Số hộ tham gia hiệp hội mới chỉ dừng lại ở con số 22 trên tổng số 172 hộ làm nước mắm tại đây.
Ít thành viên, khó kiểm soát chất lượng
Ông Nguyễn Văn Tuyến - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến nước mắm Do Xuyên - Ba Làng (xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) - cho biết: “Nước mắm Do Xuyên - Ba Làng có quy trình sản xuất cổ truyền đặc trưng. Các khâu trong quy trình sản xuất phải tuân thủ những nguyên tắc khắt khe. Chẳng hạn về nguyên liệu thì cá phải tươi, thời gian đánh bắt, kích thước cá phải đúng tiêu chuẩn. Các bước trộn, ủ, đảo chượp, lọc cốt... cũng đều phải tuân thủ quy định khắt khe về tỷ lệ, thời gian”.
Từ khi có nhãn hiệu tập thể, việc giới thiệu sản phẩm ra thị trường lớn trở nên thuận lợi hơn. Để đảm bảo chất lượng nước mắm, hiệp hội đã biên soạn quy trình sản xuất chuẩn và yêu cầu các cơ sở tham gia khai thác nhãn hiệu tập thể ghi chép tỉ mỉ các khâu sản xuất của mình để hiệp hội có thể thường xuyên kiểm tra, giám sát.
“Chúng tôi phải kiểm tra, lấy mẫu tại cơ sở sản xuất rồi mới cho đóng chai, đưa ra thị trường, qua đó giúp các hộ sản xuất ý thức hơn về việc tự giác tuân thủ quy định trong sản xuất, phải làm thật chứ không phải hình thức đối phó, cùng giúp nhau hướng tới một giá trị chung bền vững. Tuy vậy, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn bởi số thành viên của hiệp hội còn ít, người tiêu dùng có thói quen sử dụng nước mắm truyền thống không nhiều” - ông Tuyến nói.
Người dân sản xuất nước mắm Do Xuyên - Ba Làng. Ảnh: NV |
Đánh giá về thực trạng khai thác giá trị thương hiệu ở địa phương, tiến sỹ (TS) Nguyễn Ngọc Túy - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa - nói: “Sau 18 tháng xác lập được quyền bảo hộ đối với sản phẩm, người dân địa phương vẫn chưa phát huy được lợi thế của giá trị thương hiệu. Số hộ sản xuất nước mắm ở địa phương tăng, lượng sản phẩm đưa ra thị trường là trên 4 triệu lít/năm, giá bán sản phẩm mang nhãn hiệu “Nước mắm Do Xuyên - Ba Làng” tăng thêm 10.000-20.000 đồng/lít”.
Tuy nhiên theo TS Túy, hiện nhiều hộ ở địa phương tuy không phải thành viên của hiệp hội, không chịu sự giám sát về quy trình sản xuất của hiệp hội nhưng vẫn sử dụng nhãn hiệu “Nước mắm Do Xuyên - Ba Làng” kèm với tên hộ sản xuất trên nhãn mác của mình, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến uy tín, giá trị thương hiệu của đặc sản được bảo hộ sở hữu trí tuệ này.
“Trong thời gian tới, chính quyền và hiệp hội cần tuyên truyền cho 150 hộ gia đình sản xuất nước mắm hiểu rõ lợi ích lâu dài và bền vững của thương hiệu. Mặt khác, cần có các giải pháp bảo vệ, quản lý tốt quy trình sản xuất, tiêu thụ nước mắm mang nhãn hiệu tập thể” - ông Túy nói.
Cần khuyến khích mở doanh nghiệp
Theo ông Tuyến, hiện nay ở địa phương, nước mắm chủ yếu được sản xuất theo phương pháp truyền thống. Phần lớn các cơ sở sản xuất là hộ cá thể, nhỏ lẻ nên việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng còn hạn chế.
Ông Nguyễn Văn Chử - thành viên hiệp hội - bày tỏ: “Gia đình tôi mỗi năm sản xuất 20.000 lít nước nắm. Tôi mong muốn nhận được sự hỗ trợ về chuyên môn của các cơ quan khoa học để có thể áp dụng khoa học, kỹ thuật mới vào quá trình sản xuất. Tôi cũng mong được chính quyền hỗ trợ vay vốn dài hạn hơn để có thể mở rộng sản xuất”.
Còn TS Nguyễn Ngọc Túy cho rằng, chính quyền địa phương và hiệp hội cần tuyên truyền, vận động các hộ gia đình thành lập doanh nghiệp để có điều kiện tiếp cận các chính sách hỗ trợ áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, cần nghiên cứu đề xuất các cơ chế hỗ trợ mở rộng thị trường, danh tiếng sản phẩm, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất nước mắm tham gia hiệp hội sử dụng thương hiệu.
“Tới đây, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến hải sản của tỉnh Thanh Hoá - trong đó có nghề làm nước mắm - sẽ được hỗ trợ để đầu tư thiết bị công nghệ mới vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đủ sức cạnh tranh trên thị trường” - ông Nguyễn Ngọc Túy nói.
Về phía hiệp hội, ông Nguyễn Văn Tuyến chia sẻ: “Các thành viên trong hiệp hội sẽ phải cùng với các sở, ngành lập kế hoạch phối hợp hiệu quả thông qua các dự án, các buổi tập huấn để khắc phục dần hạn chế của ngành nước mắm, tuyên truyền đến người tiêu dùng nhiều hơn về nước mắm truyền thống; tập huấn cho người sản xuất hiểu rõ tại sao phải làm thương hiệu, phải làm đúng quy trình, mở rộng thị trường và áp dụng KH&CN”.
Tác giả: Trịnh Điệp
Nguồn tin: Khoa học & Phát Triển