Trong nước

Nóng: Việt Nam lần đầu bắn thử tên lửa phòng không Spyder

Kể từ khi đưa vào trang bị các hệ thống tên lửa phòng không Spyder đây là lần đầu tiên xuất hiện ảnh Việt Nam bắn thử nghiệm dòng tên lửa này.

Theo Báo Quân đội Nhân dân Online, Cuộc diễn tập, bắn đạn thật các lực lượng phòng không năm 2017 do Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) tổ chức vừa chính thức khai mạc vào hôm 5/9. Cuộc diễn tập được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng kết quả công tác huấn luyện và khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị phòng không, nhất là các phân đội hỏa lực tên lửa phòng không S-75M3, và cả các tên lửa phòng không Spyder… Nguồn ảnh: QĐND.

Đây cũng là dịp kiểm tra đánh giá chất lượng vũ khí trang bị và công tác đảm bảo kỹ thuật, nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy, khả năng tác chiến, thao tác chiến đấu của từng cán bộ, chiến sĩ và hiệp đồng của các kíp chiến đấu, nhất là trong điều kiện ban đêm và trong tình huống phức tạp… từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, tổ chức huấn luyện cho bộ đội sát với thực tiễn và hướng phát triển của chiến tranh hiện đại trong những năm tiếp theo. Nguồn ảnh: QĐND.

Trong ảnh là khoảnh khắc tên lửa đất đối không của hệ thống tên lửa phòng không Sypder thuộc kíp chiến đấu Tiểu đoàn 61 (Trung đoàn 236, Sư đoàn 361 một trong những đơn vị phòng không đang bảo vệ vùng trời Thủ đô) rời bệ phóng tìm diệt mục tiêu. Tên lửa được bắn ra là biến thể tên lửa đất đối không Derby-MR được trang bị cho hệ thống phòng không Spyder có tầm bắn lên đến 35km. Nguồn ảnh: QĐND

Spyder là hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn và tầm trung do hãng Rafael Advanced Defense Systems phát triển với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Israel Aerospace Industries (IAI). Việc sản xuất được thực hiện từ năm 2005 với hai phiên bản gồm: Spyder-SR (tầm ngắn) và Spyder-MR (tầm trung). Hiện nay, trên thế giới có 5 quốc gia sở hữu tên lửa phòng không Spyder, trong đó Việt Nam đưa vào trang bị dòng tên lửa này từ năm 2016 theo thông tin từ Quân chủng PK-KQ. Nguồn ảnh: Deagel.com.

Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa rõ Việt Nam sở hữu phiên bản nào của tổ hợp tên lửa phòng không thế hệ mới nay. Nhưng nhiều khả năng Quân chủng PK-KQ được trang bị cả hai biến thể Spyder-SR và Spyder-MR. Trong ảnh là dàn đạn tên lửa đất đối không dành cho hệ thống Spyder, trong đó ở vị trí thứ 2 từ bên trái qua chính là tên lửa Derby-MR mới được Việt Nam bắn thử nghiệm. Nguồn ảnh: Deagel.com.

Theo thiết kế dù biến thể tầm trung nhưng Spyder-MR có thể triển khai được cả đạn tên lửa của biến thể tầm ngắm Spyder-SR gồm: đạn Python-5 và Derby nhưng có tầm bắn xa hơn. Trong ảnh là các loại đạn tên lửa dành cho Spyder gồm: Derby, Derby-MR, Python 5, Python-MR và Stunner. Nguồn ảnh: Deagel.com.

Toàn bộ hệ thống tên lửa phòng không này của Việt Nam đều được đặt trên các khung gầm đặc chủng hạng nặng RMMV HX 8x8 do Rheinmetall MAN của Đức chế tạo, cho phép hệ thống di chuyển cơ động trên mọi loại địa hình. Nguồn ảnh: Defesa Aérea & Naval.

Về khả năng chiến đấu hệ thống tên lửa phòng không Spyder có khả năng tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày hay đêm, tiêu diệt nhanh, gọn các loại mục tiêu bay như máy bay tiêm kích, trực thăng, máy bay không người lái, tên lửa hành trình và các loại bom, đạn có điều khiển khác được phóng từ xa trong môi trường chế áp điện tử mạnh. Nó là sự bổ sung phù hợp cho các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300 mà Việt Nam đang sử dụng. Nguồn ảnh: YouTube.

Mỗi hệ thống phóng di động của Spyder được trang bị cụm ống phóng mang theo tối đa 4 tên lửa đất đối không, với các loại đạn tên lửa từ tầm ngắn tới tầm trung tùy thuộc vào nhiệm vụ tác chiến. Với tầm bắn hiệu quả từ 15km đến 35km với độ cao có thể đánh chặn mục tiêu là từ 9.000m đến 16.000m. Nguồn ảnh: wordpress.com.

Tuy nhiên trái tim của hệ thống phòng không Spyder lại là hệ thống đài radar ELM-2084 mạng pha chủ động (AESA) với nhiệm vụ bắt bám mục tiêu, chỉ thị mục tiêu cho hỏa lực của toàn bộ hệ thống phòng không. Với mỗi hệ thống được trang bị ít nhất 6 hệ thống phóng di động có khả năng triển khai 24 tên lửa đất đối không trên trận địa. Nguồn ảnh: Indian Defence.

Đài ELM-2084 hoạt động ở băng tần S, góc phương vị 120 độ, có khả năng xử lý 1.100 mục tiêu trong chế độ giám sát đường không và phát hiện mục tiêu ở cự ly đến 250km. Nguồn ảnh: GlobalSecurity.org.

Còn đối với biến thể Spyder-SR, nó được trang bị đài radar bám bắt mục tiêu chiến thuật ELM-2016 trang bị anten mạng pha có tầm phát hiện mục tiêu máy bay chiến đấu 70-110km, phát hiện trực thăng cách 40km và UAV là 40-60km. Radar có thể theo dõi và bắt bám nhiều loại mục tiêu cùng lúc và dẫn đường nhiều tên lửa cùng tấn công. Nguồn ảnh: gov.sg.

Tác giả: Trà Khánh

Nguồn tin: Báo Kiến thức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok