông Hưng, lại cho rằng tình trạng ô nhiễm kênh nhà Lê xảy ra từ trước năm 2006, do trên địa bàn xã Đông Hưng có nhiều hộ làm đá xẻ, chế tác đá đã gây ô nhiễm cho kênh. Nhưng từ 2006, các cơ sở, hộ gia đình làm nghề chế tác đá được di chuyển vào Khu công nghiệp núi Vức, nên nước thải từ quá trình chế tác đá không còn xả xuống kênh.

“Trên địa bàn xã Đông Hưng hiện có 54 doanh nghiệp, hộ gia đình làm nghề chế tác đá mỹ nghệ, và đã vào Khu công nghiệp núi Vức, nên không còn tình trạng xả nước thải xuống kênh nhà Lê. Nhưng từ năm 2017, người dân thôn Nam Hưng (xã Đông Hưng) đã có đơn, kiến nghị phản ánh về tình trạng ô nhiễm kênh do nước thải từ quá trình xẻ, mài đá thải thẳng ra sông. Chúng tôi xác định đó là nước thải từ các cơ sở ở phường Quảng Thắng, chứ không phải từ xã Đông Hưng. Sau khi có báo cáo với UBND TP.Thanh Hóa, và thành phố đã có văn bản chỉ đạo, phường Quảng Thắng phải đảm bảo vệ sinh, môi trường, nhưng đến nay tình trạng không được khắc phục”, ông Hải nói.

Mặc dù vị cán bộ địa chính xã Đông Hưng khẳng định là xã này không còn cơ sở nào xả thải ra kênh nhà Lê, nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, phía xã Đông Hưng vẫn còn nhiều ống cống, cửa cống xả nước thải từ quá trình chế tác đá ra kênh.

Không có cách nào giải quyết?

Trao đổi với Thanh Niên, ông Đỗ Anh Bắc, Phó chủ tịch UBND phường Quảng Thắng, xác nhận đúng là các cơ sở chế tác đá mỹ nghệ trong Làng nghề chế tác đá mỹ nghệ của phường Quảng Thắng hiện nay đang xả nước thải ra kênh. Theo ông Bắc, tình trạng này diễn ra từ 2013, khi làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Quảng Thắng đi vào hoạt động.

Cũng theo ông Bắc, làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Quảng Thắng thành lập năm 2008, quy mô rộng hơn 2 ha, đến 2013 có 13 cơ sở làm ổn định cho đến nay. Ban đầu, khi thành lập cũng không tính để xây dựng hệ thống xử lý nước thải, vì ngày đó làm thủ công là chủ yếu, nước thải ít. Nay nghề chế tác đá càng phát triển, các loại máy xẻ lớn, máy móc hiện đại dùng để đánh bóng đá và sử dụng nhiều hóa chất, nên lượng nước thải ra môi trường nhiều.

“Những năm trước, người dân kêu rất nhiều, có lúc chúng tôi còn phải yêu cầu cắt điện các cơ sở chế tác đá, vì họ làm cả buổi trưa và ban đêm, gây ồn. Bây giờ tiếng ồn đã đỡ, nhưng ô nhiễm kênh nhà Lê và bụi thì vẫn thuộc diện ô nhiễm nghiêm trọng, không có cách nào giải quyết”, ông Bắc nói.

Ông Bắc cho biết thêm, do người dân phản ánh nhiều, UBND TP.Thanh Hóa vừa quyết định đầu tư một khu xử lý nước thải rộng khoảng 1 ha, với tổng vốn đầu tư 2 tỉ đồng, với hệ thống bể lắng lọc.

“Biện pháp này cùng lắm chỉ thu gom nước thải được khoảng 2 năm là quá tải. Hướng lâu dài, chúng tôi đề nghị UBND thành phố, các ngành chức năng cho dừng hoạt động làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Quảng Thắng, hoặc quy hoạch di chuyển đi nơi khác, thì mới giải quyết dứt điểm được”, ông Bắc cho hay.

Tác giả: Minh Hải

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok