Trong tỉnh

Nữ quản trang gần 30 năm vừa chăm sóc phần mộ vừa "trò chuyện" với các liệt sĩ

“Lúc đầu vừa làm vừa khấn vì sợ đụng chạm đến sự an nghỉ của các anh, nhưng rồi cũng quen thành ra nay tôi vừa làm vừa trò chuyện với các liệt sĩ luôn vậy, các chú bộ đội cũng có người bầu bạn mà tôi thì cũng thấy lòng nhẹ nhõm hơn” – bà Nội tâm sự.

Gần 30 năm qua, bất kể ngày mưa hay nắng, bà Lương Thị Nội (người dân tộc Thái) đều cần mẫn dọn dẹp từng ngôi mộ, nhặt từng cây cỏ cho hơn 2.000 phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Đồng Tâm (huyện Bá Thước, Thanh Hóa).

Nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Đồng Tâm nằm lọt thỏm trong thung lũng, được bao bọc giữa những dãy núi trùng điệp. Từ sáng sớm khi những màn sương dày đặc vẫn còn bao quanh lấy tượng đài, bà Nội đã ra đây để nhổ cỏ, lau chùi các ngôi mộ.

Năm nay bà Nội đã hơn 60 tuổi, đôi bàn tay đã gầy guộc, run rẩy nhưng chưa một ngày bà thôi làm công việc này. Nghĩa trang hơn 2000 mộ, bà thuộc làu từng tên tuổi, quê quán, ngày hy sinh, liệt sĩ nào nằm ở lô nào.

Bà Nội kể, cơ duyên để bà đến với công việc này là vào một ngày nhìn thấy những phần mộ lâu ngày không được chăm sóc, cỏ dại mọc đầy, bà Nội thấy chẳng yên lòng nên xin với ban quản lý để được chăm sóc mộ cho các liệt sĩ.

Tâm nguyện của bà Nội là còn sống ngày nào thì còn chăm sóc các phần mộ liệt sĩ ngày ấy.
Tâm nguyện của bà Nội là còn sống ngày nào thì còn chăm sóc các phần mộ liệt sĩ ngày ấy.

Bà tâm sự rằng thời gian đầu chưa quen nên cũng thấy hơi sợ phần vì không gian mênh mông, vắng vẻ, phần vì nhiều người không có tên, tuổi, quê quán, mình không biết khấn vái xưng hô thế nào, sợ làm phật lòng.

Hồi đó, bà thường đưa hai con đi cùng, con trai bà đứa 8 tuổi, đứa 6 tuổi, sáng đi học, chiều lẽo đẽo theo mẹ vào nghĩa trang dọn cỏ, khi nào mệt thì anh em chơi quanh cổng chờ mẹ xong việc. Lớn lên, hai con bà đi học, rồi đi làm ăn xa. Dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng bà vẫn hàng ngày cặm cụi nhổ cỏ, thắp hương cho các liệt sĩ và coi công việc đó là một phần quan trọng trong cuộc sống của bà.

Bà bảo nghĩa trang hiện có hơn 2000 phần mộ liệt sĩ của 32 tỉnh, thành trong cả nước; ngoài ra còn có 16 phần mộ liệt sĩ của nước bạn Lào. Những năm gần đây, số lượng mộ quy tập về nghĩa trang ngày càng nhiều, đặc biệt việc thực hiện chương trình phối hợp tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ giữa hai tỉnh Thanh Hóa – Hủa Phăn.

Gần 30 năm qua, không kể ngày nắng hay ngày mưa, bà Nội vẫn đều đặn ra nhổ cỏ, lau chùi những ngôi mộ liệt sĩ.
Gần 30 năm qua, không kể ngày nắng hay ngày mưa, bà Nội vẫn đều đặn ra nhổ cỏ, lau chùi những ngôi mộ liệt sĩ.

Bởi thế nên mỗi ngày bà cũng chỉ dọn được một lô khoảng 80 – 100 phần mộ, cứ lần lượt như thế ngày này qua ngày khác. Khi dọn đến phần mộ cuối cùng thì những phần mộ đầu tiên cỏ dại lại nhú lên rồi nên chẳng ngày nào ngơi tay.

“Lúc đầu vừa làm vừa khấn vì sợ đụng chạm đến sự an nghỉ của các anh, nhưng rồi cũng quen thành ra nay tôi vừa làm vừa trò chuyện với các liệt sĩ luôn vậy, các chú bộ đội cũng có người bầu bạn mà tôi thì cũng thấy lòng nhẹ nhõm hơn” – bà Nội tâm sự.

Khi hỏi về kỷ niệm nào với bà là sâu sắc nhất trong suốt 28 năm chăm lo giấc ngủ cho anh linh các liệt sĩ, bà chia sẻ: “Những câu chuyện tìm mộ liệt sĩ thì nhiều lắm, tôi không còn có thể nhớ mình đã khóc bao nhiêu lần khi chứng kiến những cuộc đoàn tụ giữa thân nhân và liệt sĩ”.

Bà nhớ nhất một phụ nữ quê Nam Định có chồng nằm tại đây. Hai người lấy nhau được một tuần thì chồng lên đường nhập ngũ, chiến đấu tận bên Lào rồi hy sinh năm 1962. Hơn 50 năm mòn mỏi chờ đợi, người vợ không chịu đi bước nữa mà nhận một đứa trẻ về nuôi.

Mỗi năm có rất nhiều phần mộ mới được cất bốc về nhưng bà Nội vẫn nhớ hết tên tuổi, quê quán từng liệt sĩ.
Mỗi năm có rất nhiều phần mộ mới được cất bốc về nhưng bà Nội vẫn nhớ hết tên tuổi, quê quán từng liệt sĩ.

“Vì quá thương nhớ chồng, muốn làm trọn vẹn nghĩa tình vợ chồng, người phụ nữ ấy đã lặn lội khắp trong Nam ngoài Bắc đi tìm mộ chồng, cuối cùng tìm thấy ông ở giữa mảnh đất xứ Thanh. Người vợ nay đã ở tuổi 70 chỉ còn biết ôm tấm bia khắc tên chồng rồi ngất đi. Chứng kiến cảnh ấy, tôi chỉ biết khóc theo…” – bà Nội tâm sự.

Năm nay, bà Nội đã ngoài 60 tuổi, con cháu trong gia đình đều muốn bà nghỉ ngơi nhưng bà kiên quyết không chịu, bà bảo còn sức ngày nào thì vẫn còn gắn bó nghĩa trang và các mộ phần của các liệt sĩ ngày ấy.

Tác giả: Nguyễn Thùy

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok